Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

09:05, 31/05/2018

Việc kết hôn khi nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi là tảo hôn và vi phạm pháp luật. Không được kết hôn cận huyết thống giữa những người có dòng máu về trực hệ và giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Việc kết hôn khi nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi là tảo hôn và vi phạm pháp luật. Không được kết hôn cận huyết thống giữa những người có dòng máu về trực hệ và giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gây ra nhiều hệ lụy cho chất lượng dân số, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của giống nòi qua nhiều thế hệ. 
 
Thống kê từ năm 2010 đến năm 2017, tại Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú liên huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng có 13 trường hợp học sinh từ lớp 9 đến lớp 11 bỏ học để lấy chồng. Cũng thời điểm này, thống kê tại xã Đạ Quyn - huyện Đức Trọng là xã có 82% đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống, có 51/291 cặp kết hôn chưa đủ tuổi quy định của pháp luật (tỉ lệ tảo hôn 17,5%).
 
Theo kế hoạch triển khai đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS của tỉnh Lâm Đồng, năm 2018 chọn khảo sát xây dựng 2 mô hình điểm tại xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) là xã có 89% DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống và Trường THPT Dân tộc nội trú Lâm Đồng bình quân hàng năm có 400 học sinh DTTS học tập. Đồng thời, tiếp tục duy trì 2 mô hình điểm đã xây dựng từ năm 2017 tại xã Đạ Quyn (Đức Trọng) và Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú liên huyện phía Nam. Đối với các mô hình điểm của đề án xây dựng tại các trường dân tộc nội trú, nhằm sử dụng lực lượng học sinh DTTS làm tuyên truyền viên của đề án cho các địa bàn vùng DTTS trong tỉnh. Đối với 2 xã có đông đồng bào DTTS bản địa chọn làm mô hình điểm là Đạ Quyn và Đồng Nai Thượng, triển khai các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngay tại địa bàn xã. Qua đó, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện 4 mô hình điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong năm 2019.
 
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi trong hôn nhân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Hoạt động này tập trung vào 15 xã có tỉ lệ đồng bào DTTS có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuyên truyền, vận động học sinh từ bậc THCS trở lên, cán bộ, công chức, nhân dân về quy định của pháp luật và ảnh hưởng của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với sức khỏe, kinh tế gia đình và xã hội. Tập trung truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi trong hôn nhân tại các trường học, thôn buôn thuộc các xã đã được điều tra, khảo sát có tỉ lệ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
 
Qua khảo sát tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 15 xã vùng DTTS có tỉ lệ cao từ năm 2015 -2017 với tổng số 316 cặp vợ chồng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Cao nhất là xã Ka Đơn (Đơn Dương) và N’Thol Hạ (Đức Trọng), mỗi xã có 44 cặp tảo hôn và lấy nhau cận huyết thống, xã Liêng S’Rônh (Đam Rông) 43 cặp, xã Tân Thanh (Lâm Hà) 39 cặp, xã Tu Tra (Đơn Dương) 23 cặp, xã Đinh Lạc (Di Linh) và Lộc Nam (Bảo Lâm) mỗi xã có 20 cặp, xã Sơn Điền (Di Linh) 18 cặp, xã Đạ P’Loa (Đạ Huoai) và Quốc Oai (Đạ Tẻh) mỗi xã 13 cặp... Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở các xã vùng đồng bào DTTS thuộc 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Mặc dù, thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc nhưng phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở xã Tà Nung 7 cặp và Lộc Châu 10 cặp. Điều này cho thấy việc triển khai đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS rất thiết thực và có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng DTTS trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu. Đồng thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS trên toàn địa bàn tỉnh.
 
Thực tế cho thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Nam, nữ kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai, nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn lực. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của sự nghèo đói, sự phát triển thiếu toàn diện, các bệnh di truyền. Việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Mặt khác, mang thai và sinh đẻ ở lứa tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong chu sinh và sơ sinh. Trẻ em sinh ra từ các cặp vợ chồng có hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, dị tật... 
 
Để thực hiện hiệu quả đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, cần nâng cao năng lực của đội ngũ tuyên truyền, viên thực hiện đề án về các kỹ năng truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng DTTS, những hiểu biết cơ bản về kiến thức pháp luật hôn nhân và gia đình, các kiến thức khoa học về hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra để tuyên truyền và tư vấn. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn, buôn, những người có uy tín trong cộng đồng DTTS làm tuyên truyền viên cho đề án. Theo kế hoạch, năm 2018, đề án sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện đề án cấp xã và đội ngũ tuyên truyền viên khoảng 350 người tại cơ sở. Đồng thời, tổ chức biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về hôn nhân và gia đình cung cấp cho các xã vùng DTTS để tuyên truyền, phổ biến đến người dân, cấp phát 24.000 tờ rơi cho 20.000 hộ đồng bào DTTS trong vùng triển khai đề án, lắp đặt 15 pano tuyên truyền tại 15 xã vùng DTTS sinh sống có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
 
AN NHIÊN