Quản lý an toàn thực phẩm từ đồng ruộng

08:03, 02/03/2018

Xu hướng sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng được nhiều người quan tâm, đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất ngay từ trên chính đồng ruộng của mình để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xu hướng sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng được nhiều người quan tâm, đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất ngay từ trên chính đồng ruộng của mình để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
 
Người nông dân tham gia vào chuỗi liên kết thực phẩm an toàn. Ảnh: H.Y
Người nông dân tham gia vào chuỗi liên kết thực phẩm an toàn. Ảnh: H.Y

Tăng diện tích VietGAP
 
Năm 2017 nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục phát triển tương đối toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng định hướng. Tổng diện tích canh tác năm 2017 đạt 278.154 ha. Thực hiện quy định về nộng dung, danh mục và mức hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGap trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, đã hỗ trợ 47 hộ nông dân thực hiện VietGap, ngoài ra còn thực hiện dự án LIFSAP, VNSAT cũng hỗ trợ các hộ nông dân thực hiện VietGap, VietGAHP, cà phê bền vững… Đến cuối năm, tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP, 4C… là 59.656,7 ha, trong đó rau 1.780 ha/19.479 ha, đạt tỷ lệ 9,14% so với diện tích canh tác; chè 497 ha/21.044 ha, đạt tỷ lệ 2,36%; cây ăn quả 242,4 ha/14.262 ha, đạt tỷ lệ 1,7%; dược liệu 35 ha, cà phê 4C, Rainforet, UTZ đạt 56.880 ha/158.624 ha, đạt tỷ lệ 35,86% và có hơn 95 nghìn con heo được công nhận VietGAHP.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 68 chuỗi an toàn thực phẩm, bao gồm 35 chuỗi rau, củ, quả với 1.144 hộ liên kết, diện tích hơn 1.631 ha, sản lượng hơn 151 nghìn tấn/năm; 19 chuỗi chè với 253 hộ liên kết, diện tích hơn 1,5 nghìn ha, sản lượng hơn 9 nghìn tấn/năm; 2 chuỗi dược liệu với 37 hộ liên kết, diện tích 107 ha, sản lượng 2.520 tấn/năm; 3 chuỗi hoa với 818 hộ liên kết, diện tích 236 ha, sản lượng  hơn 181 triệu cành; 1 chuỗi cà phê với 39 hộ liên kết, diện tích 75,4 ha, sản lượng 1.130 tấn/năm; 1chuỗi lúa nếp với 50 hộ liên kết, diện tích 22,2 ha, sản lượng 888 tấn/năm; 4 vùng chăn nuôi theo VietGAPH với 50 tổ hợp tác với 718 hộ, quy mô hơn 95 nghìn con heo. Cũng trong năm 2017, đã tiến hành hỗ trợ xây dựng 14 chuỗi thực phẩm an toàn với diện tích 368,85 ha, sản lượng 16.148 tấn/năm gồm 249 hộ liên kết, tăng 59% so với năm 2016.
 
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, song song với công tác xây dựng chuỗi ATTP,  Chi cục đã tổ chức lấy mẫu kiểm tra định tính dư lượng thuốc BVTV 1.050 mẫu/1.050 lô hàng (1.577,35 tấn chè và rau các loại). Kết quả 1.038 /1.050 mẫu an toàn (chiếm 98,84%). Trên rau đã phân tích định tính 900 mẫu trên 900 lô hàng, kết quả có 888/900 mẫu an toàn. 
 
Các đơn vị có mẫu không an toàn được cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, hướng dẫn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh hại để đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc BVTV, sau đó lấy mẫu trên các lô hàng này phân tích lại bằng phương pháp phân tích định tính 2 nhóm thuốc lân hữu cơ và carbamate, kết quả các mẫu tái kiểm tra, phân tích đều an toàn. 
 
Ðồng bộ khâu quản lý
 
Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Lâm Đồng, thông qua nhiều hoạt động như hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng 11 bộ test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho các mô hình chuỗi, để các chuỗi có thể tự kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ khâu mua nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất; yêu cầu các cơ sở thực hiện kiểm soát thường xuyên việc thực hiện quy trình, quy phạm sản xuất, kiểm tra việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ của các hộ và cơ sở. Dùng bảng chi tiết về đánh giá nội bộ để đánh giá tình hình thực hiện tất cả các chỉ tiêu, qua đó có biện pháp khắc phục kịp thời các lỗi. Trong năm, cũng đã tổ chức 17 lớp tập huấn cho 832 nông dân, cơ sở sản xuất rau, quả, chè an toàn tại thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, các quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.
 
Thường xuyên giám sát, kiểm tra sử dụng thuốc BVTV tại các cơ sở tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với TP Hồ Chí Minh (HTX DVTHNN Anh Đào, Công ty TNHH SXTMNS Phong Thúy, HTX Võ Tiến Huy, Hộ kinh doanh Nguyễn Trung Nam, THT sản xuất rau an toàn Suối Thông B…). Nhìn chung công tác quản lý dư lượng thuốc BVTV trên rau, chè đã thực hiện có hiệu quả việc giám sát an toàn thực phẩm trên các sản phẩm rau, chè trước khi đưa ra thị trường, đặc biệt đã thực hiện giám sát tại các cơ sở sản xuất có chứng nhận VietGAP, kịp thời phân tích dư lượng thuốc BVTV trên nông sản của Trung Quốc nhập khẩu vào Lâm Đồng. Qua đó, Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có dư lượng thuốc BVTV thấp nhất cả nước 1,14% (chỉ tiêu 8%) và trong  năm 2018 sẽ tiếp tục phấn đấu giảm dưới 1%...
 
Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn được đẩy mạnh, hoàn thành kế hoạch; tăng hơn 59% so với năm 2016 và hiện nay rất được xã hội quan tâm. Một số nông sản, thực phẩm chủ lực như rau, quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu ATTP. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết và hiệu quả, chặt chẽ giữa đơn vị cung ứng sản phẩm an toàn và tổ chức của những người sản xuất. Tất cả những đối tác liên quan phải thực hiện đúng cam kết. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt bảo đảm yêu cầu, đột xuất và định kỳ kiểm tra, cấp cho họ giấy kiểm tra an toàn. Qua đó, sẽ cung cấp cho người tiêu dùng những địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản tin cậy. 
 
HOÀNG YÊN