Một vùng ngoại ô Ðà Lạt đẹp và yên bình

08:09, 28/09/2018

Vùng nông thôn của Ðà Lạt đang vươn mình xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục tiêu xây dựng một thành phố giàu và đẹp.

Vùng nông thôn của Ðà Lạt đang vươn mình xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục tiêu xây dựng một thành phố giàu và đẹp.
 
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt. Ảnh: D.Q
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt. Ảnh: D.Q

Nhà nước và nhân dân đồng hành
 
Cùng toàn tỉnh và cả nước xây dựng nông thôn mới (NTM), Đà Lạt có 4 xã là Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành với mục tiêu đạt 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí của Chính phủ. Ngoài xã Xuân Thọ sát trung tâm Đà Lạt, 3 xã còn lại đều xa trung tâm, ngăn cách với nội ô bởi những con đèo dài và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhất là Tà Nung, xã giáp ranh với huyện Lâm Hà, nơi có tới 50% dân cư là người dân tộc bản địa sinh sống. 
 
Với Đà Lạt, sự đồng hành của Nhà nước và nhân dân đã huy động được một nguồn lực dồi dào để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM. Tính từ năm 2010, khi bắt đầu xây dựng NTM tới nay, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình này trên 3.685 tỷ đồng. 
 
Trong đó, vốn ngân sách là trên 237 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là 295 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp là 2.236 tỷ đồng bao gồm đầu tư phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, vốn vay tín dụng 1.016 tỷ đồng. Đặc biệt, cư dân 4 xã đã đối ứng các công trình xây dựng  trên 42 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động, cũng như tự nguyện hiến 2,5 ha đất xây dựng các công trình công cộng.
 
Đà Lạt đã xác định ngay từ thời điểm đầu tiên là xây dựng NTM tùy theo điều kiện thực tế của Nhà nước và nhân dân, có tới đâu làm tới đó, làm có chủ đích, có lộ trình rõ ràng. Bởi vậy, mỗi đồng tiền đều được sử dụng đúng mục đích và kết quả khả quan là thành phố  đã hoàn thành xây dựng NTM ở 4 xã mà không vướng vào nợ nần. 
 
Cơ sở hạ tầng tới từng ngõ xóm
 
Từ nguồn lực của cả cộng đồng, Đà Lạt đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng từ xã xuống từng thôn, xóm. Đà Lạt đã xây dựng thêm 117 tuyến đường giao thông nông thôn, 5 cây cầu, tổng chiều dài tuyến đường là trên 84 km bao gồm trục đường thôn, xóm và đường giao thông nội đồng. Đến những ngày cuối năm 2018, toàn thành phố không còn ngõ, xóm lầy lội vào mùa mưa, khắp nơi đều có điện đường chiếu sáng, hệ thống thoát nước, đường nội đồng rộng rãi sạch sẽ, đảm bảo xe vận chuyển nông sản vận hành quanh năm. 
 
Thành phố có 11 công trình thủy lợi cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ nông dân xây 37 ao hồ nhỏ trữ nước. Hệ thống thủy lợi của các xã được xây dựng hợp lý, hòa chung với hệ thống thủy lợi của toàn thành phố, đảm bảo 85% diện tích đất nông nghiệp chủ động được nước tưới. Dân cư Đà Lạt được sử dụng điện lưới quốc gia là 100%, với 66 km đường dây trung áp, 45 trạm biến áp, 36 km đường dây hạ áp. Điện nông thôn phục vụ sản xuất cũng được tăng cường với các đường nhánh vào khu sản xuất, đảm bảo điện sản xuất ổn định quanh năm. Các thiết chế khác như y tế, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao đều đạt chuẩn, đảm bảo cư dân 4 xã ngoại ô được học tập, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thân thể hiệu quả.
 
Thu nhập tăng và không người thất nghiệp
 
Đà Lạt có trên 10 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp thì 4 xã có khoảng trên 6 ngàn ha, với các cây trồng chủ yếu là rau, hoa, chè, cà phê và cây hồng ăn trái. Thành phố đã vận động nông dân 4 xã đầu tư sản xuất lớn, mở rộng diện tích trồng rau, hoa công nghệ cao, dựng nhà kính, nhà lưới, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất. Nhà nước đầu tư cho nông dân 4 xã 12 kho lạnh bảo quản nông sản, 1.226 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Những mô hình đều mang lại hiệu quả thiết thực, lan tỏa ra cộng đồng và nông dân đã chủ động tiếp cận với những tiến bộ mới trong canh tác nông nghiệp. 
 
Từ những đổi thay về đầu tư, kỹ thuật, hiện trên địa bàn 4 xã, thu nhập bình quân trên 1 ha đất là 300 triệu đồng/năm. Với nhiều diện tích trồng hoa, thu nhập có thể lên tới 700 triệu đồng/ha/năm, cá biệt nhiều mô hình đạt tới 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Cũng bởi vậy, thu nhập của dân cư đã tăng khá nhiều, từ mức 21 triệu đồng/người của năm 2010 thì năm 2017, thu nhập bình quân tại 4 xã đã vượt xa con số quy định 31 triệu đồng/người/năm. Xã Tà Nung đạt thu nhập bình quân thấp nhất là 32 triệu đồng/người/năm, 3 xã còn lại đều đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng, cả 4 xã chỉ còn dưới 2% hộ nghèo, quá thấp so với con số quy định dưới 7% của toàn quốc. 
 
Ở cả 4 xã, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm đều đạt trên 90%, có thể nói ở mức không có người thất nghiệp. Ngoài ra, do nhu cầu cần sản xuất, 4 xã còn sử dụng nhiều lao động trong và ngoài tỉnh, nhất là trong mùa thu hoạch cà phê cuối năm. 
 
Đời sống của cư dân ngoại ô Đà Lạt đã thay đổi rất nhiều và đang vững bước trên con đường xây dựng một vùng ngoại ô giàu, xanh và đẹp. Đặc biệt, Đà Lạt chú trọng đến yếu tố môi trường, coi đây là yếu tố then chốt để giữ gìn một Đà Lạt đẹp. Những vỉa hè vàng hoa cánh bướm, đỏ hoa mười giờ ở 4 xã ngoại ô, những con đường sạch bóng rác thải, những dòng suối không còn bao bì thuốc bảo vệ thực vật, một Đà Lạt xanh đang là nhiệm vụ mà chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt dựng xây. 
 
DIỆP QUỲNH