Tháng sáu, tháng bắt đầu những cơn mưa cao nguyên. K Long Trao dịu dàng trong màu xanh của lúa đang thì, trong màu xanh của cây cà phê đương kết trái. Những ngày mùa ấm áp, no đủ lại về trên mảnh đất đầy ắp niềm vui. K Long Trao đã không còn đói, đang phấn đấu xóa hết cái nghèo và vươn lên làm giàu.
Tháng sáu, tháng bắt đầu những cơn mưa cao nguyên. K Long Trao dịu dàng trong màu xanh của lúa đang thì, trong màu xanh của cây cà phê đương kết trái. Những ngày mùa ấm áp, no đủ lại về trên mảnh đất đầy ắp niềm vui. K Long Trao đã không còn đói, đang phấn đấu xóa hết cái nghèo và vươn lên làm giàu.
|
Trưởng thôn K Long Trao K’ Brèm đang hướng dẫn bà con ghép chồi tái canh cà phê. Ảnh: Diệp Quỳnh |
K Long Trao, một thôn nhỏ của người K’Ho nằm giữa một vùng đất nổi tiếng, xã Gung Ré, huyện Di Linh, nơi lừng danh với “Làng đại học K’Ming”. Trưởng thôn K Long Trao, anh K’Brèm tự hào chia sẻ: “Nói chung K Long Trao chúng tôi giờ thay đổi hoàn toàn. Cả thôn có 222 hộ, gần hết là người K’Ho thì chỉ còn 10 hộ nghèo do bệnh tật, gia đình đơn thân. Người K Long Trao hết đói, bớt nghèo, giờ đang cố gắng trồng cây lúa, cây cà phê để vươn lên xây dựng kinh tế gia đình”. Quả thật, trong cái nắng tháng 6, cả thôn K Long Trao xanh mướt giữa màu xanh của cà phê, của lúa, của cây trái trong vườn như minh chứng cho niềm vui của người đàn ông K’Ho đầy nhiệt tình.
Không phải lúc nào K Long Trao cũng đẹp như hôm nay. Lần ngược lại ký ức, ông K’ Brểuh, một người già trong thôn nhớ lại một thời không xa, chỉ cách hơn chục năm trước. Hồi ấy, người K Long Trao trồng lúa theo mùa nước. Khi ông trời mưa xuống, bà con trồng cây lúa, nhờ từng giọt nước mưa để mong cây lúa lớn nhanh, đơm bông kết trái. Lúa trồng nước trời nên mỗi năm chỉ có một vụ, ông trời thương thì năm đó người K Long Trao đủ ăn. Năm nào ông trời không vui, tới vụ giáp hạt bếp không còn thơm mùi cơm, trong thôn nhiều gia đình dứt bữa. Dù người dân đã biết trồng cà phê từ những năm 1996, 1997 nhưng thiếu nước, cây cà phê cũng còi cọc kém phát triển, vụ được vụ thất, thu nhập không đủ giúp người K Long Trao đỏ bếp lửa quanh năm. Cái ăn không đủ, chuyện nhà cửa, học hành của trẻ em đều không được quan tâm. Những mái nhà xơ xác trong mưa dầm cao nguyên, cái đói miệt mài như bao đời vẫn vậy. Và tất cả đều thay đổi khi đập Ka La được xây dựng, những dòng kênh mang nguồn nước ngọt về tưới tắm cánh đồng K Long Trao.
Những nhánh kênh được bà con gọi bằng cái tên thân quen như mương Chrăng, mương Blàng đưa nước về tưới mát cho đồng lúa của thôn. Từ mỗi năm trồng một vụ lúa nhờ nước trời, người K Long Trao đã trồng được hai vụ lúa nước cao sản. Trưởng thôn K’Brèm khoe, với gần 87 ha lúa nước năng suất bình quân 5- 6 tấn/ ha/ vụ, cả thôn K Long Trao giờ không còn nhà đói, nhiều nhà ăn thóc không hết, phải bán bớt để vụ sau ăn lúa mới. Không chỉ tưới cho cánh đồng lúa, nước thủy lợi còn cung cấp cho 134 ha cà phê của thôn những giọt sinh sôi. Nhờ lúa, nhờ cà phê, người K Long Trao xây nhà, mua xe, cho con đi học. Cuộc sống ngày càng trù phú từ những giọt nước thủy lợi.
Đã no, đã ấm, người K Long Trao càng thêm học hỏi cách để cây lúa, cây cà phê ngày càng thêm tốt. Cứ mỗi lớp dạy kỹ thuật trồng lúa, trồng cà phê, bà con lại cử người trong nhà tới để nghe cán bộ chỉ điều hay, giúp cây lúa thêm nặng bông, cây cà phê thêm xanh trái. Cây lúa K Long Trao năng suất trung bình 5 tấn/ha/vụ, cây cà phê đang được tái canh. Người K Long Trao học cách ghép chồi cà phê, cách chọn giống cà phê chuẩn để những vụ sau cà phê nặng trái. Và nhất là, biết ơn những giọt nước từ hồ Ka La, bà con rất giữ gìn hệ thống mương máng thủy lợi. Không đục phá lấy nước, không sử dụng nước phung phí, bà con theo lời cán bộ, theo lời già làng dùng nước vừa đủ, không vứt rác xuống mương…, con mương Chrăng, mương Blàng được giữ gìn rất tốt.
Anh Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch xã Gung Ré, người vẫn được bà con gọi là K’Thanh đánh giá rất cao tinh thần giữ gìn hệ thống thủy lợi của người K Long Trao. Anh bảo, bà con trong thôn ý thức được trách nhiệm với kênh mương chứa nước. Bởi vậy, bà con dùng nước đúng hướng dẫn, không gây hại tới công trình, không vì tiện một chút mà khiến kênh mương hư hỏng. Chính từ ý thức của cư dân, hệ thống kênh mương nội đồng được sử dụng hiệu quả, dòng nước mát ngày đêm đã mang lại màu xanh cho bà con. Anh nhận xét, thôn nào có cán bộ thôn năng nổ, tiến bộ, sâu sát vận động bà con như K Long Trao, bộ mặt thôn ngày càng thay đổi, đời sống ngày càng tiến lên. Và, với những con người biết giữ gìn dòng nước, biết học hỏi để vươn lên, K Long Trao đang chuyển mình hướng tới những mùa no ấm.
DIỆP QUỲNH