Những năm gần đây, hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ công nhân viên chức lao động của tỉnh luôn được đẩy mạnh. Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Ðồng xác định việc phát động phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong CNVCLÐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn.
Những năm gần đây, hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLÐ) của tỉnh luôn được đẩy mạnh. Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Ðồng xác định việc phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong CNVCLÐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn.
Hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Q.Uyển |
Với phương châm “Phong trào nhỏ, thời gian ngắn, hiệu quả cao”, hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) triển khai mạnh mẽ các hoạt động sáng kiến, áp dụng và cải tiến kỹ thuật về cơ sở, chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng tiêu chí cụ thể, động viên từng cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực tham gia. Nhiều sáng kiến, giải pháp đã giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện môi trường làm việc, giải phóng sức lao động, cải cách thủ tục hành chính, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng tác phong công nghiệp cho đoàn viên, CNVCLĐ. Tổ chức công đoàn các cấp đã có chính sách khen thưởng kịp thời, khích lệ các cá nhân, tập thể có nhiều sáng kiến, sáng tạo, từ đó thôi thúc lòng hăng say, nhiệt tình cống hiến cho lao động sản xuất của đơn vị.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 12.000 đề tài, sáng kiến, giải pháp đã làm lợi trên 20 tỷ đồng. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có 2.723 đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích của cán bộ, đoàn viên, CNVCLÐ; trong đó, có 31 sáng kiến cải tiến kỹ thuật với tổng giá trị làm lợi cho cơ quan, doanh nghiệp lên tới 2,8 tỷ đồng.
Trong hàng ngàn sáng kiến đang mang lại những giá trị to lớn về mặt kinh tế, xã hội đó, có nhiều sáng kiến, giải pháp đã được áp dụng vào thực tế và mang lại lợi ích thiết thực cho các đơn vị, doanh nghiệp, giải phóng sức lao động của con người. Có thể kể, sáng kiến “Tận dụng sắt vụn chế tạo máy kéo cắt cỏ sân Golf” của đoàn viên Công đoàn cơ sở Công ty Sacom Tuyền Lâm tiết kiệm cho doanh nghiệp hơn 200 triệu đồng/năm. Sáng kiến “Chế tạo máy ép phẳng tài liệu sau khi đã bồi nền” của hai tác giả Nguyễn Đức Hồng và Phạm Ngọc Hiền (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV) đã được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn với giá thành sản xuất thấp, khoảng 11 triệu đồng/máy, trong khi giá trên thị trường là hơn 100 triệu đồng/máy. Máy còn có nhiều ưu điểm: cách sử dụng đơn giản, không tốn điện năng và kinh phí duy tôn bảo dưỡng, thời gian sử dụng từ 15 - 20 năm, tiết kiệm cho đơn vị 136 triệu đồng. Sáng kiến “Kỹ thuật DESARDA trong điều trị thoát vị bẹn ở người lớn” của BS. Phạm Ngọc Thi (Phó Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng) đã minh chứng giá trị thực tế đủ độ tin cậy để thay thế một phần các kỹ thuật khác đang thực hiện tại đơn vị, giải pháp đã được áp dụng có hiệu quả trên thực tiễn. Phương pháp này đã tiết kiệm chi phí mesh là vật tư tiêu hao đặc biệt có giá 750 ngàn đồng/ca mổ, giúp bệnh nhân không bị tái phát, giảm chi phí tốn kém cho người bệnh, gia đình và bệnh viện cho các cuộc phẫu thuật tiếp theo khi bệnh tái phát...
Sáng tạo không chỉ ở đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, lãnh đạo mà ở ngay những người lao động bình thường, sáng tạo bằng lòng yêu nghề, say mê công việc. Có những sáng kiến không đong đếm được bằng tiền mà bằng hiệu quả xã hội. Không thể kể ra hết các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mà đoàn viên, CNVCLĐ của tỉnh đóng góp; nhưng có thể khẳng định, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do công đoàn các cấp phát động đã được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo đoàn viên tham gia và được ứng dụng vào thực tiễn lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác của từng ngành nghề, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hàng ngàn sáng kiến, vẫn còn nhiều đề tài sáng kiến không được đánh giá cao, chưa đạt hiệu quả, chưa được nhân rộng hay áp dụng trong thực tế. Cùng sự phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nhận thức “đứng yên là tụt lùi”, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đang được tổ chức công đoàn đẩy lên một bước mới, hiệu quả hơn, thiết thực hơn.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào, thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua, hướng mạnh về cơ sở. Trong đó, có nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo kỹ thuật trong CNVCLĐ như: phổ biến, ứng dụng các sáng kiến có giá trị làm lợi cao để áp dụng rộng rãi; tôn vinh các nhà khoa học, các cá nhân, tập thể có nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích; tổ chức các hoạt động sáng tạo một cách sâu rộng cho mọi đối tượng tập thể, cá nhân tham gia nhằm phát huy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, trí tuệ của đoàn viên, CNVCLĐ, coi sáng tạo và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống là một nguồn lực quan trọng làm tăng thêm sức mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
QUỲNH UYỂN