Từ khi có công trình đập dâng (hay còn gọi là đập tràn) điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân Thôn 1B, xã Ðinh Trang Hòa (Di Linh) gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất lúa hè thu, bởi nhiều năm nay cánh đồng thường bị ngập úng.
Từ khi có công trình đập dâng (hay còn gọi là đập tràn) điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân Thôn 1B, xã Ðinh Trang Hòa (Di Linh) gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất lúa hè thu, bởi nhiều năm nay cánh đồng thường bị ngập úng.
|
Do ngập úng nên người dân gặp rất nhiều khó khăn sản xuất lúa hè thu. Ảnh: NDong Brừm |
Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, chúng tôi đã đến cánh đồng Sre Tị gần Thôn 1B nơi có dòng suối Đạ R’Nớ chảy qua. Mặc dù vài ngày trước khi chúng tôi đến trời không mưa, nhưng ngoài lượng nước thoát xuống đập tràn, còn lại chảy ngược vào đồng rộng của bà con nên xảy ra hiện tượng lúa bị ngập úng.
Công trình đập dâng Đạ R’Nớ 2 được xây dựng từ năm 2007, có cao trình ngưỡng tràn tương đương với mặt ruộng cách đồng Sre Tị. Mục đích nhằm điều tiết lượng nước để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất 7 ha lúa nước 2 vụ cho bà con trong vùng.
Theo bà con nơi đây phản ánh, trước đây người dân thường canh tác 2 vụ lúa/năm, nhưng từ khi triển khai thực hiện dự án xây dựng đập dâng đã làm hạn chế dòng chảy, mùa mưa nước thoát không kịp gây nên hiện tượng ngập úng trên 2,1 ha lúa của hơn 18 hộ dân. Vì vậy, những năm gần đây, bà con chỉ có thể canh tác được vụ lúa đông xuân, còn vụ mùa hè thu gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi mưa lớn, ảnh hưởng bởi mưa bão, áp thấp nhiệt đới thì tình trạng bị ngập úng cục bộ thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến diện tích lúa, nên có hộ buộc phải gieo cấy lại nhưng phần lớn đều mất trắng. Ngoài cây lúa, một số diện tích hoa màu, cà phê của bà con ở dọc con suối cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Bà Nròng Loan ở Thôn 1B, xã Đinh Trang Hòa cho biết: “Gia đình chỉ có 1 sào đất ruộng nhưng vài năm gần đây chỉ sản xuất được vụ lúa đông xuân, nên cuộc sống gia đình cũng khá chật vật”. Trong số những hộ có diện tích lúa bị ngập úng, có lẽ bà Nròng Thể là người rất bức xúc, bởi gia đình bà có diện tích lúa bị ngập úng nhiều nhất. Vì vậy, thời gian qua, bà Nròng Thể đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên các ngành chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng: “Gia đình tôi có 4,7 sào lúa nước, trong đó có 4 sào bị ngập không có khả năng cho thu hoạch. Mỗi năm, đồng lúa của bà con ở khu vực này thường xuyên bị ngập nước, vì vậy tôi rất mong các cấp chính quyền cần có những giải pháp khắc phục thực trạng trên để bà con chúng tôi yên tâm sản xuất, ổn định đời sống”, bà Nròng Thể kiến nghị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Khá - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết: Sau khi tiếp nhận đơn thư phản ánh của bà con, ngày 11/8/2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm Quản lý và Khai thác Công trình công cộng huyện và UBND xã Đinh Trang Hòa tiến hành kiểm tra xác minh nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết. Ngoài xây dựng phương án, kế hoạch sửa chữa, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động hộ dân có đất canh tác trong khu vực tiến hành nạo vét lòng suối, phát quang khơi thông dòng chảy của công trình... Nhưng trên thực tế đây chỉ là giải pháp tạm thời, thiếu tính bền vững. “Để giúp giảm thiểu tình trạng ngập úng, tạo điều kiện cho bà con sản xuất trong mùa mưa, Trung tâm Quản lý và Khai thác Công trình công cộng huyện Di Linh đã khảo sát và đưa ra giải pháp tối ưu nhất, đó là làm cống tiêu hai bên đập tràn để khi mùa mưa mở cống thoát nước, còn mùa khô đóng lại đảm bảo lượng nước phục vụ sản xuất cho bà con”, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phụ trách Thủy lợi, Trung tâm Quản lý và Khai thác Công trình công cộng huyện Di Linh chia sẻ.
NDONG BRỪM