Cảm cúm lúc giao mùa - Những lưu ý khi dùng thuốc

03:03, 06/03/2018

Các thuốc cảm cúm hiện rất phổ biến trên thị trường, tuy nhiên cần lưu ý các thuốc này chỉ giúp giảm triệu chứng trên người bệnh mà không có tác dụng loại trừ nguyên nhân (virut) hay rút ngắn thời gian mắc bệnh. Ngoài ra, các thuốc cảm cúm có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không được sử dụng đúng cách.

Các thuốc cảm cúm hiện rất phổ biến trên thị trường, tuy nhiên cần lưu ý các thuốc này chỉ giúp giảm triệu chứng trên người bệnh mà không có tác dụng loại trừ nguyên nhân (virut) hay rút ngắn thời gian mắc bệnh. Ngoài ra, các thuốc cảm cúm có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không được sử dụng đúng cách.
 
Gan dễ bị tổn thương nếu dùng quá liều paracetamol
Gan dễ bị tổn thương nếu dùng quá liều paracetamol

Cảm cúm là bệnh cấp tính do virut có khả năng lây lan cao qua đường hô hấp, thường xảy ra vào thời điểm giao mùa. Các triệu chứng của cảm cúm xuất hiện sau 1-3 ngày nhiễm virut bao gồm sốt, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, đau nhức cơ... Cảm cúm thông thường không biến chứng sẽ tự hết sau 7-10 ngày nhờ hệ miễn dịch của cơ thể. Mặc dù bệnh dễ mắc dễ khỏi, nhưng cảm cúm có thể khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, bị gián đoạn công việc và giảm chất lượng cuộc sống.
 
Các thuốc cảm cúm trên thị trường hiện rất đa dạng với nhiều tên biệt dược khác nhau nhưng có thành phần thuộc bốn nhóm chính sau:
 
Thuốc hạ sốt, giảm đau: Thành phần hạ sốt, giảm đau trong các thuốc cảm cúm thường được sử dụng là paracetamol. Ở liều bình thường, paracetamol dung nạp tốt và ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, quá liều paracetamol có thể gây độc cho gan. Buồn nôn, nôn và đau bụng thường xảy ra trong vòng 2-3 giờ sau khi dùng liều độc của thuốc. Hoại tử gan phụ thuộc liều là độc tính cấp nghiêm trọng nhất do quá liều paracetamol và có thể gây tử vong. Do đó, người bệnh cần tuân thủ đúng liều dùng và thời gian dùng thuốc. Cần hạn chế uống rượu khi đang dùng paracetamol do rượu làm tăng độc tính trên gan của thuốc. Đặc biệt, người bệnh cần kiểm tra kỹ tờ hướng dẫn sử dụng của các thuốc đang sử dụng để tránh quá liều do sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc cùng chứa paracetamol.
 
Thuốc giảm ho: Codein và dextromethorphan là hai thuốc giảm ho thường được sử dụng. Cần lưu ý ho là phản xạ sinh lý giúp làm sạch đường thở, tống xuất đờm, dịch tiết hoặc vật lạ lọt vào đường hô hấp. Các thuốc giảm ho chỉ nên sử dụng trong trường hợp ho khan, ho quá mức gây mệt, nôn ói, mất ngủ. Một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng của hai thuốc ho này là gây suy hô hấp, đặc biệt trên trẻ nhỏ. Do đó, không dùng thuốc cho trẻ nhỏ và thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh ho nhiều đờm, người bị hen hoặc suy giảm hô hấp... Việc dùng thuốc liều cao kéo dài có thể gây phụ thuộc thuốc nên cần tuân thủ đúng liều dùng và thời gian dùng thuốc. Ngoài ra, chống chỉ định codein cho phụ nữ cho con bú khi người mẹ nghi ngờ hoặc được xác định thuộc nhóm người có chuyển hóa codein cực nhanh thành morphin vì có thể gây tử vong cho trẻ bú mẹ do nhiễm độc morphin.
 
Thuốc chống sung huyết, ngạt mũi: Các thuốc co mạch trị sung huyết, ngạt mũi: pseudoephedrin, phenylephrin, naphazolin, xylometazolin, oxymetazolin có dạng uống và dạng nhỏ, xịt mũi. Thuốc gây co mạch dẫn đến làm giảm lưu lượng máu và làm giảm sung huyết mũi. Tuy nhiên, khi dùng thuốc quá liều hoặc trên người bệnh nhạy cảm, đặc biệt trẻ em, thuốc có thể gây co mạch toàn thân dẫn đến tím tái, vã mồ hôi, choáng, tăng huyết áp, hồi hộp, chóng mặt, đánh trống ngực... Do đó, đặc biệt thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ, người bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, người bị hen, suy thận, đái tháo đường hoặc cường giáp... Cần ngừng ngay thuốc nếu phản ứng phụ xảy ra.
 
Ngoài ra, các thuốc co mạch dạng nhỏ, xịt mũi dùng lâu ngày có thể gây hiện tượng “bật lại” (rebound) tức là lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây nghẹt mũi trở lại do thuốc làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi và làm tổn thương hệ thống màng nhầy - lông chuyển trong mũi. Do đó, người bệnh cần tuân thủ khuyến cáo về liều dùng và thời gian dùng thuốc (một đợt điều trị không kéo dài quá 5 ngày).
 
Thuốc chống dị ứng: Các thuốc thuộc nhóm này clopheniramin, loratadin, diphenhydramin, triprolidin có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng viêm mũi, nghẹt mũi và ho do dị ứng. Một số trường hợp không được dùng các thuốc nhóm này bao gồm trẻ nhỏ, người bệnh glocom góc đóng, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp môn vị... Thuốc có thể gây ngủ gà, chóng mặt, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động nên cần tránh dùng cho người làm các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe hoặc điều khiển máy móc... Người bệnh cần hạn chế uống rượu khi đang dùng thuốc vì rượu làm tăng tác dụng an thần của thuốc.
 
Cần lưu ý, không dùng kháng sinh khi bị cảm cúm do virut. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong một số trường hợp người bệnh cảm cúm bị bội nhiễm vi khuẩn. Khi được chỉ định kháng sinh, người bệnh cần lưu ý không bỏ liều thuốc và uống hết lượng thuốc được kê kể cả trong trường hợp cảm thấy khỏe hơn sau một vài ngày.
 
Khi bị cảm cúm, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc để hỗ trợ đẩy lùi bệnh như nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng (tăng cường một số loại thực phẩm như tỏi, hành, gừng, tía tô, chanh, mật ong...), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan bệnh. Đặc biệt, cảm cúm có thể chủ động phòng tránh bằng cách thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, tránh đến chỗ đông người khi có dịch, ăn uống đủ chất và tiêm vắc-xin phòng bệnh.
 
(Theo suckhoedoisong.vn)