Ô nhiễm trong nông nghiệp đã và đang là một vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống nên cần giải quyết vấn đề ô nhiễm, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững.
Ô nhiễm trong nông nghiệp đã và đang là một vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống nên cần giải quyết vấn đề ô nhiễm, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững.
|
Thu gom bao bì thuốc BVTV tại làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt. Ảnh: D.Q |
Hàng trăm mô hình bảo vệ môi trường
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa tổng kết 3 mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại Lạc Dương, Đà Lạt và Đức Trọng. Mô hình bao gồm xây dựng các bể chứa, vận động nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tránh vứt lung tung xuống lòng suối. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường đang diễn ra tại 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Không chỉ chờ đợi các chương trình quốc gia, từ năm 2016, thành phố Đà Lạt đã xác định cần thay đổi tư duy nông dân, hỗ trợ bà con thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Trên 500 triệu đồng đã được thành phố Đà Lạt dành để triển khai hoạt động thu gom rác thải độc hại tại làng hoa Thái Phiên, nơi đầu nguồn của suối Cam Ly. Không dừng lại ở việc đầu tư các thùng chứa rác thải độc hại đúng quy cách, trang bị bao chứa đúng chuẩn cho nông hộ, Đà Lạt còn tích cực tuyên truyền tới nông dân về tác hại của bao bì thuốc BVTV, tạo ý thức để họ bỏ thói quen tùy tiện ném bao bì, chai lọ thuốc BVTV xuống suối, gây ô nhiễm cho cả hạ nguồn Cam Ly.
Không chỉ xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV, hàng trăm mô hình bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn đã và đang được triển khai. Bà Hồ Thị Bích Linh, Trưởng Ban Phong trào, Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Qua kiểm tra của chúng tôi, chỉ riêng huyện Đạ Huoai đã có 60 mô hình nông dân bảo vệ môi trường. Với 12 huyện thành, bảo vệ môi trường đã được coi là hoạt động cần thiết của mỗi chi hội nông dân”. Các mô hình bảo vệ môi trường của nông dân chủ yếu là thu gom rác thải, giữ đường thôn xanh - sạch - đẹp, trồng cây ven thôn xóm… thực sự đã góp phần giúp môi trường nông thôn sạch hơn.
Thay đổi từ nhận thức
Thực tế thăm các vùng rau hoa, vùng cà phê có thể nhận thấy khá rõ thay đổi của nông dân trong bảo vệ môi trường. Thay vì vườn bẩn rác thải như nhiều năm về trước, có thể thấy vườn tược hiện khá sạch, không vương vãi bao bì các loại. Nhiều nông hộ còn ứng dụng các biện pháp canh tác đa dạng sinh học như trồng cây che bóng, phủ lạc dại giữa luống hay giữ cỏ tránh xói mòn. Riêng trong chăn nuôi, hiện Lâm Đồng khá phát triển chăn nuôi trên đệm lót sinh thái. Đây là kỹ thuật giúp mùi hôi của chuồng chăn nuôi giảm tới 80-90%, giúp chính người chăn nuôi và các hộ xung quanh không bị ô nhiễm bởi mùi hôi, đặc biệt phù hợp với kiểu chăn nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi ngay trong khu dân cư vốn phổ biến tại Lâm Đồng.
“Nếu chỉ đơn giản xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, nông dân giữ môi trường theo phong trào thì thật sự sẽ không bền vững. Điều chúng tôi hướng tới là nông dân giữ môi trường bằng ý thức của chính bản thân họ” - bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng khẳng định. Bà Vi cho biết, với xấp xỉ 158 ngàn hội viên nông dân, việc người nông dân ý thức được vai trò của họ sẽ là yếu tố quyết định trong bảo vệ môi trường. Bà Vi cung cấp, không chỉ xây dựng các mô hình điểm, hoạt động bảo vệ môi trường còn được lồng ghép vào các hoạt động của Hội. “Cụ thể như vấn đề chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân. Khi chúng tôi hướng dẫn và khuyến khích nông dân canh tác rau hoa VietGAP, trồng cà phê 4C, cà phê bền vững hay chè hữu cơ tức là chúng tôi đang khuyến khích bà con bảo vệ môi trường. Bởi canh tác đúng kỹ thuật, đúng chuẩn thì lượng thuốc BVTV sẽ giảm, lượng phân bón, nước tưới dùng hợp lý và đây chính là hoạt động bảo vệ môi trường một cách lâu dài”, bà Vi chia sẻ. Thay đổi nhận thức của người nông dân không phải là chuyện một sớm một chiều mà là chuyện được tính bằng cả chục năm, thậm chí trăm năm. Nhưng cùng với sự đi lên của xã hội, việc thay đổi tư duy của người nông dân là tất yếu và bảo vệ môi trường sẽ trở thành hoạt động thường ngày của họ, giúp giữ gìn môi trường và xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
DIỆP QUỲNH