Liêng S'rônh tập trung phòng chống thiên tai

08:06, 26/06/2018

Là địa phương nằm trong vùng chịu thiệt hại nhiều do thiên tai gây ra hằng năm nên xã Liêng S'rônh (Ðam Rông) đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất do thiên tai. 

Là địa phương nằm trong vùng chịu thiệt hại nhiều do thiên tai gây ra hằng năm nên xã Liêng S’rônh (Ðam Rông) đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất do thiên tai. 
 
Mưa đá kèm theo lốc xoáy làm tốc mái nhà dân tại Thôn 1, xã Liêng S’rônh. Ảnh: V.T
Mưa đá kèm theo lốc xoáy làm tốc mái nhà dân tại Thôn 1, xã Liêng S’rônh. Ảnh: V.T

Cách đây 1 tháng, trên địa bàn xã Liêng S’rônh đã xảy ra trận lốc xoáy kèm theo mưa đá làm tốc mái 9 căn nhà tại Thôn 1; trong đó 6 căn tốc mái hoàn toàn, 3 căn tốc mái một phần, ước thiệt hại về tài sản hơn 100 triệu đồng. Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, xã Liêng S’rônh đã huy động lực lượng dân quân, xã đội, công an và các ban, ngành, đoàn thể xuống địa bàn thống kê thiệt hại và giúp đỡ nhân dân dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. 
 
Cũng cần biết rằng, những năm trở lại đây, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, các đợt lốc xoáy, mưa đá, lũ ống, lũ quét, hạn hán đã gây thiệt hại nhiều về tài sản của cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn xã Liêng S’rônh. Trước thực trạng đó, ngay từ đầu mùa mưa, cấp ủy, chính quyền xã Liêng S’rônh đã triển khai nhiều biện pháp tính cực. Trong đó, xã đã củng cố kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để dự báo kịp thời cho nhân dân phòng tránh; tuyên truyền, vận động nhân dân chằng chống lại nhà cửa, các công trình phụ trợ, không xây dựng các công trình nhà ở tại các khu vực sông suối có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét; cắm biển báo tại các điểm dễ xảy ra sạt lở cao. Ông Trường Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Liêng S’rônh cho biết: “Xã ở vùng có khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống nên từ đó UBND xã huy động các đoàn thể đến vận động, tuyên truyền các hộ dân tự di dời đến những điểm an toàn. Đối với những vùng có nguy cơ sạt lở thì UBND xã thành lập một đoàn đi kiểm tra tất cả các hộ sống ven diện tích đất múc, taluy cao có khả năng sạt lở để vận động tuyên truyền để họ có biện pháp khắc phục”.
 
Ngoài ra, xã còn đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ các bến đò ngang tại các địa bàn thuộc tiểu khu nằm cách xa trung tâm xã; phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, hệ thống giao thông trọng yếu trên địa bàn bị xuống cấp xã để có phương án khắc phục; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết kịp thời ứng phó, cứu hộ, cứu nạn do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, để công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cần sự vào cuộc của nhân dân nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có thể xảy ra. 
 
VĂN TÂM