Dân số Lâm Ðồng hiện có khoảng 1,3 triệu người, với 43 dân tộc; trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 24%. Riêng 3 tộc người bản địa có nguồn gốc lâu đời là Kơ Ho, Mạ, Churu chiếm tỷ lệ 19% dân số toàn tỉnh. Dù cuộc sống đã hiện đại hơn, song nhiều hủ tục vẫn tồn tại dai dẳng, nặng nề...
Dân số Lâm Ðồng hiện có khoảng 1,3 triệu người, với 43 dân tộc; trong đó, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 24%. Riêng 3 tộc người bản địa có nguồn gốc lâu đời là Kơ Ho, Mạ, Churu chiếm tỷ lệ 19% dân số toàn tỉnh. Dù cuộc sống đã hiện đại hơn, song nhiều hủ tục vẫn tồn tại dai dẳng, nặng nề...
|
Thiếu nữ Kơ Ho - người quyết định hôn nhân của mình. Ảnh: T.D.H |
Nhiều hủ tục tồn tại
Mới đây, đoàn công tác gồm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL, Ban Dân tộc, Ủy ban MTTQ tỉnh... đã khảo sát thực trạng tồn tại các phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng DTTS tại 5 huyện có đông người đồng bào DTTS bản địa sinh sống và ghi nhận vẫn còn tồn tại các phong tục, tập quan hết sức lạc hậu.
Cụ thể, trong tang ma, còn nhiều gia đình người DTTS tổ chức ăn uống linh đình và kéo dài nhiều ngày vừa tốn kém cho tang gia, vừa gây đình trệ việc lao động sản xuất, vừa gây mất an ninh trật tự. Việc xây mộ, chia của cho người chết, lễ bỏ mả... có nơi làm rất to; tang gia phải mổ trâu, bò, giết nhiều lợn, gà để đãi khách, họ hàng. Tình trạng mê tín dị đoan người nhà đau ốm, hay sản xuất lúa không trổ bông, nghi bị “thần thánh bắt phạt” đi tìm thầy mo, thầy cúng (Pômun) về nhà bày biện, cúng tế và trả công cho thầy mo cúng tế có khi khá nhiều tiền, thậm chí bằng một con trâu lớn. Hay người dân tin vào ma quỷ (ómalai) ở các xã Proh, Tu Tra - Đơn Dương hoặc việc tổ chức “lễ tạ ơn” khá phổ biến ở xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương)... Hiện nay, trong vùng DTTS vẫn tồn tại tục “phạt vạ” với các trường hợp vi phạm tục lệ, nhất là “tội” ngoại tình.
Trong hôn nhân, hầu hết các DTTS trong tỉnh hiện còn tồn tại nhiều hủ tục như: tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (cô, con cậu lấy nhau); tục nối dây; tình trạng sinh con thứ 3, có những địa phương khá phổ biến như: thôn Klong Klanh và thôn Đưng K’Si (xã Đạ Chair - Lạc Dương)...
Hệ lụy tục “thách cưới”
Theo nhiều già làng và các bậc cao niên trong các tộc người DTTS ở địa phương thì tục “thách cưới” có từ ngàn xưa và nó được xem là tục lệ truyền thống có tính ràng buộc của tổ tiên họ...
Tuy nhiên, cũng theo các già làng, tục “thách cưới” ngày xưa đơn giản, nhẹ nhàng, chủ yếu mang tính lễ nghi (có khi cặp gà, ché rượu cần, cặp vòng trang sức...). Song, ngày nay tục “thách cưới” đã “biến tướng” và mang hơi hướng “thương mại”! Hệ quả của nó rất nặng nề, tốn kém về vật chất, “khủng hoảng” về tinh thần và để lại hệ lụy lâu dài, trước hết là nợ nần (nếu những gia đình cô gái nghèo khó...).
Thường “giá sàn” đưa ra cho mỗi cuộc “thách cưới” thấp nhất hiện nay là 50 triệu đồng; cao hơn có khi vài trăm triệu. Đặc biệt, nếu chàng trai có trình độ học vấn cao (đại học trở lên), làm cán bộ, hoặc có bố mẹ làm cán bộ thì giá rất cao (có khi vài trăm triệu đồng)!
Thực tế gần như tất cả các địa phương, tục thách cưới diễn ra rất phổ biến. Vật đưa ra trong các cuộc thách cưới này thường là trâu, bò, chum ché, vàng, tiền… Đặc biệt, hiện nay, vật thách cưới nhà trai đưa ra khá “quái dị” khiến nhiều gia đình nhà gái lắm bận “điêu đứng”. Đó là dàn chiêng cổ, đôi vòng cườm cổ nhất (rất khó tìm), hay đồng la (1 cái đồng la có giá trị bằng 12 con trâu) nên không thể tìm mua; không có những vật cổ đó thì thỏa thuận đổi sang vàng!
Oái ăm nữa là, ngoài bố mẹ chàng trai thách cưới đã quá nặng nề rồi, họ hàng nhà trai (nhất là gia đình ông cậu của chú rể - có quyền lực nhất) còn “đòi” thêm quà tặng, nghĩa là ngoài quà thách cưới, nhà gái phải tặng quà thêm cho họ nhà trai!
Ông Kơ Dơng Ha En - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông (Đam Rông) chia sẻ: “Để lấy được chồng, người con gái dân tộc phải lao động cực nhọc, dành dụm suốt một thời gian khá dài mới mong đủ tiền...”. Ông lắc đầu ngao ngán: “Dù đã tích cực tuyên truyền, vận động nhiều rồi; song, tục “thách cưới” và cả việc tang ở xã Đạ Tông, cũng như nhiều xã đồng bào dân tộc khác vẫn diễn ra dai dẳng, rất nặng nề...”!
Từ tục “thách cưới” phát sinh nhiều hệ lụy; đó là, nếu gia đình cô gái không có đủ tiền thì bị nhà trai từ chối (không cho bắt chồng); còn nếu 2 bạn trẻ cương quyết lấy thì sau khi cưới phải trả nợ (cụ thể khoản nợ do 2 gia đình thỏa thuận và thống nhất)... Bởi vậy, cả đời con, đời cháu của nhiều cặp vợ chồng người DTTS phải “gồng lưng” trả nợ cho cha mẹ chúng! Nhiều trường hợp vì nghèo mà không lấy được chồng; hay nhiều cuộc “bắt chồng” kéo dài dở khóc, dở cười!...
Vì vậy, cần quyết liệt xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nhất là tục “thách cưới” trong đồng bào các DTTS ở tỉnh ta...
Ghi chép: THANH DƯƠNG HỒNG