(LĐ online) - 30 năm, quãng thời gian đủ dài để cho một con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Ở Hà Lâm (huyện Đạ Huoai), cư dân nơi đây cũng chỉ mất chừng ấy thời gian, để có thể viết riêng cho mình một câu chuyện cổ tích.
(LĐ online) - 30 năm, quãng thời gian đủ dài để cho một con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Ở Hà Lâm (huyện Đạ Huoai), cư dân nơi đây cũng chỉ mất chừng ấy thời gian, để có thể viết riêng cho mình một câu chuyện cổ tích.
|
Sầu riêng Hà Lâm |
Không thể không ấn tượng với Hà Lâm
Nếu ví huyện cửa ngõ phía Nam - Đạ Huoai là vườn cây ăn trái lớn nhất của Lâm Đồng, thì Hà Lâm, hiện tại như là “linh hồn” và “trái tim” của vườn cây đó.
Và cũng chính các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng đã giúp cho đời sống của Hà Lâm, một vùng đất vốn nổi tiếng vì mùa mưa thì ngập úng, mùa khô thì thiếu nước có một sự thay đổi đến ngỡ ngàng.
“Hà Lâm đã không còn người nghèo”, câu khẳng định ấy sẽ khiến không ít người ngờ vực, nếu đã từng chứng kiến sự ra đời của Hà Lâm 32 năm về trước, về những nhọc nhằn, gian truân mà người dân trong xã đã phải từng gánh chịu.
Bà Nguyễn Thị Dưỡng - Bí thư Đảng ủy xã, người theo cha mẹ vào Hà Lâm từ những ngày đầu khi còn là một cô bé nhớ lại: “Những ngày đầu ở Hà Lâm là những ngày khai hoang vỡ đất, trồng điều, đời sống của bà con cũng chủ yếu phụ thuộc vào rừng, bữa đói bữa no. Sầu riêng, hay các loại cây trái khác như chôm chôm, măng cụt… cũng chỉ được trồng theo kiểu ăn chơi. Đời sống Hà Lâm của ngày hôm nay chính là thành quả của mồ hôi, của công sức lao động chắt chiu qua rất nhiều thế hệ vun đắp nên”.
Một Hà Lâm không còn người nghèo chắc chắn không giản đơn từ giá cả thị trường, đời sống người dân thay đổi sau vài vụ được mùa, được giá.
Ở Hà Lâm “chiến dịch” xóa nghèo đã trở thành một phong trào, một cuộc “tổng động viên”, không đơn thuần từ những nghị quyết, chủ trương, từ những mô hình áp dụng…mà gần như đã ăn sâu vào tiềm thức trong mỗi suy nghĩ của người dân nơi đây.
Bắt đầu từ Đảng ủy, “đầu não” trong bộ máy hoạt động đến chính quyền, nơi thể hiện được sự nhanh nhạy, linh động trong cách thức vận dụng và điều hành, rồi các đoàn thể đã khẳng định được vai trò của mình trong việc gần dân, lắng nghe tiếng nói của dân, cuối cùng là sự nhập cuộc, đồng lòng không thể tốt hơn của mỗi người dân.
Hộ nào thiếu phương tiện nghe nhìn, xã vận động hỗ trợ; ai thiếu máy tính để nâng cao kiến thức, xã tìm nguồn cung cấp; gia đình nào thiếu phương tiện sản xuất, xã bố trí qua các kênh tài trợ khác nhau; trẻ em nghèo đi học xa, xã xin xe từ những mạnh thường quân; nhà nào thiếu gạo, mắm muối đã có các nhà hảo tâm tìm về…
Cách tiếp cận xóa nghèo đa chiều của Hà Lâm bắt đầu từ những điều rất nhỏ như thế. “Cho cá” để bù đắp thiếu hụt cho người dân trong những ngày đầu khó khăn tạo dựng cuộc sống, không phải là phương kế lâu dài. Chiếc “cần câu” mà xã Hà Lâm trao cho người dân ngay từ đầu ngoài những chương trình, nguồn vốn của Trung ương, địa phương để hỗ trợ cho người dân trong việc thay đổi đời sống nghèo đói lại từ chính nội lực của mình.
Ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Chúng tôi đã vận dụng và tập trung từ mọi nguồn quỹ dành cho mục tiêu đầu tiên, quan trọng và thiết thực nhất, xóa nghèo cho người dân. Trích từ quỹ hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo là 5 triệu, hộ cận nghèo là 3 triệu, số tiền ấy không nhiều nhưng luôn được xem là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất để người dân có thể bắt đầu tạo dựng thêm động lực để vươn lên”.
Nếu để lấy một con số minh chứng cho sự thay đổi thần kỳ của Hà Lâm theo mốc thời gian gần nhất, đó có lẽ phải là những con số thống kê về hộ nghèo. Cuối năm 2011, xã còn hơn 8% hộ nghèo, đến cuối 2015 thì con số ấy chỉ còn vỏn vẹn 0,57% và đến cuối 2017, xã đã chính thức “vắng bóng” hộ nghèo.
Từ đầu 2017 cả xã chỉ còn hai hộ nghèo, nhưng để xóa trắng số phần trăm ít ỏi đó lại là một câu chuyện dài, một câu chuyện không phải hỗ trợ bằng vật chất, đó là câu chuyện đầy trách nhiệm, tâm huyết, biết lắng nghe của đội ngũ cán bộ xã và hơn hết đó là câu chuyện của tình người.
Người nghèo đầu tiên là cụ bà Phùng Thị Biện - Thôn 4, một người già sống một mình nhưng không neo đơn (do con cái đi làm ăn xa). Hộ nghèo còn lại là vợ chồng ông bà Khất Văn Đung - Thôn 1, tuổi cao sức yếu. Họ đều có đất sản xuất, nhưng không tự chủ được lao động vì thế thu nhập bấp bênh nên thường xuyên phải nhận hỗ trợ để đảm bảo đời sống.
Ông Nguyễn Văn Điệp - Chủ tịch MTTQ xã cho biết: “Đảng ủy, Ủy ban, MTTQ và các đoàn thể khác đã tập trung kêu gọi nhân lực, hỗ trợ ngày công, xây dựng vườn theo quy mô VAC nhỏ, đủ với sức chăm sóc và trông coi của người lớn tuổi. Đồng thời, cho người liên lạc, nhắc nhở con cái ở xa phải thường xuyên có trách nhiệm với các cụ, mỗi khi đau ốm, lực lượng thanh niên xã thường xuyên cắt cử đội ngũ tình nguyện xuống chăm sóc vườn tược, thu hoạch… chính vì thế hai gia đình này đã có nguồn thu nhập đảm bảo, tự chủ được thu nhập, ổn định đời sống theo đúng theo tiêu chí của một gia đình bình thường”.
|
Chăm sóc sầu riêng ở Hà Lâm |
Cuộc sống không sầu riêng
Có thể khẳng định rằng, sầu riêng và một số loại cây ăn trái khác chính là chìa khóa để Hà Lâm từ một xã nghèo có sự thay đổi đến gần như lột xác trong 3 năm trở lại đây. Trong hơn 3.600 nhân khẩu của 900 hộ dân nơi đây, thì 1/3 trong đó, người dân ở Hà Lâm có đời sống thuộc diện khá giả.
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trong chuyến công tác gần đây nhất tại Hà Lâm đã khẳng định: “Hà Lâm là một trong số ít xã, phương trên địa bàn toàn tỉnh đã xóa nghèo hoàn toàn, dù biết phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng bằng mọi cách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã cần phải giữ được thành quả đáng trân trọng này”.
Sự lường trước khó khăn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khi đưa ra dự báo, cũng đã được chính quyền và người dân Hà Lâm chuẩn bị trước cho mình tâm thế để thay đổi.
