Vi phạm lâm luật giảm nhưng nhiều nội dung triển khai chậm

10:03, 26/03/2018

Chi cục Kiểm lâm Lâm Ðồng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 197 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; giảm cả số vụ vi phạm, diện tích thiệt hại do phá rừng và lâm sản thiệt hại, so với cùng kỳ năm 2017. 

Chi cục Kiểm lâm Lâm Ðồng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 197 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; giảm cả số vụ vi phạm, diện tích thiệt hại do phá rừng và lâm sản thiệt hại, so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng cần đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả hơn. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt kiểm tra rừng tại địa bàn xã Tà Nung cuối tháng 2 năm 2018. Ảnh: M.Đ
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt kiểm tra rừng tại địa bàn xã Tà Nung cuối tháng 2 năm 2018.
Ảnh: M.Đ

Cụ thể hơn của 3 tháng đầu năm 2018: diện tích thiệt hại do phá rừng là 117.000 m 2 (11,7 ha), lâm sản thiệt hại hơn 538 m 3. So với năm 2017, đã giảm được 75 vụ (tương đương 28%); giảm 2,26 ha (16%) về diện tích thiệt hại và giảm gần 371 m 3 (41%) về lâm sản thiệt hại. Tổng số vụ đã xử lý 167 vụ, trong đó, xử phạt hành chính 161 vụ, xử lý hình sự 6 vụ; tịch thu gần 291 m 3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 1,1 tỷ đồng. 
 
Đối với công tác phòng cháy chữa cháy rừng, từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng, làm thiệt hại 3,84 ha. Trong số này, 1 vụ xảy ra với 1,4 ha tại lâm phần do Công ty TNHH Bình Thuận quản lý, bảo vệ; 2 vụ xảy ra trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh quản lý, bảo vệ, tổng diện tích thiệt hại 2,44 ha. 
 
Đáng lưu ý là đến giữa tháng 3/2018, cơ quan chức năng chưa nhận được hồ sơ thiết kế giao khoán quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị. Được biết, toàn tỉnh đến thời điểm này đang có gần 427.959 ha rừng được triển khai thực hiện giao khoán. Trong số này, giao khoán bằng nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng là gần 370.155 ha và giao khoán bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh hơn 57.804 ha. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 6523 ngày 21/10/2016, kế hoạch thiết kế mới năm 2018 hơn 13.489 ha.
 
Trong năm 2017, một trong hai tiêu chí kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng không hoàn thành như mục tiêu đặt ra là công tác trồng rừng. Vì vậy, năm 2018, cần được quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này. Theo Chi cục Kiểm lâm, đến ngày 12/3/2018, cơ quan này mới nhận được hồ sơ thiết kế trồng rừng của các đơn vị như Ban Quản lý rừng Tà Năng, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đạ Tẻh, Ban Quản lý rừng Nam Huoai. Còn hồ sơ chăm sóc rừng trồng các năm Chi cục Kiểm lâm chưa nhận được hồ sơ thiết kế nào của các đơn vị. Được biết, theo kế hoạch, trồng rừng thay thế là hơn 332 ha thuộc 12 đơn vị; trồng rừng trên diện tích đất trống là gần 18 ha thuộc 2 đơn vị; trồng rừng trên diện tích sau khai thác trắng rừng trồng là hơn 310 ha thuộc 8 đơn vị và diện tích đăng ký hỗ trợ trồng rừng sản xuất là gần 925 ha thuộc 11 đơn vị. Về diện tích đăng ký khoanh nuôi rừng (khoanh nuôi tái sinh tự nhiên) thuộc 2 đơn vị với hơn 54,9 ha; chăm sóc rừng trồng có tổng diện tích gần 2.181 ha (bao gồm rừng trồng 2 năm với hơn 553 ha; rừng trồng 3 năm hơn 957 ha; rừng trồng 4 năm hơn 649 ha và rừng trồng 5 năm là gần 21 ha). Về trồng cây phân tán, sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Thông báo số 08/TB-UBND ngày 15/1/2018 về kết luận của Phó Chủ tịch Phạm S, các cơ quan chức năng đã khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch. Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện năm 2018 đã được phân bổ về các đơn vị. 
 
Để đạt được cả 3 tiêu chí giảm so với cùng năm 2017, trước hết cần ghi nhận và tiếp tục phát huy sự quan tâm sâu sát, thường xuyên của các cấp, các ngành và việc triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng, từ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân đến công tác tuần tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục và đặc biệt là tại những khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh… Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục nhận thức rằng, tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra nhưng chưa ngăn chặn được triệt để. Một số nguyên nhân chính phải được khắc phục sớm và quyết liệt mới đảm bảo ổn định của tài nguyên rừng, đồng thời trong diễn tiến tiếp tục phát triển rừng bền vững. Đó là công tác kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn chưa hiệu quả, việc giải tỏa thu hồi để tổ chức trồng rừng không kịp thời dẫn đến đất lâm nghiệp đã bị tái lấn chiếm. Một vấn đề hết sức cần quan tâm coi trọng là việc sử dụng đất lâm nghiệp và rừng tại các dự án của nhà đầu tư, đặc biệt là công tác quản lý bảo vệ và quá trình sử dụng triển khai đầu tư dự án. Và khi phát hiện vi phạm, các cơ quan liên quan các cấp cần hết sức nghiêm túc tham mưu cho UBND tỉnh để kiên quyết có phương án xử lý dứt điểm, kịp thời, tạo tác động tích cực thực sự trong công tác quản lý và bảo vệ rừng cũng như đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.  
 
Vì đặc điểm địa hình phức tạp, diện tích rừng lớn, trong lúc nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng cao, do đó tình hình các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi, manh động gây khó khăn trong việc truy bắt và xử lý. Hơn lúc nào hết, công tác phối hợp điều tra, xác minh, truy tìm để xử lý các “đầu nậu”, chủ đường dây mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép của các lực lượng chức năng phải triệt để thì mới đạt được hiệu quả cao. Bên cạnh đó, một mặt phát huy vai trò giám sát của xã hội nói chung, địa phương cơ sở nói riêng và sự tích cực tham gia tố giác của nhân dân; mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng của lực lượng chức năng hết sức quan trọng.   
    
MINH ÐẠO