Xa rồi những cây cầu "lỗi nhịp"

08:06, 08/06/2018

Ở Lâm Ðồng, những cây cầu treo "độc đạo" đối với người dân lâu nay đã được thay thế từ việc đầu tư  9 cây cầu mới được đưa vào sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh đem lại niềm vui cho người dân đôi bờ. Từ đây cảnh người dân mỗi lần qua những cây cầu treo lắc lẻo đã không còn, thay vào đó là những cây cầu mới vừa xây dựng kiên cố giúp bà con yên tâm khi lưu thông.

Ở Lâm Ðồng, những cây cầu treo “độc đạo” đối với người dân lâu nay đã được thay thế từ việc đầu tư  9 cây cầu mới được đưa vào sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh đem lại niềm vui cho người dân đôi bờ. Từ đây cảnh người dân mỗi lần qua những cây cầu treo lắc lẻo đã không còn, thay vào đó là những cây cầu mới vừa xây dựng kiên cố giúp bà con yên tâm khi lưu thông.
 
Cầu mới được xây dựng đem lại niềm vui đôi bờ. Ảnh: H.Y
Cầu mới được xây dựng đem lại niềm vui đôi bờ. Ảnh: H.Y

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện việc tổng rà soát, kiểm tra hiện trạng các cầu treo trên địa bàn tỉnh, đánh giá, phân loại và đề xuất hướng xử lý những cầu treo trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy: Toàn tỉnh có 52 cầu dân sinh, trong đó có 42 cầu treo dân sinh tự phát, do người dân tự làm để giải quyết nhu cầu đi lại và phần lớn các cầu này đã hư hỏng nặng, cần được thay thế và sửa chữa.
 
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau khi kiểm tra cầu treo, Sở đã có báo cáo đánh giá sơ bộ về thực trạng cầu treo, đề xuất hướng xử lý. Theo đó, trước  mắt phải đầu tư thay thế 15 cầu hư hỏng nặng, có nguy cơ xảy ra thảm họa về giao thông. Các cầu còn lại cần phải sửa chữa, tăng cường để kéo dài thời gian sử dụng cho những cây cầu này trong lúc tìm kiếm nguồn đầu tư thay thế. Đồng thời, Sở đã có ý kiến với các địa phương tăng cường công tác quản lý các cầu dân sinh, để đảm bảo an toàn cho người dân. Với những cầu hư hỏng nặng, tuyệt đối nghiêm cấm người dân qua lại, các địa phương lập các biển báo, cảnh báo trọng tải ở tất cả cầu treo trên địa bàn. Riêng đối với những cầu xuống cấp nghiêm trọng thì kiên quyết tháo dỡ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Song song các giải pháp xử lý tạm thời như cấm lưu thông, hạn chế lưu thông, Sở Giao thông vận tải đã có kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh thực hiện đầu tư thay thế các cầu treo. Trong thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư 15 cầu treo mới, 100 cầu dân sinh khác. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện đầu tư 3 cầu treo mới trên địa bàn huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh (trong chương trình Đề án 186 cầu treo 28 tỉnh miền núi và Tây Nguyên).
 
Bên cạnh việc đề xuất Bộ Giao thông vận tải đầu tư, Sở Giao thông vận tải cũng đã lập dự án đầu tư thay thế 9 cầu treo hư hỏng nặng, có tính cấp bách và đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án với kinh phí 4,6 tỷ đồng. 
 
Cầu treo thôn Kim Thanh, một trong những cây cầu được Sở Giao thông vận tải xếp loại nguy hiểm dài trên 70 m nằm trên con đường độc đạo vào khu sản xuất hơn 2.000 ha trồng chè và cà phê của người dân. Ông Nguyễn Văn Dền cho biết, từ khi có cây cầu này đã giúp cho bà con trong bản đi lại được thuận tiện hơn. Nhưng từ năm 2012 cầu bắt đầu xuống cấp không đảm bảo an toàn, đã có trường hợp người đi trên cầu bị trượt chân ngã nhưng may mắn bám được dây cáp nên không rơi xuống sông. Còn xe cộ qua lại cây cầu treo này bị rơi xuống sông là chuyện đã từng xảy ra. Khi Nhà nước chủ trương đầu tư xây dựng cầu mới là cầu treo dây võng  thuận lợi vận chuyển nông sản, cà phê. Giờ có cầu đàng hoàng rồi, an toàn rồi, trời mưa to mưa bao nhiêu cũng đi qua.
 
Đến nay, cả 9 công trình đều đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Các cầu treo nói trên nằm trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và thành phố Bảo Lộc. 2 cầu có chiều dài dưới 40 m gồm cầu Thôn 7 (xã Lộc Quảng, Bảo Lâm) và cầu Thôn 13 đi Thôn 12 (xã Đinh Trang Hòa, Di Linh) được xây dựng theo phương án cầu giàn bailey, rộng 4,2 m; cầu còn lại có chiều dài từ 50 - 90 m, được xây dựng theo phương án cầu treo dây võng, rộng 2,5 m, tải trọng ô tô đơn chiếc hoặc đoàn người đi bộ 300 kg/m2. Đó là cầu Phi Jut (xã Đạ R’Sal, Đam Rông), cầu Đan Kia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), cầu Thôn 2 đi Thôn 7 (xã Lộc Ngãi, Bảo Lâm), cầu Nghĩa Tình (Madaguoi, Đạ Huoai), cầu Sa Bung (Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc), cầu Kim Thanh và cầu Nausri (Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc).
 
Tỉnh Lâm Đồng có nhiều sông, suối nên số lượng cầu treo trên địa bàn khá nhiều. Điều đáng nói là phần lớn các cây cầu này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Việc 9 cây cầu treo được đưa vào sử dụng giúp mọi hoạt động đi lại, giao lưu hàng hóa của người dân được thuận tiện, trẻ em không phải lo đến trường khi mùa mưa đến, thay vào đó là sự yên tâm của mỗi người dân, trong việc tăng gia sản xuất tại các địa phương. 
 
HOÀNG YÊN