Mòn mỏi chờ nước sinh hoạt

09:05, 25/05/2018

Gần 10 năm nay, đồng bào ở một số thôn, xã vùng sâu, vùng xa Gia Bắc, huyện Di Linh gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong mùa khô hạn, nhiều hộ dân đã đầu tư nhiều giếng đào nhưng cũng không có nước dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn

Gần 10 năm nay, đồng bào ở một số thôn, xã vùng sâu, vùng xa Gia Bắc, huyện Di Linh gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy nước sinh hoạt. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong mùa khô hạn, nhiều hộ dân đã đầu tư nhiều giếng đào nhưng cũng không có nước dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn
 
Nhiều hộ dân trang bị thùng phi để chứa nước
Nhiều hộ dân trang bị thùng phi để chứa nước
Thực trạng nước sinh hoạt ở Gia Bắc
 
Năm 2000, cùng với một số thôn của các xã Tam Bố, Bảo Thuận, 5 thôn trên địa bàn xã Gia Bắc được Hiệp hội Lapel (Pháp) đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tự chảy. Mỗi thôn bình quân có 4 điểm cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho bà con ở những vùng còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công trình này chỉ hoạt động được 3 năm thì ở một số thôn Đạ Hiồng, Hà Giang, Ka Să bỗng dưng không có hoặc thiếu nước và tình trạng này kéo dài đã nhiều năm nay.
 
Bà Ka Dụ ở thôn Đạ Hiồng cho biết: “Vì không có nước sinh hoạt, nên gia đình tôi và các hộ dân trong buôn đều trang bị nhiều can nước loại 20 lít và thùng phi để trữ nước. Vì tuổi đã cao, địa điểm cấp nước cũng khá xa, tôi không thể tự mình đi lấy nước được, nên hàng ngày đều cắt cử người nhà đi chở nước để phục vụ sinh hoạt từ việc nấu ăn cho đến giặt giũ và tắm rửa”.
 
Nguyên nhân của thực trạng thiếu nước sinh hoạt ở một số thôn trên địa bàn xã Gia Bắc là do trong khi thi công công trình đường giao thông đã làm nghẹt đường ống dẫn nước. Những năm gần đây, công trình nước sinh hoạt tại địa phương được giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường của tỉnh rồi giao cho Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Di Linh trực tiếp quản lý. Để việc khai thác và sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả và tiết kiệm, đơn vị được giao quản lý cũng đã tiến hành nâng cấp sửa chữa như: thay một số đường ống, lắp đặt đồng hồ nước đến tận nhà cho các hộ dân… nhưng vẫn chưa có những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở những thôn thật sự khó khăn về nguồn nước một cách triệt để, phục vụ đời sống của người dân địa phương được tốt hơn. 
 
Theo thống kê, ngoài thôn Nao Sẻ, Bồ Bê và Ka Să vì đã có từ 50% - 100% hộ được lắp đặt đồng hồ nước thì 184 hộ ở các thôn Đạ Hiồng và Hà Giang chủ yếu sử dụng giếng đào không đảm bảo vệ sinh. 
 
Nhiều giếng đào không có nước
 
Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt, một số hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư kinh phí đào giếng lấy nước sinh hoạt nhưng do cấu tạo địa chất ở khu vực này khá phức tạp, đào sâu tới 12 - 13 m thường gặp đá bàn, một số giếng có nước nhưng bị sạt lở; cũng có hộ dân và các trường mẫu giáo, THCS khoan giếng nhưng do nguồn nước bị nhiễm chì nên không sử dụng được. 
 
Đến tìm hiểu thực tế ở các thôn đang tâm điểm bức xúc về nước sinh hoạt, chúng tôi không khó để bắt gặp, chứng kiến cảnh người dân nơi đây dùng xe gắn máy chở từ 2 - 3 can nước loại 20 lít để đi lấy nước. Ngoài trang bị can đựng nước, nhiều nhà còn trang bị từ 1 - 3 thùng phi bằng nhựa, tôn để dùng hứng nước mưa và chứa nước sinh hoạt trong mùa khô hạn. 
 
Chị Ka Hiền ở thôn Đạ Hiồng phản ánh: “Mình đi làm đã vất vả, cực khổ rồi chiều tối về còn đi chở nước sinh hoạt, có khi phải ngồi đợi tới 7 giờ tối mới lấy được nước, nên gặp rất nhiều khó khăn. Tôi hy sinh một miếng đất của gia đình để cho xây bể chứa nước cho bà con sinh hoạt, thế nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thấy giọt nước nào”. 
 
Cùng chung cảnh với chị Ka Hiền, gia đình ông Hoàng Thắng ở cùng thôn cũng không giấu được nỗi trăn trở lẫn sự bức xúc của mình, bởi hàng ngày con trai ông phải ngủ dậy từ 4 giờ sáng để đi chở nước rồi mới đi làm, còn những ngày ở nhà thì gia đình ông cũng như một số hộ dân trong vùng đợi đến giữa trưa hay chiều mới lấy được nước. “Hơn 7 năm về trước, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy được phủ khắp thôn, nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn. Hiện tại, chỉ có những thôn ở đầu xã có đủ nước dùng. Để có nước sinh hoạt, đến nay, gia đình tôi đã đầu tư gần 30 triệu đồng để đào 4 cái giếng nhưng không may đều gặp đá bàn. Riêng giếng thứ 4, phải đợi 1 tuần lễ mực nước mới lên cao được 30 cm. Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, dùng tiết kiệm thì bình quân phải có 200 lít/ngày mới đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình” - ông Hoàng Thắng ở thôn Đạ Hiồng bức xúc.
 
Đến thôn Hà Giang, Ka Să nhìn chung tâm lý của người dân nơi đây cũng mong mỏi có được nguồn nước sinh hoạt chẳng những giúp bà con vơi đi nỗi khó khăn, vất vả trong lao động sản xuất, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhưng một số hộ dân nơi đây, hàng ngày vẫn phải đối mặt với việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng. Bà Ka Nha ở thôn Ka Să cho hay: “Đào 3 giếng rồi nhưng đều gặp đá, mùa mưa thì có thể hứng nước mưa mà dùng, chứ mùa khô thế này thì phải làm sao đây? Hiện tại, một số hộ dân ở khu vực này đều dùng chung nước giếng ở gần đầu nguồn đập chứa nước Hà Giang. Mùa mưa nước giếng bị ngập, nước lũ từ các thôn ở đầu nguồn cuốn theo rác thải, phân súc vật, có khi còn có cả thuốc bảo vệ thực vật nữa. vì không có nước đành phải chấp nhận dùng”.
 
Ông K’Vững - Chủ tịch UBND xã Gia Bắc cho biết: “Nguyên nhân một số thôn không có  nước sinh hoạt là do trong quá trình thi công đường giao thông, đá, cây đè lên bịt đường ống dẫn nước. Những năm qua cũng có dự án đầu tư nâng cấp nhưng chỉ thay thế một số đường ống và lắp đặt đồng hồ nước và cũng chỉ phục vụ cho 3 thôn.
 
Trước thực trạng trên, thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục kiến nghị cấp trên nếu có chương trình dự án đầu tư cần quan tâm bố trí nguồn vốn để nâng cấp từ đập đầu nguồn, đường ống dẫn nước góp phần đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân nhất là các thôn đang gặp khó khăn về nguồn nước như hiện nay”.                    
 
 NDONG BRỪM