Cần kiểm định chất lượng nước thải của Công ty Inova

09:08, 03/08/2018

Ðó là đề nghị của các hộ dân ở thôn Phú Hiệp 2, xã Gia Hiệp (Di Linh) trước thực trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân, nghi do nguồn nước thải từ Công ty TNHH Nông nghiệp Inova Ðà Lạt (Công ty Inova Ðà Lạt) xả thải trực tiếp ra mương thoát nước của khu dân cư gây ô nhiễm.

Ðó là đề nghị của các hộ dân ở thôn Phú Hiệp 2, xã Gia Hiệp (Di Linh) trước thực trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân, nghi do nguồn nước thải từ Công ty TNHH Nông nghiệp Inova Ðà Lạt (Công ty Inova Ðà Lạt) xả thải trực tiếp ra mương thoát nước của khu dân cư gây ô nhiễm.
 
Hệ thống khu vực xả thải của Công ty TNHH Nông nghiệp Inova Đà Lạt. Ảnh: Lam Phương
Hệ thống khu vực xả thải của Công ty TNHH Nông nghiệp Inova Đà Lạt. Ảnh: Lam Phương

Những ngày gần đây, lượng nước thải từ Công ty TNHH Nông nghiệp Inova Đà Lạt thuộc Cụm Công nghiệp xã Gia Hiệp xả thải ra môi trường nhiều hơn. Do nằm trên khu vực tương đối cao, mà khu dân cư nằm ở vùng trũng và không có hệ thống xả thải riêng, nên mỗi khi xả nước thải đơn vị này xả trực tiếp vào đường mương dẫn nước trên tuyến đường dân cư thông qua hàng chục ống xả nằm lộ thiên rồi xuống khu vực sản xuất nông nghiệp, ao cá của bà con, nên khi xảy ra tình trạng cá chết ở các ao nuôi, người dân không khỏi nghi ngờ nước thải của Công ty Inova.
 
Theo người dân ở khu vực này, tình trạng cá chết bất thường tại các ao nuôi của bà con không phải là chuyện mới. Năm 2017, tình trạng này đã từng xảy ra, đều nghi ngờ do nguồn nước thải từ cụm công nghiệp mà trực tiếp là Công ty Inova Đà Lạt. Mặc dù người dân đã nhiều lần góp ý, làm đơn kiến nghị nhưng tình trạng trên vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
 
Ở khu vực này, ông Thân Văn Minh là hộ có mặt nước ao nuôi cá rộng nhất với diện tích 1 ha, do hàng năm thường xảy ra hiện tượng cá chết nên năm nay có một số ao bị bỏ hoang. “Năm ngoái họ xả nước thải với lưu lượng lớn và cá chết hàng loạt, gia đình tôi phải vớt chôn từ 3 - 4 tạ cá. Mỗi năm, gia đình tôi đầu tư từ 5 - 6 triệu đồng tiền cá giống, mà nuôi cá chết hoài nên tôi đâu dám thả nữa” - ông Thân Văn Minh ngán ngẩm.
 
Tương tự gia đình ông Thân Văn Minh, hộ ông Tạ Viết Hữu ở cùng thôn có khoảng gần 1 sào mặt nước nuôi cá cho biết: “Hiện tượng cá chết thường xảy ra vào mùa mưa, nên mỗi khi mùa mưa người dân khu vực này không ai dám ăn cá vì sợ bị nhiễm độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe”.
 
Ông Nguyễn Phan Hồng Vĩnh, một trong những hộ dân ở gần khu vực xả nước thải từ Công ty Inova Đà Lạt bức xúc: “Từ khi có cụm công nghiệp này, năm nào cũng xảy ra hiện tượng cá chết. Như năm 2017, Công ty Inova Đà Lạt xả nước thải ngập cả đoạn đường, tràn vào nhà, vào chuồng trại, giếng nước, vườn cây, ao cá gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của gia đình tôi. Riêng năm nay, lượng xả thải ít hơn, ban ngày họ xả ít, ban đêm xả nhiều hơn và toàn là nước đen xì có mùi hôi thối. Vì vậy, tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, kiểm tra hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường, góp phần đảm bảo môi trường sống cho người dân địa phương”. 
 
