Thời gian gần đây, nhiều người đã dùng các loại bẫy tự chế, keo dính… để bắt chim sẻ trên địa bàn TP Ðà Lạt đem bán cho các quán nhậu với giá 7.000 đồng - 10.000 đồng/con tùy từng thời điểm. Nhiều khu phố, con đường trước kia chim ở khá nhiều giờ đã giảm hẳn bởi "đội quân" tận diệt chim sẻ.
Thời gian gần đây, nhiều người đã dùng các loại bẫy tự chế, keo dính… để bắt chim sẻ trên địa bàn TP Ðà Lạt đem bán cho các quán nhậu với giá 7.000 đồng - 10.000 đồng/con tùy từng thời điểm. Nhiều khu phố, con đường trước kia chim ở khá nhiều giờ đã giảm hẳn bởi “đội quân” tận diệt chim sẻ.
|
Những con chim sẻ hoảng sợ vẫy vùng, cánh bị dính chặt vào keo dính. Ảnh: C.P |
Ðủ cách bẫy rập
Chúng tôi được Nguyên (một người chuyên bẫy chim sẻ bán cho các quán nhậu, ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) cho đi theo bẫy chim sẻ trên địa bàn TP Đà Lạt vào một ngày đầu tháng 7. Nhóm của Nguyên gồm 2 người, thường rong ruổi đi khắp địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn để bẫy chim và đã có thâm niên 2 năm trong nghề. Với chiếc xe máy cùng với bộ “đồ nghề” bẫy chim khá đơn giản, gồm 3 đoạn ống nhựa dài 2-2,5m có thể đấu nối, rút ngắn hay kéo dài tùy ý. Trên xe máy của Nguyên còn có bịch nhựa dính, lồng đựng chim và một chiếc máy điện thoại cỡ lớn, có gắn thẻ nhớ ghi hình tiếng chim mồi.
“Nhựa này anh mua 1,5 triệu đồng/kg tận ngoài Bắc, đắt hơn các loại nhựa thông thường nhưng xắt ra miếng đấy. Nhựa không bị nóng chảy dưới trời nắng, chim đậu vào là không thể thoát và đặc biệt là có thể tái sử dụng cả trăm lần cũng được” - Nguyên vừa khoe vừa cùng Hùng, người đi cùng rục rịch đem đồ nghề bẫy chim xuống khu vực ngay trước Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, đường Yersin (Phường 9, TP Đà Lạt).
Bước đầu tiên Nguyên đưa bịch nhựa màu xám vào thau nước nhỏ, từ từ kéo dài và quấn vào ống nhựa sau đó treo lên cột điện cách mặt đất 3m, còn Hùng thì bật máy phát tiếng chim mồi để dụ chim về. Xong xuôi, cả nhóm kiếm một chỗ kín đáo cách nơi đặt bẫy 4m ngồi đợi. Chỉ chưa đầy 3 phút sau, nghe tiếng gọi của đồng loại, con chim sẻ đầu tiên đã bay về. Tiếp theo là một, hai rồi ba con... vừa đáp xuống ống nhựa, ngay lập tức chúng bị dính nhựa và bị lộn ngược, càng giẫy giụa càng bị nhựa dính chặt vào bộ lông cánh. Những con chim sẻ khác đậu quanh chẳng kịp nhận ra cái bẫy chết chóc, tiếng chim mồi cứ “ríu rít” phát ra, cả chục con khác vẫn tiếp tục lao vào như “con thiêu thân”.
Chừng 15 phút trôi qua, quan sát thấy số chim kiếm được đã “đủ dùng”, Nguyên và Hùng vội vã chạy ra hạ ống nhựa xuống. Lần lượt từng con sẻ bị bàn tay thô ráp của hai thanh niên xé ra khỏi lớp nhựa và đút vào lồng sắt. Do quá hoảng sợ, gần như những chú chim sẻ nào cũng cố vẫy vùng thoát thân khi bị dính nhựa nên lông cánh, mình mẩy rướm máu.
Hùng đếm thử lượt bẫy trên được đúng 19 con chim sẻ và cho biết không phải nơi nào chim sẻ cũng thấy tiếng chim mồi là dính bẫy.
“Hiện giờ TP Đà Lạt gần như đều có thợ bẫy chim ở nhiều nơi. Chỗ nào đã bẫy, chim sẻ ít dần và những con còn lại rất khôn, khó sập bẫy lần thứ 2. Nhiều chỗ bật loa cả nửa giờ cũng không có con nào vào đậu” - Hùng giải thích.
