Những năm qua, ngoài tảo hôn, thách cưới cũng là một trong những vấn đề nhức nhối trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức được hệ lụy có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của con cái, ông Ðăng Bi Brol - Trưởng thôn Duệ, xã Ðinh Lạc (Di Linh) đã vận động dòng tộc xóa bỏ dần tục thách cưới ra khỏi đời sống cộng đồng.
Những năm qua, ngoài tảo hôn, thách cưới cũng là một trong những vấn đề nhức nhối trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức được hệ lụy có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của con cái, ông Ðăng Bi Brol - Trưởng thôn Duệ, xã Ðinh Lạc (Di Linh) đã vận động dòng tộc xóa bỏ dần tục thách cưới ra khỏi đời sống cộng đồng.
|
Ông Đăng Bi Brol (bên trái) thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ với những người có uy tín trong dòng tộc. Ảnh: L.P |
Là một trong những dân tộc theo mẫu hệ, nên khi dựng vợ gả chồng cho con cái thì nhà gái là người chủ động trong hôn nhân. Thường khi con gái đến tuổi “bắt” chồng, bố mẹ phải chuẩn bị các vật sính lễ bao gồm: vàng, trâu, tiền bạc, ồi (ùi), vòng… Do đời sống xã hội phát triển, nhiều hộ đồng bào đã có những nhận thức sai lệch về thách cưới, có người xem chuyện cưới xin của con cái như một món hàng trao đổi, mua bán…, đi ngược lại với nét đẹp truyền thống của tộc mình. Nhận thức được sự bất hợp lý trong việc thách cưới đối với đời sống văn hóa, thời đại văn minh, nên những năm qua, ông Đăng Bi Brol là người tiên phong “xóa bỏ” tục thách cưới. Ông Đăng Bi Brol cho biết: “Đây là phong tục tập quán truyền thống, nên không thể bỏ ngay được. Tôi nghĩ, những người có uy tín trong dòng tộc, bậc cha mẹ phải nâng cao nhận thức trong việc tuyên truyền, phân tích những mặt trái, hệ lụy của tục thách cưới ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình con cái cũng như trong đời sống cộng đồng”.
Ông Đăng Bi Brol cho biết thêm, vợ chồng ông có 4 người con trai, đến nay những người con của ông đều đã lập gia đình và có cuộc sống êm ấm. K’Bril là người con cả, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên, anh ở lại Đắk Lắk công tác và lấy vợ người Ê-đê; còn vợ chồng người con thứ hai hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh; hai người con còn lại lấy vợ tại địa phương. “Khi các con tôi chuẩn bị lập gia đình, với trách nhiệm là người cha mẹ, chúng tôi đã gặp gỡ với những người có vai vế trong dòng tộc như: ông, bà, cô, cậu để bày tỏ nguyện vọng xin bỏ qua thủ tục thách cưới hoặc nếu có chỉ mang tính tượng trưng”, ông Đăng Bi Brol chia sẻ.
Mặc dù không thách cưới, nhưng do đây là phong tục tập quán truyền thống lâu đời của người dân tộc gốc Tây Nguyên nên gia đình nhà gái cũng đã tự nguyện đưa cho hộ ông Brol từ 5 - 20 triệu đồng tiền mặt và từ 2 - 4 chỉ vàng, gọi là lễ vật tượng trưng. Sau khi chia cho những người liên quan trong dòng tộc theo phong tục, số còn lại vợ chồng ông Đăng Bi Brol gửi lại cho con cái để họ có vốn tạo dựng hạnh phúc gia đình.
Trước đây, cũng như một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác, việc thách cưới ở thôn Duệ cũng khắt khe, nhưng vài năm trở lại đây thực trạng này đã có nhiều chuyển biến tích cực. “Hiện tại, ở thôn chúng tôi chẳng những chuyện thách cưới, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng đã giảm rất rõ nét. Học theo anh Đăng Bi Brol, đến nay gia đình ông K’Brệp và một số hộ khác khi lập gia đình cho con cái họ cũng không thách cưới cao như một số vùng…”, bà Ka Thương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đinh Lạc cho hay.
LAM PHƯƠNG