Cũng theo nhiều hộ dân ở thôn Phú Hiệp 2, trước đây, Công ty Inova Đà Lạt chủ yếu trồng hoa lan, nên nước thải ít, không xảy ra hiện tượng cá chết. Tuy nhiên, từ khi đơn vị này mở rộng ngành nghề kinh doanh như: trồng rau, đậu các loại và trồng hoa… chủ yếu sản xuất hạt giống cây trồng, nên nước thải được chứa từ hồ lắng của công ty xả thẳng ra môi trường. 
 
Ông Phạm Xuân Hạnh - Trưởng thôn Phú Hiệp 2, xã Gia Hiệp cho biết: Hầu như năm nào người dân khu vực này đều làm đơn kiến nghị lên cấp chính quyền địa phương và tại các buổi tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng đã phản ánh, kiến nghị nhiều lần cần kiểm tra hệ thống xử lý nước thải và kiểm định chất lượng nước thải trước khi xả thải ra môi trường.
 
Theo quan sát của chúng tôi tại buổi công nhân của công ty làm vệ sinh khu vực xả nước thải, nước có màu sẫm, đen xì.
 
Ngoài nước xả thải của công ty, nước từ hệ thống mương dẫn nước Quốc lộ 20 cũng đổ dồn về đây, chảy xuống thôn Phú Hiệp 1 rồi đổ về con suối tại thôn Hiệp Thành (xã Tam Bố). 
 
Để tìm hiểu rõ những phản ánh, bức xúc của người dân, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngọc Tuyền - Chủ tịch UBND xã Gia Hiệp và được ông cho biết: “Trong những năm gần đây, hiện tượng cá chết là có. Năm 2015, qua đơn thư phản ánh của người dân, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Di Linh đến kiểm tra, sau đó UBND huyện có yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đến kiểm tra và đứng ra tổ chức hòa giải giữa người dân và công ty; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, kiểm định có kết luận nước thải bình thường và chỉ có hàm lượng lân vượt mức cho phép, nên công ty đã hứa khắc phục. Đến 21/7 vừa qua lại xuất hiện cá chết, qua trình báo của người dân, UBND xã đã cử một số cán bộ xuống xác minh sự việc là có hiện tượng cá chết, nên đã báo cáo lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Di Linh”.
 
Cụm công nghiệp Gia Hiệp có qui mô gần 22 ha (trước đây 63 ha), hiện có 5 công ty hoạt động gồm: Công ty TNHH Olam Việt Nam, Công ty Inova Đà Lạt (công ty vốn đầu tư nước ngoài), Công ty Cổ phần Hiệp Phú, Công ty Cung Nông… Mặc dù được đầu tư từ năm 2000 đến nay nhưng Cụm công nghiệp Gia Hiệp chưa hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Riêng Công ty Inova Đà Lạt là đơn vị sản xuất nông nghiệp, nên có lượng nước thải lớn nhất so với các công ty khác trên địa bàn. Mặt khác, do chưa có hệ thống nước thải riêng cho cụm công nghiệp, nên vị trí hệ thống xả thải của công ty xả chung với hệ thống, vị trí thu gom nước mưa tự nhiên, nước thải sinh hoạt của khu dân cư. 
 
Để xác định và có kết luận chính xác về nguyên nhân cá chết và nguồn nước thải của Công ty Inova Đà Lạt có gây ô nhiễm hay không, UBND xã Gia Hiệp kiến nghị lên các ngành chức năng liên quan cần sớm vào cuộc để kiểm tra, kiểm định nguồn nước thải, qua đó đánh giá mức độ ô nhiễm để có hình thức xử lý, đảm bảo môi trường sống cho người dân địa phương.
 
LAM PHƯƠNG