Theo Hùng, kiểu bẫy lưới sập vẫn còn được một số người dùng để bẫy chim sẻ tại bãi đất trống trên đồng hoặc khu dân cư, trường học, nhà máy xay xát... vì chim bẫy lưới còn lông cánh đầy đủ, bán được giá cao cho các chủ buôn để làm chim phóng sanh. Tuy nhiên, khoảng vài năm qua, “công nghệ” tiếng chim mồi dụ chim cùng với nhựa dính được nhiều nhóm lựa chọn hơn. Kiểu bẫy này có thể mở rộng địa bàn hoạt động gần như ở tất cả các nơi. Có thể bẫy từ trên cây, lên cột điện... thậm chí chỉ cần cột bẫy vào khung xe, để dựng đứng bên đường là đã có thể ngồi chờ... “hái” chim trời.
Quán nhậu đắt khách
Hơn 2 tiếng đồng hồ đặt bẫy tại nhiều khu phố trên địa bàn Phường 9, Phường 11, Phường 10 (TP Đà Lạt), nhóm của Nguyên đã bắt được gần 90 con chim sẻ. Nguyên cho hay mỗi ngày bỏ ra 4 - 7 giờ thì bắt được khoảng 100 - 130 con chim sẻ, đem bán ở các quán nhậu trên địa bàn với giá 7.000 tới 10.000 đồng/con tùy thời điểm thì tiền công mỗi người được khoảng 500.000 đồng/ngày. “Những ngày mưa chim sẻ xuống nhiều, mùa khô thì rất khó bẫy hơn. Trước đây, bẫy ngày thu cả triệu đồng thì giờ nhiều người bẫy nên chim lờn, phải để nửa năm mới đánh lại chúng mới dính” - Nguyên lý giải.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn TP Đà Lạt, hiện nay cách thức đánh chim theo kiểu tận diệt như nhóm Nguyên không phải là hiếm gặp. Mỗi chuyến đi bẫy, một tay thợ có thể bắt được cả trăm con chim sẻ là chuyện bình thường. Ngay cả ở các thôn, các xã Trạm Hành, Tà Nung, Xuân Thọ và Xuân Trường, các nhóm bẫy chim cũng tìm tới bẫy rập, không để sót.
Có người đánh thì có người thu mua. Theo một số người bẫy chim sẻ, những lồng sắt đầy ắp chim sẻ cuối chiều sẽ được mang thẳng tới một số quán nhậu. Tại TP Đà Lạt, một số quán nhậu trên đường Mê Linh (Phường 9), đường Phù Đổng Thiên Vương (Phường 8) hay đường Xô Viết Nghệ Tĩnh,… Trong thực đơn tại đây luôn có nhiều món làm từ chim sẻ giá khoảng 200.000 đồng/món. Ngoài món chim sẻ roti, chim sẻ chiên sả ớt... thì món nhậu dùng tiết chim sẻ pha rượu uống đang được ưa chuộng vì một số người cho rằng tiết chim sẻ có công dụng dưỡng âm, bổ huyết!? Do đắt khách, một số quán khách muốn ăn phải gọi điện trước để đặt hàng vì số lượng chim sẻ sống không phải khi nào cũng có sẵn.
Bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi, một người dân tại Phường 2, TP Đà Lạt), phản ánh: Trên địa bàn TP Đà Lạt hiện nay có nhiều nhóm bẫy chim sẻ nhưng không bị ai ngăn cấm. Ở các khu phố, trên đường trước đây nhiều chim sẻ nay đã không còn nhiều như trước. Nguyên nhân là bởi nhiều người tỏ ra rất thích món chim sẻ này mà không biết chính họ đã tiếp tay cho những người bẫy chim. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì chẳng bao lâu nữa loài chim sẻ sẽ biến mất khỏi thành phố.
Không riêng gì bà Mai, nhiều người dân tại TP Đà Lạt cho rằng chim sẻ là loại ăn côn trùng mạnh, việc những tay bẫy chim vô tội vạ đã và đang và sẽ khiến loài chim sẻ đứng trước nguy cơ bị tận diệt, gây mất cân bằng sinh thái. Với tình trạng bẫy chim như hiện nay, người dân lo ngại về lâu dài ở nhiều nơi sẽ vắng bóng chim sẻ và cả những loài chim khác.
C.PHONG