Trong một chuyến đi về xã Phú Hội, một xã nông nghiệp, công nghiệp vùng ven huyện Ðức Trọng, tôi ghé thăm căn nhà tình nghĩa của vợ chồng anh chị Thảo đậu hũ, ở thôn Phú Trung, xã Phú Hội.
Trong một chuyến đi về xã Phú Hội, một xã nông nghiệp, công nghiệp vùng ven huyện Ðức Trọng, tôi ghé thăm căn nhà tình nghĩa của vợ chồng anh chị Thảo đậu hũ, ở thôn Phú Trung, xã Phú Hội.
|
Gánh đậu hũ nghĩa tình |
Hai vợ chồng là thương binh trong chiến tranh chống Mỹ. Anh Đào Văn Trọng, chồng chị Thảo là chiến sĩ thuộc đơn vị Tiểu đoàn Đặc công 200 C. Quê anh ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phú, vào Nam chiến đấu từ thập niên 70 của thế kỷ trước, anh bị thương trong trận đánh vào Trường Võ bị Đà Lạt. Vết thương nặng nên cưa mất 1/3 chân trái, ngoài ra thân thể anh còn những mảnh đạn, nặng nhất là ở trên đầu. Điều không may cho tôi trong chuyến đi này, khi gặp mặt không thể giao tiếp được với anh vì những vết thương đã hành hạ anh lúc trái gió trở trời. Anh đau nhức, nằm liệt không muốn nói chuyện với ai.
Chị Phạm Thị Thảo - vợ anh Trọng, là y tá cũng là thương binh loại 4/4. Chị bị thương trong một lần bị địch đánh úp vào Đại đội 870 là đơn vị của chị, bên đồi thông ở khu tam giác. Lúc này đội phẫu thuật (y tế của đơn vị) nơi chị công tác, chưa kịp di chuyển, nên chị cùng hai tân binh nằm lại dưới hầm. Địch tràn lên ném lựu đạn xuống hầm, lựu đạn xịt khói chưa kịp nổ, chị đã lao đến chụp trái lựu đạn M.26 ném lên miệng hầm, nhưng không lọt ra ngoài. Lựu đạn nổ, một đồng đội đã hy sinh, hai người còn lại trong đó có chị đã bị thương. Các chiến sĩ C870, đã kịp thời tổ chức phản kích đẩy lùi bọn địch xuống chân đồi. Chị và tân binh bị thương đã được các anh cáng về Bệnh xá X4 trong căn cứ Lạc Dương nằm bên dòng sông Trương.
Nơi đây, là cơ duyên để hai anh chị gặp nhau, cô y tá thương binh giờ đây ở lại Bệnh xá X4 để phục vụ thương binh, trong đó có chàng thương binh quê ở Vĩnh Phúc (do bị thương ở phần đầu nên thương binh Đào Văn Trọng, đôi lúc không làm chủ được mình). Trước những nghĩa cử ân tình của người con gái xứ Huế, anh đã có cảm tình với chị và báo cáo với tổ chức. Từ đó hai người gắn bó với nhau như hình với bóng.
