Những người gần như đã đánh mất niềm tin của người thân, gia đình và cuộc sống bởi lỡ vướng vào ma túy lại đang khởi sinh, tạo dựng từ con số không để làm lại từ đầu bằng thứ "tài sản" duy nhất: Lòng tin.
Những người gần như đã đánh mất niềm tin của người thân, gia đình và cuộc sống bởi lỡ vướng vào ma túy lại đang khởi sinh, tạo dựng từ con số không để làm lại từ đầu bằng thứ “tài sản” duy nhất: Lòng tin.
|
Học viên của cơ sở cai nghiện trổ tài viết thư pháp trong dịp tết cổ truyền. Ảnh: T.L |
Với những học viên của Cơ sở cai nghiện Lâm Đồng, lòng tin trong con mắt của xã hội dành cho họ luôn là thứ xa xỉ.
“Ở đây, chúng tôi đón nhận họ bằng con mắt của sự sẻ chia và bao dung. Đơn giản, vì họ không phải là tội phạm, nghiện ma túy chỉ đơn thuần là một căn bệnh mà họ vì nhiều lý do vô tình mắc phải. Cơ sở như một trung tâm điều trị và điều dưỡng, để cho họ khỏe mạnh, quên đi những cám dỗ, sớm lành vết thương ảo giác để có thể hòa nhập với đời sống theo cách bình thường nhất”, ông Dương Đức Thành - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng, quả quyết với chúng tôi như vậy.
Sự quả quyết của ông giám đốc càng làm những ai tận mắt chứng kiến đời sống, sinh hoạt, lao động thường nhật của học viên nơi đây thêm phần tin tưởng. Học viên, phần lớn là những cô, cậu đang ở tuổi chập chững vào đời, đang còn quen với sự bảo bọc, bao dung của người thân. Những cô cậu tuổi mới lớn ấy, năng lượng thì dư thừa, bản lĩnh chỉ gói gọn trong hai chữ xốc nổi, không quen với sự từ chối trong khi cám dỗ lại bủa vây và vấp ngã âu cũng là lẽ dễ hiểu.
Với định kiến xã hội, với suy nghĩ phiến diện, đôi khi là ác cảm của số đông, họ là những cô cậu bé hư. Nhưng với cách nhìn của đội ngũ cán bộ và kỹ thuật của cơ sở cai nghiện, đơn thuần họ chỉ vấp ngã, vì nhiều lý do rất khó để gượng dậy và cơ sở như một điểm tựa để họ có thể mạnh mẽ, vững vàng hơn để đứng dậy và đi tiếp.
Nếu để nhắc tới một trong những mô hình xã hội hóa thành công nhất của Lâm Đồng, Cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng thực sự là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, cụm từ “xã hội hóa” ở cơ sở lại được nhìn nhận và soi chiếu dưới góc độ hết sức nhân văn.
Trong hơn 200 người đang điều trị tại đây thì có đến 98,5% trong số đó là cai tự nguyện. Chỉ riêng con số này cũng đã đủ nói lên nhiều vấn đề đối với đội ngũ làm công tác xã hội nói riêng và những ai quan tâm nói chung.
Thân thiện và gần gũi, đó là môi trường mà cơ sở đã thực sự xây dựng được trong suốt thời gian vừa qua. Học viên đến đây gần như không ai còn cảm giác bị xa lánh, hắt hủi. Đơn giản cơ sở như một ngôi trường, một gia đình ở đó họ cùng nhau sinh hoạt, lao động, cùng nhau cố gắng để nhắc nhở nhau vượt qua nỗi ám ảnh của ma túy.
Cai nghiện tự nguyện đồng nghĩa với việc phải mất một khoản học phí nhất định, nhưng rất nhiều gia đình học viên, không chỉ bó hẹp trong địa phận của Lâm Đồng nộp đơn cho con em mình vào đây chữa trị.
Theo ông Dương Đức Thành - Giám đốc cơ sở thì: Việc xã hội hóa, thu tiền học phí với mỗi học viên khi vào đây điều trị là một vấn đề cần phải làm. Khoản học phí không nhiều, nhưng “đồng tiền đi liền khúc ruột” chính là cái cách để học viên phải cố gắng nhiều hơn, trân trọng và quý mến giá trị của đồng tiền mà gia đình phải bỏ ra còn họ đã từng phung phí chúng. Hơn hết là cả phía gia đình học viên, để họ cứng rắn, nghiêm khắc hơn với con em của mình.
Có lẽ giá trị lớn nhất mà học viên nơi đây tìm lại được cho bản thân mình sau những ngày phê thuốc là giá trị của lao động thật sự. Họ thấy được mình sau những ngày đổ mồ hôi để làm ra sản phẩm có ích, đấy là những bó rau, cân thịt họ nuôi trồng để ăn uống mỗi ngày.
