Khác với không khí yên tĩnh thường nhật, gian bếp nhỏ của Hội Người mù Lâm Ðồng lại rôm rả tiếng nói cười vào mỗi tối thứ ba và thứ năm hàng tuần. Dưới ánh điện sáng, các bạn sinh viên tình nguyện lặng lẽ giúp các em học sinh khiếm thị làm toán, làm văn...
Khác với không khí yên tĩnh thường nhật, gian bếp nhỏ của Hội Người mù Lâm Ðồng lại rôm rả tiếng nói cười vào mỗi tối thứ ba và thứ năm hàng tuần. Dưới ánh điện sáng, các bạn sinh viên tình nguyện lặng lẽ giúp các em học sinh khiếm thị làm toán, làm văn. Và như những người bạn, họ cùng lắng nghe, tâm sự với nhau những câu chuyện vui, buồn…
|
Phương Thúy đang giúp Lý Thông chép lại đề cương ôn tập môn Lịch sử chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Ảnh: H.T |
Lớp học không phấn trắng, bảng đen
“Lâu lắm rồi anh Quang không ghé thăm tụi em nha”, Nguyễn Văn Hoàng niềm nở khi nghe Nguyễn Khắc Quang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Đà Lạt cất tiếng chào mọi người. Hoàng năm nay tròn 15 tuổi và hiện đang học chương trình lớp 6 tại Trường THCS Phan Chu Trinh. Xa gia đình, bạn bè nên khi rời nhà lên Hội Người mù sinh sống và học tập, Hoàng có thêm những người bạn mắt sáng là những anh chị sinh viên tình nguyện trong CLB. “Đã rất lâu rồi mình không thể ghé thăm lớp thường xuyên vì bận làm nhiều chương trình, lịch học. Không thể nhìn thấy mặt nhưng Hoàng và các bạn ở đây không khi nào quên giọng nói của tất cả mọi người đã hỗ trợ mình học tập trong suốt thời gian qua, dù ngắn hay dài”, Quang xúc động nói.
Các em học sinh khiếm thị ở đây hiện đang theo học chương trình giáo dục hòa nhập tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch và Trường THCS Phan Chu Trinh. Mỗi tuần 2 buổi, các thành viên trong nhóm tình nguyện Sao Ánh Dương (trực thuộc CLB Sinh viên tình nguyện) sẽ hỗ trợ và hướng dẫn 6 em học sinh khiếm thị đọc, viết chữ sáng. “Các bạn sinh viên sẽ hỗ trợ các em đọc bài tập, đề cương được in trên giấy bình thường để các em nghe và viết lại bằng chữ nổi. Ngược lại, khi giáo viên giao bài tập về nhà, các em chép bằng chữ nổi, sau đó làm và đọc kết quả để chúng mình chép lại vào trong vở rồi hôm sau lên lớp giáo viên kiểm tra…”, Quang giải thích sơ lược về hoạt động của lớp học.
Cũng chính vì thế, lớp học không tồn tại phấn trắng, bảng đen. Dụng cụ học tập cũng vô cùng đơn giản, chỉ gồm bút, vở, bảng chữ nổi và bảng tính. Lớp học cứ đơn giản, lặng lẽ như thế trong gian bếp nhỏ của Hội Người mù suốt thời gian qua.
Những cô, cậu học trò dù chỉ mới học cấp I, II nhưng cũng chỉ thua kém các anh chị sinh viên chừng vài tuổi. Đa số các em ở đây trên 10 tuổi mới bắt đầu học làm quen với chữ nổi rồi bước vào chương trình giáo dục hòa nhập. Hoàng 15 tuổi học lớp 6; Hồ Minh Thảo đã 16 tuổi nhưng mới chỉ học lớp 5; Phạm Hồng Lý Thông 16 tuổi học lớp 7… Ai trong số các em cũng đang từng ngày cố gắng vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Khiếm thị, đồng nghĩa với việc các em không thể nhìn thấy hoặc thấy nhưng rất mờ. Đôi mắt thứ 2 của các em chính là đôi tay. Các em có thể sờ, ngửi… nhưng không thể phân biệt được hình dáng, màu sắc… Và các bạn sinh viên tình nguyện ở đó đồng hành cùng các em vượt lên những nghiệt ngã của số phận.
Những người bạn đồng hành
Anh Phan Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt cho biết, các thế hệ sinh viên tình nguyện của trường đã đồng hành cùng học sinh khiếm thị tại cơ sở của Hội Người mù tỉnh từ giai đoạn 2009 - 2010. Vượt qua những khó khăn ban đầu, lớp học đã dần đi vào ổn định, duy trì thường xuyên và đem lại hiệu quả.
Thứ ba và thứ năm hàng tuần, đúng 17h, các bạn sinh viên tình nguyện lại cùng nhau đi bộ trên quãng đường gần 5 km từ trường đến với lớp học. “Vì nhiều bạn không có xe máy để di chuyển nên chúng mình quyết định tất cả sẽ đi bộ cùng nhau. Dù đường xa, dù mệt nhưng ai cũng vui vì biết rằng mình đang giúp sức cho những mảnh đời còn gặp nhiều khó khăn. Không ai bảo ai, tất cả chúng mình cùng hướng về một mục tiêu”, Lê Thị Thu Liền - Trưởng nhóm Sao Ánh Dương chia sẻ.
Tham gia tình nguyện tại lớp học, không chỉ giúp sức hỗ trợ các em học sinh khiếm thị mà đối với chính bản thân các bạn sinh viên cũng là quá trình học hỏi và trưởng thành. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, Lê Thị Phương Thúy (sinh viên năm 2 khoa Quốc tế học) nay tự thấy mình chín chắn, trưởng thành hơn. Phương Thúy nói rằng, không ai khác mà chính các em học sinh khiếm thị đã dạy cho Thúy cách cởi mở, hòa đồng. Phương Thúy tâm sự: “Ngày đầu tiên tới lớp, các em đã chủ động làm quen, “nhờ” mình đọc giùm các em sao cho dễ nghe, dễ hiểu. Mình chỉ các em học bài, hiểu bài, còn các em lại giúp mình học cách trưởng thành và suy nghĩ lạc quan trước mọi khó khăn. Mỗi khoảng thời gian tâm sự với các em mới thấy dù trong hoàn cảnh nào thì các em vẫn luôn mơ ước về những điều tốt đẹp cho gia đình. Đôi lúc mình cảm thấy nhỏ bé so với các em”.
“Trên hết, các em sẽ cảm nhận được giá trị nhân văn qua những việc mà mình làm để từ đó soi nhìn lại bản thân để biết được rằng mình đang may mắn. Tham gia hoạt động tình nguyện cũng là quá trình rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng cũng như sự tự tin cần thiết cho các bạn sinh viên trên con đường phía trước. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị để giúp các em học sinh khiếm thị giảm đi phần nào khó khăn trong cuộc sống”, anh Phan Tuấn Anh cho biết thêm.
Ai trong số các bạn sinh viên cũng cảm nhận được nỗi nhớ khi xa nhà. Thế nên cứ đến hẹn lại lên, sinh viên tình nguyện trong nhóm Sao Ánh Dương lại cùng khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện và bảo nhau rằng: “Nhớ mỗi tuần mình về thăm nhà 2 lần nhé!”.
HỒNG THẮM