Thuốc bảo vệ thực vật và giải pháp bảo đảm môi trường

08:06, 05/06/2018

Thuốc bảo vệ thực vật nhằm mục đích trừ dịch hại. Tuy nhiên, vì thành phần hoạt chất còn tồn dư trong bao gói sau sử dụng nên ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Vì vậy, cần nhận thức đúng, đủ và có những giải pháp đồng bộ để phát huy mặt tích cực và hạn chế tiêu cực của thuốc BVTV.  

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm mục đích trừ dịch hại. Tuy nhiên, vì thành phần hoạt chất còn tồn dư trong bao gói sau sử dụng nên ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Vì vậy, cần nhận thức đúng, đủ và có những giải pháp đồng bộ để phát huy mặt tích cực và hạn chế tiêu cực của thuốc BVTV.  
 
Bao gói thuốc BVTV ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước. Ảnh: M.Đ
Bao gói thuốc BVTV ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước. Ảnh: M.Đ

Thành phần hoạt chất của thuốc BVTV bao gồm thuốc hóa học (vô cơ, hữu cơ) và thuốc sinh học nên vấn đề đặt ra là quản lý, sử dụng và thải bỏ đúng quy định. Mặt khác, do tích lũy trong môi trường, gây độc cho môi trường đất, nước, không khí, mất cân bằng sinh thái. 
 
Thực tế cho thấy, sau khi sử dụng, bao gói thuốc BVTV được xử lý bằng một số phương pháp không đúng như: trực tiếp thải bỏ ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và mất mĩ quan; xử lý đốt sai quy định, gây tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí; chôn lấp, gây mất diện tích và đặc biệt làm thoái hóa đất, ảnh hưởng nước ngầm. Vì vậy, bao gói thuốc BVTV cần phải thu gom và xử lý đúng quy định. Cụ thể, thu gom về các bể chứa, bể chứa phải đảm bảo các quy cách như vị trí đặt, vật liệu và hình dạng kích thước, 1 bể chứa trên diện tích 3 ha. Trong trường hợp cần thiết, có thể xây dựng khu vực lưu chứa. Việc vận chuyển từ bể chứa, khu vực lưu chứa đến nơi xử lý trong vòng 12 tháng. Vì vậy, trách nhiệm các bên liên quan bao gồm: người sử dụng thuốc BVTV; doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp; cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, đó còn là trách nhiệm của nhà sản xuất thuốc BVTV về triết lý kinh doanh: uy tín, chất lượng và bền vững; ủy ban nhân dân cấp xã quy định về địa điểm đặt bể chứa, tuyên truyền, vận động trong nhân dân, tham gia giám sát và quản lý vận chuyển, xử lý…
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, theo số liệu từ Chi cục BVTV, Sở TN&MT, diện tích đất gieo trồng cây công nghiệp là 355,1 ngàn ha; bao gồm cây hàng năm như lúa, ngô, rau, hoa và cây lâu năm như cà phê, chè, điều, cây ăn trái…Diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh là 51.799 ha, chiếm 18,6%; trong đó, rau, hoa, cây đặc sản 22.750 ha; chè 6.335 ha; cà phê 19.884,9 ha; lúa 2.829, 5 ha. Tình hình kinh doanh thuốc BVTV hiện trên địa bàn Lâm Đồng có 146 công ty sản xuất, phân phối (1 công ty sản xuất, 91 công ty phân phối cấp 1 và 54 công ty qua cấp 2). Địa bàn Lâm Đồng có 921 đại lý kinh doanh thuốc BVTV, trong đó có 30 đại lý cấp 1; bao gồm: vùng rau 341 đại lý; vùng chè, cà phê 367 đại lý; vùng lúa, cây ăn trái 156 đại lý. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, lượng thuốc BVTV lưu hành trên tỉnh Lâm Đồng có 997/1.714 hoạt chất và 1.300/4.013 thương phẩm. Việc sử dụng, trung bình hàng năm tại Lâm Đồng khoảng 4.200 - 4.600 tấn; trong đó, cây cà phê 2.100 tấn; cây rau, hoa 1.295 tấn; cây lúa 292 tấn và còn lại là các cây trồng khác. Lượng bao gói phát sinh ở Lâm Đồng theo tính toán của Chi cục Trồng trọt và BVTV, tỷ lệ bao bì/khối lượng thuốc BVTV đối với chai nhựa khoảng 10%, gói và các loại khác khoảng 5%, trong đó chai nhựa chiếm 70%, gói và loại khác chiếm 30%. Theo đó, lượng bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng khoảng 357 - 391 tấn/năm. 
 
Tồn tại về sử dụng và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho thấy các vấn đề: lượng thuốc BVTV sử dụng lớn, phối trộn nhiều loại, tăng liều lượng, sử dụng chưa đúng các quy định và không quan tâm đến độ độc của thuốc. Mặt khác, thường đổ hết thuốc vào bình phun, không hoặc lấy nước tráng bao bì chỉ 1 lần. 
 
Có khoảng 90-95% được bỏ ngay ngoài đồng ruộng (thường gần nơi lấy nước để pha); có khoảng 5-10% được thu gom để đốt, chôn lấp hoặc đưa vào khu đựng rác.
 
Tác động tiêu cực của thuốc BVTV bao gồm gây trực tiếp hoặc gián tiếp cho người. Mặt khác, thuốc BVTV mang tính độc, có khả năng vận chuyển, tồn dư nên ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và hệ sinh thái. Khi phun thuốc cho cây trồng có tới 50% số thuốc bị rơi xuống đất, chưa kể biện pháp rải hoặc tưới thuốc trực tiếp vào đất. Ước tính có tới 90% thuốc sử dụng không tham gia diệt sâu bệnh mà là gây ô nhiễm độc cho đất, nước, không khí và nông sản. Ở trong đất, thuốc BVTV được keo đất và chất hữu cơ giữ lại, sau đó sẽ phân tán và biến đổi theo nhiều con đường khác nhau. Ảnh hưởng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng gây ô nhiễm vì thuốc còn bám dính lại trên vỏ bao; cùng đó là gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người do bị xây xát, thương tích khi tiếp xúc bao gói, đặc biệt là các dạng chai thủy tinh…
 
Vì vậy, cảnh báo nguy cơ vứt bao gói thuốc BVTV là ở chỗ hiện thuốc còn trong bao gói từ 1-7% (trung bình 5% với bao gói nhỏ và 2% bao gói lớn). Nguy cơ từ chôn lấp bao gói ở chỗ chôn lấp đơn giản, không đáp ứng yêu cầu an toàn dẫn đến rửa trôi, thấm sâu và ô nhiễm hệ sinh thái lâu dài. Đặc biệt nguy hiểm khi chôn lấp ở trên cao, đầu nguồn nước… Nguy cơ đốt bao gói là phần lớn đốt không an toàn với chất thải rắn chứa Clo (rất nhiều thuốc BVTV, kể cả thuốc ít độc), sẽ phát thải chất Dioxins và Furans. 
 
Để thực sự phát huy tính tích cực của thuốc BVTV và hạn chế tiêu cực từ thuốc BVTV, nhiều giải pháp đồng bộ cần thực hiện. Ngoài những nội dung như đã nêu trên, đó còn là công tác thu gom bao gói thuốc BVTV cần thực hiện các nội dung như: làm sạch bao gói sau sử dụng (bằng 3 lần và 4 bước); thu gom vào bể chứa đúng các quy trình và yêu cầu kỹ thuật; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan như đã nêu ở phần đầu bài viết. 
 
ÐẠO PHAN