Bên cạnh những ngày điều trị để cắt cơn, để quên đi cảm giác, phần còn lại của đời sống học viên nơi đây đều diễn ra theo thông lệ hết sức bình thường. Họ được vui chơi, được tham gia những khóa học kỹ năng sống, được trang bị kiến thức còn thiếu hụt và hơn hết được lao động để làm ra tiền bằng chính công sức của mình.
Tất cả sản phẩm, từ nông sản đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do học viên làm ra tại cơ sở sau khi bán ra đều được trả công lại cho học viên theo đúng ngày lao động với thời giá tương đương ngoài xã hội. Mỗi học viên đều có một tài khoản nhất định, để họ có thể rút, mua bán các mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt cho bản thân nhưng cũng với một khoản nhất định, số còn lại gia đình học viên sẽ được nhận đủ sau khi hết khóa điều trị.
Lãnh đạo của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cũng cho biết thêm: Việc thu phí và tạo ra việc làm cho học viên trên chính đất của cơ sở, hay thông qua việc ký kết lao động với các công ty ngoài đã giúp cho cơ sở hoàn toàn tự chủ được các khoản kinh phí hoạt động. Nếu không, theo ước tính, với số lượng học viên như hiện tại thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải tiêu tốn mất khoảng 3 tỷ đồng.
Thay vì quản lý như tội phạm, hoạt động như một trại giam như những năm trước đây, Cơ sở của tỉnh đã tạo ra một không gian mở, khiến hầu hết các học viên đều cảm thấy họ là một phần của cuộc sống. Không phải vô cớ, mà từ 2014 đến nay, cơ sở của Lâm Đồng luôn là một trong những đơn vị được Bộ LĐTB&XH xếp vào top đầu trong toàn quốc về hiệu quả hoạt động.
Ông Ngô Hữu Hay - Phó GĐ Sở LĐTB&XH Lâm Đồng cho biết: “Chính cái tâm và sự cố gắng trong mỗi ngày của đội ngũ cán bộ cơ sở là yếu tố quyết định dẫn tới sự thành công. Thêm vào đó, lòng tin là thứ quý giá nhất mà anh em học viên tìm thấy ở trung tâm. Ngay như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng trung tâm cho người nghiện cai miễn phí, nhưng có rất ít học viên, phần lớn người nghiện ở khu vực Đông Nam Bộ, kể cả có những trường hợp ở phía Bắc, họ cũng tìm đến Lâm Đồng để đặt niềm tin”...
Nhân sự và cơ sở vật chất có lẽ là vấn đề khó khăn nhất của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, như chính ông Dương Đức Thành - Giám đốc cơ sở thừa nhận. Với 17 nhân sự (tính cả hợp đồng) và cơ sở vật chất chỉ đáp ứng đủ cho 177 người (theo đúng chỉ tiêu) nhưng đã có lúc quá tải lên đến 390 người. “Ở đây, chúng tôi có thể hoàn toàn đảm bảo về năng lực con người, nhưng nhân sự quá ít, sau này nếu phải tiếp nhận một số lượng lớn anh em cai bắt buộc nữa (theo quy định của ngành) thì có thể sẽ bị “vỡ trận” và mất thương hiệu bấy lâu nay đã tạo dựng được”.
Không chỉ có thế, việc điều trị cho một số trường hợp đặc biệt như: học viên là người đồng tính, bị mắc bệnh truyền nhiễm, AIDS… đều cần những không gian riêng lại cần rất nhiều đến các phòng chức năng, khu riêng biệt. Tuy nhiên, cơ sở vật chất hiện tại Cơ sở lại gần như đã kín. Lãnh đạo Cơ sở cũng đã phải tận dụng thêm một số phòng chức năng để có thể giải quyết chỗ ăn ở, sinh hoạt cho học viên.
Trong lần thăm hỏi gần đây nhất, ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đánh giá rất cao nỗ lực của đội ngũ cán bộ - kỹ thuật của cơ sở, tuy nhiên ông cũng thừa nhận nhiều khó khăn trong vấn đề nhân sự và vật chất. Nhưng vì một số ràng buộc ở các thủ tục hành chính, về tinh giảm biên chế… nên UBND tỉnh cũng như ngành lao động cũng cần phải có thời gian để xem xét mới có thể giải quyết được.
Với riêng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, thì mong muốn lớn nhất chính là tỉnh cần phải tạo ra được cơ chế riêng để có thể giúp cho hoạt động của cơ sở được thuận lợi, vấn đề kinh phí hoạt động cơ sở hoàn toàn có thể cân đối và tự chủ.
Không dễ để khắc phục khó khăn trong thời gian sớm nhất, tuy nhiên phương châm “Cánh cửa cơ sở luôn mở 24/24 giờ để tiếp nhận cấp cứu, chữa bệnh” thực sự đã là thứ lòng tin quý giá nhất với những ai đã từng “lạc bước” có thể tìm lại chính mình sau khi vào đây.
TUẤN LINH