Hiện nay, tỷ lệ người nghiện và sử dụng thuốc lá còn rất cao, Việt Nam là nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất thế giới với tỷ lệ khoảng 47,4%. Sản lượng tiêu thụ thuốc lá điếu của Việt Nam liên tục tăng kể từ năm 2000 đến nay và tỉnh Lâm Đồng cũng không nằm ngoài số đó.
Hiện nay, tỷ lệ người nghiện và sử dụng thuốc lá còn rất cao, Việt Nam là nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất thế giới với tỷ lệ khoảng 47,4%. Sản lượng tiêu thụ thuốc lá điếu của Việt Nam liên tục tăng kể từ năm 2000 đến nay và tỉnh Lâm Đồng cũng không nằm ngoài số đó.
Tại Lâm Đồng, mức tiêu thụ thuốc lá hàng năm cũng rất đáng lo ngại, theo số liệu của Sở Công thương, trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã tiêu thụ một lượng thuốc lá rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2014, lượng thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn tỉnh là 57,834 triệu gói. Tốc độ tăng lượng thuốc lá tiêu thụ bình quân là khoảng 2,03%/năm. Lượng thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ước tính chiếm khoảng 1,4% mức tiêu thụ của cả nước, đó là chưa kể lượng thuốc lá tiêu thụ ngoài luồng mà chúng ta không quản lý và thống kê được.
Lượng thuốc lá tiêu thụ bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ năm 2005 đến năm 2014 khá cao, dao động từ 45,9 gói đến 46,9 gói/người/năm. Lượng thuốc lá tiêu thụ ở tỉnh Lâm Đồng nhiều như vậy là do điều kiện địa lý Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc một trong những tỉnh của vùng Tây Nguyên có khí hậu thời tiết khá mát mẻ, đặc biệt khu vực thành phố Đà Lạt khí hậu lạnh quanh năm khiến người dân có thói quen hút thuốc để làm ấm cơ thể. Hơn nữa, Đà Lạt là địa điểm du lịch nổi tiếng của cả nước, hàng năm đón một lượng khách khá lớn trong nước và quốc tế, những vị khách đến đây cũng du nhập những thói quen, những gu hút thuốc khác nhau vào Lâm Đồng. Những đặc điểm đó cũng góp phần làm cho lượng thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn tỉnh tăng lên. Người sử dụng các sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nam giới, nữ giới không đáng kể. Họ có nghề nghiệp đa dạng, đủ các cấp độ và ngành nghề khác nhau như nông dân, công nhân, bác sĩ, nhà giáo, kỹ sư, quân đội, người làm nghề tự do. Thị trường nông thôn tiêu thụ một lượng thuốc lá rất lớn, chiếm 70% tổng lượng thuốc lá tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013, tuy nhiên cho đến nay, việc thi hành luật còn rất hạn chế. Thuốc lá có tác hại rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng và những người xung quanh, nhưng một bộ phận người dân vẫn sử dụng hàng ngày là do họ không hiểu biết về tác hại của thuốc lá, một số tuy có hiểu phần nào nhưng do bị nghiện hoặc do thói quen khó bỏ.
Công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thực hiện Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2020” tỉnh Lâm Đồng đã từng bước triển khai các nội dung của chiến lược trên. Từ năm 2015 đến nay, được sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL Trung ương, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Y tế làm Phó ban Thường trực, đồng chí Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe (TT - GDSK) Lâm Đồng làm Thư ký và các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh làm thành viên.
Hàng năm, Ban chỉ đạo đã triển khai kế hoạch hoạt động và giao cho Trung tâm TT - GDSK làm đầu mối phối hợp với Quỹ PCTHTL Trung ương triển khai các hoạt động tuyên truyền PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Trung tâm TT - GDSK đã tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức các cuộc mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc 25 - 31/5, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và hệ thống phát thanh tại các bệnh viện các xã, phường, thị trấn trong tỉnh phát các thông điệp PCTHTL vào các khung giờ vàng để mong tiếp cận được nhiều với người dân và xây dựng các phóng sự để tuyên truyền các hoạt động PCTHTL. Trung tâm TT - GDSK còn phối hợp với Báo Lâm Đồng để mở các chuyên trang về PCTHTL và sản xuất các tài liệu truyền thông như pano, áp phích, tờ rơi, biển cấm hút thuốc lá để cấp cho các đơn vị y tế trong ngành và tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng về luật PCTHTL, những kiến thức về tác hại của thuốc lá và thực hiện môi trường không khói thuốc lá. Đồng thời, Sở Y tế Lâm Đồng giao cho Trung tâm TT - GDSK phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức hội thi cho đoàn viên về PCTHTL. Trung tâm TT - GDSK còn tham mưu cho Ban chỉ đạo của tỉnh thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật PCTHTL tại các cơ quan, đơn vị và ban, ngành trong tỉnh.
Tuy nhiên, những hoạt động trên chưa thể đáp ứng được so với yêu cầu trong tình hình diễn biến phức tạp của việc kinh doanh và sử dụng thuốc lá trên địa bàn tỉnh như hiện nay. Công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh rất cần sự tham gia vào cuộc hơn nữa của toàn hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng cần đưa nội dung PCTHTL vào nghị quyết, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hàng năm theo đúng quy định của luật. Các cơ quan đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, ngành Giáo dục - Đào tạo, Tư pháp, cơ quan báo, đài, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông phải là hạt nhân trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên và người dân tham gia thực hiện luật PCTHTL. Cơ quan công an, chính quyền các cấp, Sở Công thương phải là cơ quan nòng cốt trong việc duy trì luật pháp, cũng như xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong việc kinh doanh và sử dụng thuốc lá. Cơ quan Y tế phải gương mẫu trong việc thực thi luật PCTHTL cũng như tuyên truyền tác hại của thuốc lá để người dân hạn chế sử dụng và tuyên truyền về lợi ích của môi trường không khói thuốc lá. Làm tốt công tác PCTHTL sẽ góp phần thiết thực vào việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân cũng như góp phần vào an sinh xã hội.
TS-BS Nguyễn văn Luyện