Quyết tâm xử lý rác thải nông nghiệp

08:07, 20/07/2018

Vấn đề xử lý rác thải nông nghiệp đang là một trong những vấn đề quan tâm của Lâm Ðồng. Cùng với việc phát triển nhanh chóng của ngành nông nghiệp, xử lý rác thải nông nghiệp đang diễn biến khá phức tạp...

Vấn đề xử lý rác thải nông nghiệp đang là một trong những vấn đề quan tâm của Lâm Ðồng. Cùng với việc phát triển nhanh chóng của ngành nông nghiệp, xử lý rác thải nông nghiệp đang diễn biến khá phức tạp. Và với quyết tâm giải quyết vấn đề này, Lâm Ðồng đã xây dựng đề án với sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành cũng như có những giải pháp cụ thể.
 
Rác thải nông nghiệp tại hồ Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh: D.T
Rác thải nông nghiệp tại hồ Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh: D.T

Mới thu gom 4,7% 
 
Theo nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm có khoảng 195 tấn thuốc BVTV đổ ra môi trường, từ các chất thải nông nghiệp do người dân sau khi sử dụng vứt bỏ bừa bãi. Đây là loại chất thải rắn độc hại, gây ra những tác động xấu đối với môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe cộng đồng. Riêng Lâm Đồng là tỉnh có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn với trên 278.000 ha và trên 350.000 ha đất gieo trồng. Cùng với sự phát triển đó, lượng rác thải nông nghiệp đổ ra môi trường hàng năm rất lớn. 
 
Ông Đào Văn Toàn - Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lượng rác thải nông nghiệp là bao gói thuốc BVTV hàng năm của Lâm Đồng vào khoảng 350 - 390 tấn, tuy nhiên việc thu gom và tiêu hủy chỉ đạt 18,4 tấn/390 tấn, chiếm 4,7%. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chất thải nông nghiệp nguy hại, đã và đang là vấn đề nan giải không những đối với các nhà quản lý, mà còn là mối lo chung của xã hội. Do vậy, công tác định hướng các giải pháp để xử lý triệt để loại chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh luôn là vấn đề mà các cấp lãnh đạo ưu tiên quan tâm. 
 
Theo khảo sát của phóng viên, tại các hồ nước lớn của TP Đà Lạt như hồ Than Thở, hồ Đankia, hồ Xuân Hương… đều bị rác thải nông nghiệp tràn về dù đã có màng lưới chắn rác, gây ô nhiễm. Nhiều hộ dân xung quanh các hồ chứa đều phản ảnh, vấn đề lớn nhất chính là rác thải nổi trên mặt nước chỉ là những thứ nhìn thấy được bằng mắt thường, còn độc tố tồn dư có thể có trong vỏ thuốc BVTV, vỏ bao bì nông nghiệp thấm vào nguồn nước đó mới thực sự đáng lo ngại, ảnh hưởng xấu tới môi trường. 
 
Ðầu tư 112 tỷ đồng để giải quyết 
 
Trước thực trạng rác thải nông nghiệp gây ảnh hưởng đối với môi trường, tỉnh Lâm Đồng liên tục tổ chức các hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành cũng như nhiều cuộc họp tìm giải pháp xử lý, xem như đây là vấn đề nóng, cần sớm giải quyết. 
 
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Vấn đề này đang được xem là “nóng”, cần tìm giải pháp càng sớm càng tốt. 
 
Lâm Ðồng đã xây dựng xong kế hoạch xử lý rác thải nông nghiệp, chất độc hại giai đoạn 2018 - 2020 với kinh phí 112 tỷ đồng. 
 
Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% và còn lại là nguồn vốn xã hội hóa, cùng với đó là 20.000 thùng rác thu gom bao bì thuốc BVTV, rác thải… Hiện, toàn tỉnh đã đặt được 700 bể thu gom bao gói thuốc BVTV. Thí điểm đề án này, Phường 12, TP. Đà Lạt đã được chọn là phường mẫu, với nhiều hoạt động để giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nông nghiệp.
 
Cũng theo ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, TP Đà Lạt cũng chia sẻ: Ngay tại phường, việc vận động bà con nông dân không sử dụng chất độc hại trong nông nghiệp, thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định… đều thường xuyên tổ chức. Các bạn đoàn viên tại phường cũng liên tục tổ chức ra quân các ngày cuối tuần để thu gom, dọn sạch rác thải ở các khu dân cư, gần trường học… việc đầu tiên cần làm là thay đổi ý thức của người làm nông nghiệp.
 
Thực tế, đây không chỉ là vấn đề “nhức nhối” tại Lâm Đồng mà còn là vấn đề chung của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước chỉ có 1 nhà máy có thể xử lý, tiêu hủy được bao bì thuốc BVTV và tàn dư các chất độc hại đặt tại TP Cần Thơ.
 
Ông Huỳnh Ngọc Hải cho rằng, để thực hiện tốt việc quản lý này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thu gom và có nguồn kinh phí để thực hiện việc tiêu hủy chất thải này, và tỉnh đã bắt đầu thực hiện giải pháp này với nguồn kinh phí 112 tỷ đồng. Đồng thời, cần nhấn mạnh, các đơn vị sản xuất thuốc BVTV phải thực hiện trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. Nhiệm vụ này đã được quy định tại Khoản 1, Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 về việc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ phải do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể vấn đề này nên đã gây rất nhiều khó khăn trong việc xử lý.
 
Nhấn mạnh về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cũng đã nêu rõ trong Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp tỉnh mới đây: “Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm và cần nhanh chóng giải quyết với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, để bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống, sức khỏe cho người dân”.
 
Vẫn biết đây là vấn đề cần sự chung tay của toàn xã hội, cùng với các ngành chức năng có liên quan thì thay đổi ý thức của người dân trong việc xả rác thải nông nghiệp vào môi trường là việc cần làm trước nhất. Hy vọng, với các giải pháp và sự quyết tâm mà Lâm Đồng đang thực hiện, rác thải nông nghiệp sẽ sớm được xử lý kịp thời cùng với sự phát triển ngày càng vượt bậc của nền nông nghiệp tỉnh nhà. 
 
D.THƯƠNG