Cơm nhà giữa phố

09:05, 17/05/2018

"Những người bạn phải xa quê để học tập và làm việc - trong những cuộc trò chuyện thường là cảm giác nhớ nhà và mong ước được ăn cơm mẹ nấu, thèm "nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà"... 

“Những người bạn phải xa quê để học tập và làm việc - trong những cuộc trò chuyện thường là cảm giác nhớ nhà và mong ước được ăn cơm mẹ nấu, thèm “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”... 
 
Những mâm cơm mang đậm hương vị gia đình. Ảnh: V.Q
Những mâm cơm mang đậm hương vị gia đình. Ảnh: V.Q
Hiểu được điều này, nên sự xuất hiện của những quán ăn bình dân với những mâm cơm dân dã, mộc mạc, mang đậm hương vị gia đình ngay giữa lòng thành phố Đà Lạt như là cách giúp nhiều người nơi đây phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà giữa nhịp sống bộn bề, tấp nập. Khách quen là sinh viên, là dân văn phòng hay người lao động xa quê. Cả khách du lịch tìm đến cũng không ít. Đến đó để được ăn cơm đựng trong nồi đất nung với cà muối, cá kho, với trứng chiên, dưa hành... giản dị mà ngon lành như những ngày được ở nhà ăn cơm mẹ nấu.
 
Trong căn hẻm mang cái tên thơ mộng Nắng Chiều trên con đường Trần Phú, có một không gian vừa xanh màu cây cỏ, vừa ấm áp bởi những bộ bàn ghế gỗ màu nâu, luôn đông khách vào những giờ cơm trưa. Quán cơm mang tên Lá Chuối - cái tên vừa đơn sơ, vừa thân thuộc, gần gũi đến nao lòng.
 
Chị Sa chủ quán chia sẻ rằng: Ai cũng có một mái nhà, dù mái nhà đó có hoàn chỉnh hay không thì đó vẫn mãi là nơi dù có đi nơi đâu, xa xôi cách trở cũng là để trở về. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều rất đỗi bình thường đó, vì công việc, khoảng cách địa lý làm cho họ không được về nhà và ôm chầm lấy những người thân yêu.
 
“Tôi có những người bạn phải xa nhà để học tập và làm việc, và trong những cuộc trò chuyện thường là cảm giác nhớ nhà và mong ước được ăn cơm mẹ nấu. Dù có bản lĩnh đến mấy, giỏi giang đến mấy thì cũng sẽ chẳng kiềm được cảm xúc khi nghe tiếng cơm sôi. Bất chợt tôi nghĩ: “Sau khi làm việc tất bật cả ngày, thì biết tìm đâu thấy tiếng cơm sôi hay những đĩa thức ăn đầy tình cảm gia đình”, từ đó tôi nung nấu một ước mơ về một ngôi nhà chung - nơi níu kéo, gìn giữ yêu thương của bữa cơm gia đình.” - Lá Chuối ra đời từ đó. 
 
Đó có lẽ cũng là mong muốn chung của những người đã mở ra những quán cơm nhà như Lá Chuối. Điểm chung ở những quán cơm này là mọi người đều tìm thấy tuổi thơ của mình từ những điều đơn giản và mộc mạc nhất, từ tên gọi cho đến từng cái chén, cái ly. Quán cơm Mậu dịch trong con hẻm Mai Hoa Thôn cũng chứa đựng những điều đó. Những ngày thơ bé trong ký ức của nhiều người là những buổi ngồi trước hiên nhà thẫn thờ đợi mẹ đi chợ về với gói lá chuối nhỏ mang quà bánh trên tay; là cái gạc-mang-rê mà bà hay cất tôm khô, tóp mỡ để mỗi lần được sai đi lấy đồ dưới bếp lại len lén mở ra và ăn vụng; hay là những cái chén sứ với màu men trắng ngà, bên ngoài là họa tiết màu xanh da trời in mãi trong trí nhớ từ cái lần đầu được mẹ cho tự ăn rồi lỡ tay làm mẻ, làm bể. Chỉ với những thứ đơn giản thế thôi cũng đủ làm cho chúng ta bất chợt nhớ nhung, bồi hồi nhớ nhà.
 
Ở quán cơm Ngày ba bữa nằm trên đường Trần Nhật Duật, cô chủ Thùy Lương lại mang đến cho khách một không gian hoài niệm về những ngày xưa cũ với bộ bàn ghế gỗ lâu đời, với chiếc TV trắng đen hay mấy chùm ngô khô treo trước cửa nhà. Nhưng bữa ăn thì đậm chất Đà Lạt vì lúc nào cũng có rau xanh tươi mởn, và mùa nào quả ấy. Có những ngày quán để cả buồng chuối ở bàn, chín tới đâu khách lấy ăn tới đó... lúc chín nhừ thì nhờ cái nắng nướng cho ra mật để dành ăn với trà nóng. Dứa cũng vậy, đến mùa, quán nấu cá kho dứa, canh chua dứa, dứa xào bò,... thơm như chính cơm nấu ở nhà của mỗi người.
 
Đâu đó, khách sẽ thấy lại hình ảnh về căn nhà của những năm cuối tám đầu chín - năm một nghìn chín trăm hồi ấy, với bức tường đá dăm sần sùi, ô cửa bên chiếc bàn máy khâu. Mọi người sum vầy dưới ánh đèn, bên thố cơm với bát canh cua dưa cà. 
 
Bạn tôi, một người Huế sống ở Nha Trang, đã ấn tượng ngay với những quán cơm nhà kiểu vậy khi lần đầu đến với Đà Lạt. Mà đúng như bạn ấy nói: “Vốn dĩ cơm canh ở đây cũng toàn món đạm bạc, cũng chỉ là rau củ, cá thịt quen thuộc hàng ngày, nhà nào cũng có, cũng ăn. Nhưng mà khi xa nhà rồi, vẫn được gặp những hương vị và cảm giác ấy mới thấy thật vui mừng và ấm áp”.
 
Là quán nhỏ của gia đình nên những quán như vậy không có thực đơn cố định mà nấu được món gì thì mời mọi người món đó. Cũng có lúc vừa miệng người này, cũng có khi không hợp khẩu vị của người kia, nhưng quan trọng nhất vẫn là cảm giác. Và hầu như, ai cũng thấy ngon miệng vì nhờ cảm giác đang được ăn cơm mẹ nấu ở nhà.
 
VIỆT QUỲNH