Sau năm 1975, anh Trọng về trại an dưỡng ở Phú Hội, đóng bên dòng sông Đa Nhim gần thác Gougah. Hai người đã chính thức làm lễ cưới, sau đó chuyển ra ở riêng. Cuộc sống sau ngày giải phóng vô cùng vất vả, đồng lương không đủ trang trải (lúc này anh chị đã có con). Anh mất một chân nhưng vẫn đi làm thuê, làm mướn, cuốc đất, phơi lúa, đào khoai... Chị là lao động chính trong nhà, vừa là người mẹ, vừa lo cho chồng, vừa lo cho con, vừa phải đi làm cho xưởng gỗ bao bì xuất khẩu. Ban đầu anh còn đi mướn đất làm vườn, nhưng sau sức khỏe yếu làm không nổi. Chị nghĩ làm việc ở xí nghiệp với đồng lương hưu ít ỏi không đủ nuôi con nên chuyển qua nghề nấu đậu hũ. Gánh đậu cùng chị đi khắp các nẻo đường từ Phú Trung, Gougah, Sơn Trung, Xóm Chung, ai ai cũng biết cũng quen với chén đậu hũ thơm ngon của chị Thảo. Từ đó có đồng ra đồng vào nuôi 4 người con ăn học thành tài. Tôi gặp anh Nguyễn Văn Minh là Bí thư Đảng bộ xã Phú Hội, anh cho biết: “Cô Thảo và chú Trọng là những đảng viên tốt, ngoài những chiến công anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cô chú còn đóng góp công sức cho các đoàn thể như Hội Phụ nữ xã, Hội Cựu chiến binh xã. Đồng thời, tham gia tích cực trong việc quyên góp, ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam, những bệnh binh neo đơn. Một điều đáng nể phục đối với lớp trẻ bọn cháu là việc nuôi dạy con cái nên người. Người con cả là anh Đào Xuân Trung, hiện là trung tá, Đội trưởng Đội an ninh Công an huyện Đức Trọng.
Kế đến là anh Đào Xuân Tiến, Chủ tịch xã nhà. Chị Đinh Ngọc Nhi là giáo viên cấp 3, Đảng ủy viên Trường Phổ thông Trung học Thái Bình huyện Đức Trọng; còn lại là người em út - anh Đào Đức Trí, cán bộ Công ty Cổ phần Doanh nghiệp Cà phê ở thành phố Bảo Lộc. Bốn người con đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 người đang làm luận án thạc sĩ”.
Vượt qua bao nỗi khó khăn nhọc nhằn trong thời bao cấp, tảo tần sớm hôm nuôi dạy con cái nên người, cô y tá ngày nào giờ đây gương mặt đã thêm những nếp nhăn, khóe mắt hằn sâu những vết chân chim. Một câu nói rất chân chất, mộc mạc như lời tâm sự: “Cuộc đời em, chi mà nó khổ quá chừng, cực từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi về già, có lẽ số kiếp mà ông trời đã định sẵn cho một kiếp người”.
Lời bộc bạch từ đáy lòng của người nữ thương binh, nói lên nỗi xót xa từ cõi lòng để vơi bớt đi gánh nặng khổ cực đang dồn nén bấy lâu nay. Nghĩ một lát, chị đốt, rít một hơi thuốc lá nhả khói bay mù mịt. Nhấp một ngụm nước chè xanh thêm thấm giọng chị nói tiếp: “Bây giờ bước qua tuổi 70, sức khỏe giảm sút không còn gánh nổi. Nhưng cũng phải làm, chân tay quen rồi, ở không, không chịu được, phải nghĩ ra công việc mà làm cho khuây khỏa hết ngày. Các con đã có gia đình, đều ra ở riêng. Cháu nội, cháu ngoại là học sinh giỏi. Em không có của để dành, chỉ để lại cho con 4 bằng đại học”. Nói xong chị cười ha hả, hít một hơi thuốc dài.
Ở thôn Phú Trung, xã Phú Hội, bà con giờ đây không còn thấy gánh đậu hũ của chị Thảo, sáng sáng ra đường người ta thường bắt gặp chị ngồi bán gỏi mít trộn. Mùa nào thức ấy, hết mùa mít chị xoay qua bán bắp luộc, gần tết chị chuyển qua làm bánh Thuẫn và làm mứt để bán cho bà con. Những ngày thường không bán mít trộn chị mua nghệ về phơi khô, sau đó xay bột bán cho người ta chữa bệnh. Công việc cứ đều đều quanh năm cũng đủ tiền lo thuốc thang nuôi chồng.
Căn nhà tình nghĩa cấp 4 rộng thênh thang, thoáng mát sạch sẽ. Trên tường còn treo những huân chương, huy chương chiến công của hai vợ chồng. Đánh dấu một thời trai trẻ mà anh chị đã cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.
VÕ TRẦN PHÚ