Ở nơi thiếu điện, thiếu đường

09:03, 20/03/2018

Được thành lập từ 20 năm nay, nhưng cuộc sống của hơn 50 hộ dân ở thôn Hà Tân, xã Tân Văn (huyện Lâm Hà) vẫn rất khó khăn, bởi thiếu đường, thiếu điện.

Được thành lập từ 20 năm nay, nhưng cuộc sống của hơn 50 hộ dân ở thôn Hà Tân, xã Tân Văn (huyện Lâm Hà) vẫn rất khó khăn, bởi thiếu đường, thiếu điện. 
 
Năm nào người dân cũng tìm cách sửa chữa nhưng những con đường vẫn mãi gồ ghề, sỏi đá. Ảnh: H.T
Năm nào người dân cũng tìm cách sửa chữa nhưng những con đường vẫn mãi gồ ghề, sỏi đá. Ảnh: H.T

"Chúng tôi nhiều lần trông ngóng, kiến nghị lên cấp trên thông qua các cuộc họp, các buổi tiếp xúc cử tri nhưng dường như cứ đợi chờ trong vô vọng”, Bí thư Chi bộ thôn Hà Tân - Phạm Ngọc Tâm nói về tình trạng điện, đường của thôn.
 
Tại 3 thôn Hà Tân, Tân Thuận, Tân Hòa (xã Tân Văn), bà con nông dân đã cùng nhau thành lập tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Thuận Tân với 70 thành viên, trên 100 ha cà phê, và tham gia Dự án sản xuất cà phê bền vững (VnSAT). Theo đó, ngoài việc tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê cho bà con nông dân, dự án còn hỗ trợ đầu tư trang thiết bị sản xuất như máy sấy, máy sơ chế, sân phơi, máy cày. Dự án cũng đang có kế hoạch hỗ trợ THT xây dựng 2,3 km đường giao thông nông thôn tới khu sản xuất, kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Đây sẽ là những hỗ trợ thiết thực giúp bà con nông dân ở đây nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống.
Thành lập từ năm 1998, Hà Tân là thôn “sinh sau đẻ muộn” nhất trong số 16 thôn của xã Tân Văn. Đến nay, toàn thôn có 53 hộ và 224 nhân khẩu. 20 năm nay, người dân trong thôn chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp với cây cà phê. “Đường sá đi lại khó khăn, điện cũng do người dân tự kéo “nhờ” từ các hộ ở xã lân cận về nên điện rất yếu, nhất là vào giờ cao điểm, gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong thôn hiện còn 15 hộ không có điện sử dụng, phần vì kinh tế khó khăn, phần vì khoảng cách xa quá”, ông Võ Đông Phương - Trưởng ban Mặt trận thôn cho biết. 
 
Hiện nay, để có điện sử dụng, người dân thôn Hà Tân phải tự tìm cách kéo nguồn điện từ thôn Tân Tiến (xã Tân Văn), xã Phúc Thọ và xã Tân Hà. Đây là địa bàn giáp ranh ba xã, tuy nhiên, diện tích trải rộng, dân cư phân bố rải rác nên đường dây kéo điện của các hộ khá dài, hao phí trên dây khá lớn. Vật liệu khi là trụ tre, trụ sắt, cây cối tạm bợ nên nhiều khi không đảm bảo an toàn. Điện kéo về gần như chỉ có thể thắp sáng bóng đèn LED. Vì điện yếu, chập chờn nên phần lớn ti vi, tủ lạnh, máy giặt trong các gia đình nếu muốn sử dụng thì phải dùng máy phát điện hỗ trợ. Ông Lê Phụ, người dân trong thôn cho biết: “Đường dây kéo điện về đến nhà dài gần 1.500 m nên điện thường rất yếu, cơm nấu bữa chín bữa sống, nên dù có tiền, gia đình tôi cũng không muốn đầu tư vào các trụ kéo làm gì”. 
 
Bí thư chi bộ Phạm Ngọc Tâm cho biết, do không chờ đợi được đến ngày có điện, đường, một số hộ đã chuyển đi nơi khác sinh sống, chỉ giữ lại đất canh tác. 
 
Vì vậy, thời điểm này, khó có thể huy động đóng góp đồng đều của người dân. Hằng năm, thôn vẫn lên kế hoạch duy tu, sửa chữa con đường để người dân đi lại thuận tiện hơn nhưng cứ sửa đâu là lại hư đó. Mùa mưa, nước từ trên đồi đổ xuống cuốn theo lớp đất bề mặt, con đường lại trơ trọi sỏi đá. Việc bà con trong thôn sử dụng võng khiêng người ốm đau ra bệnh viện tưởng chừng như đã lùi xa thì 1, 2 năm nay ở Hà Tân vẫn còn tiếp diễn bởi mùa mưa, đường lầy lội, xe cộ không thể di chuyển bình thường được.
 
Nhiều năm nay, thay vì đi con đường dài 3,4 km ra trung tâm xã Tân Văn, người dân Tân Hà chủ yếu lựa chọn con đường vòng qua xã Tân Hà, dài gần 13 km. Để đảm bảo có điện sinh hoạt và sản xuất, hầu hết các hộ phải chuẩn bị thêm máy phát điện để sử dụng vào giờ cao điểm. “Điện và đường là 2 khó khăn lớn nhất mà người dân cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết sớm”, ông Tâm bày tỏ.
 
Theo ông Nguyễn Công Thức, Chủ tịch UBND xã Tân Văn, thực tế về điện, đường ở Hà Tân đã tồn tại nhiều năm nay. Địa phương cũng nhiều lần nhận được kiến nghị của bà con và báo cáo lại với cấp trên, vì hiện tại, chính quyền gần như cũng “lực bất tòng tâm”. Ông Thức cho biết thêm, trước đây đã có các dự án về kéo điện nhưng vẫn chưa được thực hiện. UBND xã cũng nhiều lần kêu gọi đầu tư nhưng vẫn phải chờ đợi hỗ trợ từ cấp trên bởi nguồn kinh phí quá lớn. 
 
HỒNG THẮM