Tại Ðà Lạt, Hội thảo "Thực hiện Công ước khí hậu và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam" vừa kết thúc. Việt Nam nói chung, Lâm Ðồng nói riêng, đang ở đâu, thích ứng bằng cách nào… là những vấn đề đặt ra trong diễn biến BÐKH ngày càng phức tạp.
Tại Ðà Lạt, Hội thảo “Thực hiện Công ước khí hậu và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BÐKH) tại Việt Nam” vừa kết thúc. Việt Nam nói chung, Lâm Ðồng nói riêng, đang ở đâu, thích ứng bằng cách nào… là những vấn đề đặt ra trong diễn biến BÐKH ngày càng phức tạp.
|
Trồng rừng ở Lâm Đồng đang là giải pháp quan trọng góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: M.Đ |
Nhiệt độ tăng gần 0,90C
GS.TS Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH cho biết, nhiệt độ toàn cầu giai đoạn 1901-2012 đã tăng gần 0,9
0C và nước biển dâng giai đoạn 1993-2010 tăng 3,2 mm/năm. Lượng phát thải các-bon toàn cầu năm 1850 chỉ 198 tấn, năm 2011 tăng lên hơn 3,2 tỷ tấn. Riêng Việt Nam, phát thải năm 2010 là 246,8 triệu tấn, ước tính năm 2020 là 474,1 triệu tấn và năm 2030 là 787,4 triệu tấn. Năm 2010, phát thải ở Việt Nam xếp thứ 31 toàn cầu, đứng trước các nước như Iraq, Angola, Holland, Uzebekistan, UAE… GS Thục cho rằng, lượng phát thải/đầu người ở Việt Nam thấp hơn mức trung bình toàn cầu (chỉ 3,04 tấn/người), nhưng lượng phát thải/GDP cao (64.124 tấn/triệu GDP) chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta còn thấp. Nguyên nhân phát thải chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nhưng đến năm 2030 chủ yếu từ năng lượng. Năm 2015, Việt Nam đã xếp thứ 28 toàn cầu và trong khu vực Đông Nam Á xếp sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia.
Cần phải làm gì?
Theo GS Thục, nếu nhiệt độ tăng 2
0C thì con người có thể thích nghi được nhưng trên nữa sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, cả thế giới đang cố gắng giữ dưới 2
0C và tổng lượng phát thải các-bon tăng ở mức 1.000 tấn. Phải làm gì là câu hỏi đặt ra cho thế giới, trong đó có Việt Nam, một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng của BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng? Trước hết, để giảm phát thải khí nhà kính (KNK), phải tăng diện tích rừng bằng các biện pháp kiên quyết giữ được rừng tự nhiên, đồng thời tích cực trồng cây. Hiện, Việt Nam đang cố gắng giảm 8% phát thải KNK so với kịch bản thông thường, nếu được giúp đỡ của quốc tế thì sẽ giảm được 25%, nhận định của GS Trần Thục. Để ứng phó với BĐKH, bên cạnh các hoạt động thích ứng, đảm bảo an toàn và sinh kế cho người dân, Việt Nam đã đề ra lộ trình giảm phát thải KNK. Lộ trình này đã được pháp lý hóa và cam kết quốc tế. Và để giảm 25% lượng phát thải vào năm 2030, Việt Nam dự kiến thực hiện 45 phương án giảm phát thải, hấp thu KNK ở 4 lĩnh vực. Trong đó, tiềm năng giảm thải lớn nhất là nông nghiệp (41,8%); lĩnh vực đất đai thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp có sức hấp thụ KNK tốt nhất (147,7%), cùng đó năng lượng giảm 9,8% và chất thải giảm 8,6%.
Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris từ năm 2016 - 2030 (theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) bao gồm 6 nhiệm vụ: giảm nhẹ phát thải KNK; thích ứng với BĐKH (nhất là triều dâng); chuẩn bị nguồn lực (tài chính); thiết lập hệ thống công khai, minh bạch; xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế (quản lý nhà nước). Để hài hòa và đồng lợi ích của các giải pháp ứng phó với BĐKH, theo PGS TS Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH, Bộ TN&MT: “Cần có các chính sách thúc đẩy đầu tư, tập trung nguồn lực cho việc thực hiện hiệu quả các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK nhằm góp phần mang lại những lợi ích không chỉ đối với việc thực hiện những cam kết về giảm nhẹ phát thải KNK của Việt Nam mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững”…
Tỉnh Lâm Ðồng tăng 0,3-0,50C
Để xây dựng các Báo cáo quốc gia về BĐKH, điều kiện cần theo TS. Nguyễn Thế Cường - Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ TN&MT là vai trò của các tỉnh, thành phố trong việc cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê quốc gia KNK; cung cấp thông tin về các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK và về nhu cầu tài chính, công nghệ… Với tỉnh Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 977.354 ha, chiếm khoảng 3,1% diện tích cả nước và 17,9% diện tích vùng Tây Nguyên. Là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt địa lý: độ cao trung bình 800-1.000 m; đầu nguồn của 2 hệ thống sông Krông Nô và sông Đồng Nai - La Ngà... Đại diện Sở TN&MT Lâm Đồng, ThS. La Thiện Luân - Phó Chi cục Bảo vệ môi trường cung cấp: Lâm Đồng có 62,53% diện tích ở độ cao từ 800-1.700 m; 63,3% diện tích tự nhiên có độ dốc địa hình trên 150; nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực với hơn 46,3% GRDP năm 2016... Lâm Đồng thường xuyên xảy ra các hiện tượng khí hậu thất thường ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và tài nguyên động thực vật. Các hiện tượng sương mù, sương muối, mưa dông và mưa đá... đã gây ra nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan; gia tăng về mức độ, quy mô ảnh hưởng và tần suất xuất hiện. Nhiệt độ tăng trung bình năm tại Đà Lạt là 0,012
0C/năm và tại Bảo Lộc là 0,020
0C/năm; toàn tỉnh trong 25 năm qua tăng 0,3-0,5
0C.
Biểu hiện của BĐKH tại Lâm Đồng là thời gian mùa khô kéo dài hơn và mùa mưa ngắn lại; số lượng cơn mưa tập trung vào mùa mưa; cường độ mưa mỗi cơn tăng. Những tác động như nước bốc thoát hơi, lũ lụt, hạn hán; sạt lở đất… Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất: năm 2017, bão lũ gây thiệt hại 182 ha nuôi trồng thủy sản tại Cát Tiên và Bảo Lộc; năm 2010, hạn hán làm hư hại 267 ha lúa, 200 ha hoa màu tại Đà Lạt; năm 2017, tại Đà Lạt hơn 120 ha rau, hoa nhiễm bệnh… Kéo theo, ngành du lịch ở Đà Lạt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. BĐKH còn làm tổn thương nhiều hệ sinh thái có tính nhạy cảm; thay đổi quá trình sinh trưởng, sinh sản của nhiều loài động, thực vật; đe dọa sự tồn tại, phát triển của nhiều quần thể thực vật nhỏ, quý hiếm; thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn của nhiều loài động, thực vật hoang dã…
Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành một số văn bản về triển khai Công ước khí hậu như Quyết định 1246 ngày 28/6/2013, Quyết định 2518 ngày 18/11/2014, Kế hoạch 2919 ngày 15/5/2017. Một số nhiệm vụ bước đầu triển khai như thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường; bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; hạn chế các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường… Còn nhiều nhiệm vụ quan trọng tiếp tục triển khai ở cấp độ chiến lược và bền vững để ứng phó và hạn chế thấp nhất từ BĐKH. Cần rà soát, điều chỉnh và cập nhật kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh là mục tiêu cần thiết...
MINH ÐẠO