Việc huyện đầu tư các công trình nước đã giúp người dân các xã Ðầm Ròn (Ðam Rông) không còn cảnh thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nâng tỷ lệ người dân trong huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh đến nay lên 76,7%.
Việc huyện đầu tư các công trình nước đã giúp người dân các xã Ðầm Ròn (Ðam Rông) không còn cảnh thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nâng tỷ lệ người dân trong huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh đến nay lên 76,7%.
|
Công trình nước sinh hoạt ở xã Đạ M’rông phát huy được hiệu quả. Ảnh: H.Y |
Đối với các xã Đầm Ròn bao gồm: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông vào mùa khô hạn có tới trên 500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Nhiều người phải mang can, xô đi hàng cây số đem nước về gia đình để sinh hoạt. Trước thực tế này, từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, huyện Đam Rông đã ưu tiên một phần kinh phí đầu tư các công trình nước sinh hoạt cho các xã ở đây.
Qua đó, nhiều công trình nước sinh hoạt đã phát huy được hiệu quả.
Điển hình công trình nước sinh hoạt Tiểu khu 72, xã Đạ Long được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2008, nguồn vốn xây dựng từ Chương trình 134, có tổng mức đầu tư 400 triệu đồng, bằng công nghệ lọc thô, tự chảy với công suất theo thiết kế phục vụ cho 50 hộ. Hiện nay, Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng (QL&KTCTCC) huyện đang đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô công trình với tổng mức đầu tư 7,5 tỷ đồng, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 300 hộ dân tại xã Đạ Long.
Tương tự, công trình nước sinh hoạt Đầm Ròn được đầu tư nâng cấp năm 2016 với tổng kinh phí 6,2 tỷ đồng, phục vụ cho 719 hộ cùng Trường Tiểu học Đạ M’Rông và Trạm Y tế Đạ M’rông. Hiện nay, công trình đang hoạt động bình thường, phát huy hiệu quả đầu tư. Theo Trung tâm QL&KTCTCC huyện Đam Rông, trong năm 2018, huyện đang tiếp tục thực hiện nâng cấp mở rộng quy mô công suất để phục vụ của công trình với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho 819 hộ dân và trường học, trạm y tế trên địa bàn xã. Còn công trình nước sinh hoạt thôn Đa Nhinh, xã Đạ Tông được đầu tư xây dựng từ năm 2004 từ Chương trình 134, với tổng đầu tư 500 triệu đồng; công suất thiết kế phục vụ cho 238 hộ. Hiện nay, công trình đã hư hỏng hoàn toàn, do đó, năm 2018, Trung tâm QL&KTCTCC huyện đang thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô công trình với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho 233 hộ dân và Trường Tiểu học Đa Nhinh.
Những năm trước một số công trình cấp nước sinh hoạt hư hỏng, đã khiến cho hằng trăm người dân xã Đạ M’Rông hằng ngày phải lặn lội vài cây số để tìm nguồn nước sinh hoạt. Anh Rơ Ông Ha Chinh ở thôn Liêng K’rắc cứ vào mùa khô, hằng ngày phải vác can đi xin nước ở nhà khác để về sử dụng. Anh Chinh cho biết, đường ống nước được kéo từ trên đồi về thôn cứ hư hỏng hoài, vì vậy gia đình phải đi xin nước ở những nhà có giếng khoan, nước chỉ đủ nấu ăn, còn tắm rửa, giặt giũ phải ra sông. Ông Võ Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông cho biết, hằng năm cứ vào mùa khô hạn là hơn 100 hộ dân của các thôn trên địa bàn xã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, giải pháp là đào giếng để lấy nước nhưng cũng không khả thi vì địa hình, địa chất ở xã nhiều đá nên khó đào và nếu dùng máy khoan sâu xuống cũng khó mà có nước. Năm 2018, nhờ vào sự đầu tư công trình nước sinh hoạt mà bài toán thiếu nước của xã được giải quyết, người dân rất vui mừng vì không còn cảnh đi xa chở nước về sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đam Rông cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 15 công trình nước sinh hoạt (trong đó Trung tâm QL&KTCTCC huyện quản lý 6 công trình; UBND các xã quản lý 8 công trình; Nhà máy nước Bằng Lăng quản lý 1 công trình) và 1.000 giếng khoan. Trong 15 công trình nước sinh hoạt có 5 công trình được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh đầu tư xây dựng và bàn giao cho địa phương quản lý vận hành; 1 công trình nước sinh hoạt (Nhà máy nước Bằng Lăng) do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng đầu tư vận hành và khai thác. Nhìn chung các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn huyện đã xuống cấp cần được đầu tư duy tu, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.
Hiện nay, tổng số người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện là 50.512 người dân, chiếm tỷ lệ 76,7% tổng dân số toàn huyện. Để góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện, nâng cao sức khỏe cộng đồng dân cư, Ủy ban Nhân dân huyện Đam Rông cũng đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện. Đó là các dự án Hệ cấp nước Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng với quy mô phục vụ 300 hộ dân, kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 15 tỷ đồng; Hệ cấp nước Đạ Tông, xã Đạ Tông với quy mô phục vụ 350 hộ, kinh phí dự kiến đầu tư khoảng 21 tỷ đồng và Hệ cấp nước Đạ Mun, xã Đạ K’Nàng với quy mô phục vụ 300 hộ, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 19,5 tỷ đồng.
HOÀNG YÊN