Rửa tay - biện pháp đơn giản phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện

10:10, 15/10/2018

Theo tiến sỹ Nguyễn Tiến Quang, phụ trách công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện K, nhiễm khuẩn bệnh viện, hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế, đang là vấn đề toàn cầu. 

Theo tiến sỹ Nguyễn Tiến Quang, phụ trách công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện K, nhiễm khuẩn bệnh viện, hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế, đang là vấn đề toàn cầu. 
 
(Nguồn: Daily Mail)
(Nguồn: Daily Mail)

Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài ngày nằm viện (từ 9-24,3 ngày), tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị.
 
Một nghiên cứu nhiễm khuẩn bệnh viện tại 55 bệnh viện của 14 quốc gia trên thế giới đại diện cho các khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các nước này là 8,7%. 
 
Ước tính, ở bất cứ thời điểm nào cũng có hơn 1,4 triệu người bệnh trên thế giới mắc nhiễm khuẩn bệnh viện.
 
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra nhiễm khuẩn bệnh viện tại 36 bệnh viện phía Bắc, tỷ lệ này là 7,9%, tiến sỹ Quang cho biết.
 
Theo các chuyên gia y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn - áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh, là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế. 
 
Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất.
 
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vệ sinh tay được coi là liều vắcxin tự chế rất đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí cũng như có thể cứu sống hàng triệu người. 
 
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ một động tác vệ sinh tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy.
 
Hiện tại, Bệnh viện K đã và đang xây dựng một mô hình phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, từ rất nhiều khâu theo mô hình một chiều như việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế; trang bị đầy đủ các phương tiện túi, hộp, thùng để chứa và vận chuyển chất thải y tế đúng quy định; xây dựng kho lưu giữ chất thải để đảm bảo chất thải không ảnh hưởng tới môi trường bệnh viện và xung quanh...
 
Bệnh viện đã có những quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát vệ sinh tay; trang bị đầy đủ các dụng dịch sát khuẩn trên xe tiêm, tại các cửa buồng bệnh, buồng khám bệnh.
 
Bệnh viện giao cho khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn hàng ngày giám sát sự tuân thủ vệ sinh tay của nhân viên y tế, học viên, người bệnh, người nhà bệnh nhân. Bước đầu, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay tại bệnh viện là 68%.
 
"Đối với người bình thường, rửa tay hằng ngày là một ý thức quan trọng, đối với những người làm nghề y lại đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa sự lây lan của các loại vi khuẩn. Đây cũng là hành động thiết thực, hiệu quả góp phần bảo vệ chính sức khỏe của y bác sỹ, cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện," tiến sỹ Nguyễn Tiến Quang chia sẻ.
 
Năm 2008, Liên hợp quốc đã chọn ngày 15/10 hằng năm là Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã chọn ngày 5/5 hằng năm là Ngày Vệ sinh tay thế giới. 
 
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã liên tục phát động phong trào vệ sinh bàn tay ở các bệnh viện và cộng đồng./.
 
(Theo vietnam+)