Ðảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ

09:10, 24/10/2018

Với phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng", UBND tỉnh Lâm Ðồng yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần có phương án chuẩn bị tốt nhất cho mùa mưa bão năm nay.

Với phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”, UBND tỉnh Lâm Ðồng yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần có phương án chuẩn bị tốt nhất cho mùa mưa bão năm nay.
 
Đơn vị chức năng dọn dẹp hiện trường sau mưa bão. Ảnh: Thụy Trang
Đơn vị chức năng dọn dẹp hiện trường sau mưa bão. Ảnh: Thụy Trang

Thiệt hại 18,7 tỷ đồng 
 
Thống kế của ngành chức năng Lâm Đồng cho biết, những tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 đợt mưa lớn gây ngập lụt; 1 đợt mưa đá, 17 đợt lốc xoáy, 3 đợt sạt lở đất.
 
Chỉ tính tại Đà Lạt, mưa đá, mưa lớn kèm gió giật đã gây hư hại 6,8 ha nhà kính; gây tốc mái cho khoảng 6 nghìn m2 nhà lồng; gây ngập úng cho khoảng 13 ha hoa màu; 4 trường hợp sụt lún bờ ta luy; tốc mái 7 ngôi nhà; 1 người chết do lũ cuốn trôi; ước tính toàn thành phố thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng.
 
Tính chung trong toàn tỉnh, đã có 150 căn nhà tốc mái, 153 ha lúa bị ngập úng; 125 ha cây trồng lâu năm và 17 ha rau màu bị thiệt hại; 1 cầu treo bị sập; 2 cột điện trung thế ngã đổ; 10 ha trồng cà phê và tiêu bị vùi lấp do sạt lở; 1,8 km đường giao thông nông thôn bị thiệt hại, nhiều khu vực bờ sông, suối bị sạt lở. Ước tính thiệt hại trong toàn tỉnh những tháng đầu năm nay 18,7 tỷ đồng.
 
4 tại chỗ, 3 sẵn sàng
 
UBND tỉnh Lâm Đồng giữa tháng 5 năm nay đã có thông báo đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần chuẩn bị tốt công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão đang đến; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”.
 
4 tại chỗ gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ; còn 3 sẵn sàng gồm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
 
Tỉnh yêu cầu các cấp cần tập trung chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời ứng phó với các sự cố thiên tai, mất an toàn hồ chứa, do mưa lũ, lụt, lốc xoáy, mưa đá gây ra; tích cực cứu nạn, cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn, tham gia khắc phục hậu quả, hỗ trợ kinh phí, lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai.
 
Các sở, ban, ngành, địa phương cũng cần chủ động xây dựng phương án, có giải pháp phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp hoặc sự cố vỡ đập đối với các hồ chứa có vùng hạ du tập trung dân cư đông; rà soát, bổ sung phương án bảo vệ công trình, bố trí cán bộ trực nghiêm túc, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra bất cứ hành vi xâm phạm trái phép công trình, đặc biệt tại các vị trí vận hành cửa van tràn xả lũ, cống lấy nước.
 
Trong tháng 8 vừa qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại chỗ ở cấp huyện và cấp xã trong tỉnh.
 
Theo kế hoạch trên, từ nay đến năm 2020, với kinh phí 23,5 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương cấp 19 tỷ đồng, địa phương chi 4, 5 tỷ đồng), tỉnh yêu cầu toàn bộ 147 xã, phường, thị trấn trong tỉnh phải hoàn thành việc xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai với dân quân tự vệ làm nòng cốt.  
 
An toàn hồ đập
 
Để chuẩn bị cho mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành trong tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện các biện pháp cụ thể để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa bão 2018.
 
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu rà soát, đánh giá quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình vùng hạ du; lưu ý cảnh báo sớm cho người dân ở hạ du khi xả lũ hồ chứa. 
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dịp này cũng đề nghị các địa phương trong tỉnh, các đơn vị quản lý khai thác cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên địa bàn; củng cố đội ngũ quản lý hồ chứa đủ năng lực chuyên môn để vận hành hồ đập; sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Các địa phương và các đơn vị cần tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng công nghệ mới hỗ trợ việc điều tiết, đảm bảo an toàn hồ chứa và quản lý ngập lụt vùng hạ du hồ chứa; tổ chức kiểm tra, kiểm định đánh giá an toàn công trình; lập phương án phòng chống lụt bão cho công trình; tăng cường đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ đập của các chủ đập, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không thực hiện quy định pháp luật về quản lý an toàn đập.
 
Trong trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ mất an toàn, các địa phương đơn vị phải cắm biển báo công trình mất an toàn ngay tại đập; chủ động sửa chữa tạm thời những vị trí sạt lở; có biện pháp hạ mực nước hồ; hạn chế tích nước hồ chứa; thường xuyên túc trực theo dõi tình trạng hồ chứa trong mùa mưa lũ; chuẩn bị vật tư, vật liệu tại chỗ và các phương tiện ứng phó khi xảy ra sự cố; sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân trong khu vực hạ du đập.
 
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương và đơn vị chủ động xây dựng các phương án, có các giải pháp, biện pháp phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập đối với các hồ chứa có vùng hạ du tập trung đông dân cư.
 
Các đơn vị, địa phương cũng cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn để thực hiện phương án thực hiện điều tiết nước phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn công trình, đồng thời tích nước hợp lý để phục vụ sản xuất. 
 
Đối với các hồ chưa có van xả lũ, tỉnh yêu cầu trong thời gian mưa lũ cần quan trắc, tính toán lượng nước đến hồ để chủ động vận hành, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. 
 
Và một điều quan trọng không kém của tỉnh cho năm nay và những năm đến là việc đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn công trình, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân sống ở vùng hạ du hồ đập, tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn. 
 
GIA KHÁNH