Hiện tại, trung bình mỗi hecta sầu riêng đem lại cho người dân Hà Lâm khoảng gần 70 triệu đồng/năm và với rất nhiều gia đình, sầu riêng cũng đem lại cho họ nguồn thu từ 500 đến gần 2 tỷ đồng trên diện tích đất đang canh tác của mình. “Sầu riêng được giá, được mùa thực sự đã đem lại cho người nông dân như chúng tôi có được đời sống khấm khá. Nhưng đâu phải lúc nào sầu riêng cũng “lên ngôi”. Điều chúng tôi mong muốn nhất, chính là những cơ chế, chính sách, sự hoạch định về hướng đi của các cấp chính quyền để người nông dân một nắng hai sương như chúng tôi, không còn phải lo lắng và đời sống không phải phập phù theo giá cả thị trường”, anh Trần Văn Hưng - Thôn 2, một người có diện tích sầu riêng khá lớn chia sẻ.
Không phải nỗi lo của anh Hưng không có căn cứ, khi thị trường sầu riêng của Hà Lâm, của Đạ Huoai hay của rất nhiều nơi khác đều đang hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, vào thị trường Trung Quốc và gần như là “cuộc chơi” riêng của họ.
Cũng không còn là nỗi lo của người nông dân, chính quyền sở tại, huyện Đạ Huoai, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã có kế hoạch để ngăn ngừa nỗi lo đó, bằng cách xây dựng cho sầu riêng Đạ Huoai trở thành một thương hiệu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường sầu riêng hiện nay đang lẫn lộn, giữa hàng được đóng mác tiêu chuẩn với hàng bình thường do bà con trồng thu hoạch không có sự chênh nhau về giá, trong khi đó việc đăng kí thương hiệu và hướng bà con đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn như VietGAP lại gặp nhiều rắc rồi về thủ tục cũng như công sức đầu tư, tốn kém cả về vật chất. Vấn đề này có lẽ cũng là một bài toàn nan giải, cần một chiến lược cụ thể, dài hơi với những sự tính toán phù hợp, tránh nóng vội.
Để không nghèo trở lại
Để cho một cuộc sống, khi sầu riêng “hạ nhiệt”, năm 2018, Đảng bộ và chính quyền xã Hà Lâm đã có hẳn một chương trình riêng dành cho việc chống tái nghèo.
Bên cạnh việc vận động người dân tiếp tục hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn, ngoài sầu riêng, thì xã còn khuyến cáo bà con giữ nguyên diện tích các loại cây trồng khác, qua đó tránh bị phụ thuộc, cũng như đa dạng hóa các sản phẩm nông sản khác. Một diện tích điều lớn, loại cây trồng đã gắn bó và nuôi sống người dân trong nhiều năm qua, cần tiếp tục được chuyển đổi sang điều ghép, trồng thêm chè xen canh và tập trung đẩy mạnh chăn nuôi sang hướng bò thịt. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát triển thương mại, dịch vụ của các thôn chạy dọc theo quốc lộ 20, nơi có rất nhiều tiềm năng để làm các điểm dừng chân, tham quan, nghỉ dưỡng.
Từ nhiều năm qua, ngay chính người dân làm nông nghiệp ở Hà Lâm cũng đã chủ động tạo cho mình có được chỗ đứng độc lập, tránh sự phụ thuộc. Rất nhiều mô hình hợp tác đã được ra đời, trong đó nổi bật nhất phải kể đến “CLB trăm triệu”. Một CLB với 100% hội viên là nông dân, là “láng giềng gần”, là những người có cùng chung chí hướng trong xã, muốn đưa cây trái của Đạ Huoai có được chỗ đứng nhất định trên thị trường trong và ngoài nước. Anh Phạm Doãn Chín - thành viên của CLB chia sẻ: “Chúng tôi chưa phải là những “đại gia” như nông dân ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, nghe CLB trăm triệu thì có vẻ to tát, có vẻ gì đó khoe khoang, thực chất chúng tôi chỉ muốn tập hợp lại, có được sức mạnh tập thể cùng nhau vượt khó, giúp đỡ, chỉ bảo cho nhau, qua đó có thể làm giàu được chính trên mảnh đất vườn nhà của mình”.
“CLB Trăm triệu”, một thứ “tài sản” quý của Hà Lâm như nhiều người đánh giá. Nhưng có lẽ cái đáng quý và trân trọng nhất, khát vọng được vươn lên, xóa bỏ những ám ảnh về nghèo đói, mới chính là thông điệp mà người dân ở nơi “không còn người nghèo” muốn chuyển tải.
Tuấn Linh