Bình yên ở buôn làng K'Rèn

08:03, 20/03/2019

Nằm ngay dưới chân đèo Prenn, cạnh Quốc lộ 20, cửa ngõ vào Ðà Lạt, buôn làng K'Rèn (Hiệp An - Ðức Trọng) của người K'Ho thanh bình giữa một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi cao, đồi thấp nối tiếp nhau, trước mặt là Núi Voi. Không trộm cắp, không tệ nạn xã hội, không hủ tục, không sinh nhiều con, không thất học… là ấn tượng đầu tiên khi đến với K'Rèn.

Nằm ngay dưới chân đèo Prenn, cạnh Quốc lộ 20, cửa ngõ vào Ðà Lạt, buôn làng K’Rèn (Hiệp An - Ðức Trọng) của người K’Ho thanh bình giữa một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi cao, đồi thấp nối tiếp nhau, trước mặt là Núi Voi. Không trộm cắp, không tệ nạn xã hội, không hủ tục, không sinh nhiều con, không thất học… là ấn tượng đầu tiên khi đến với K’Rèn.
 
Trẻ con đùa chơi trong buổi xế chiều
Trẻ con đùa chơi trong buổi xế chiều
K’Rèn là cách đọc chệch của âm Kriăng (có nghĩa là cây châm), buôn làng từ xa xưa có tên gốc là Dơng Kriăng, Dờng theo tiếng K’Ho nghĩa là vùng đồng bằng nhỏ bằng phẳng. Xưa kia, vùng đất này có rất nhiều cây châm, trái nhỏ ăn chua chua ngọt ngọt mọc thành những chòm. Vì thế, vùng đồng bằng nhỏ có cây châm có tên là Dơng Kriăng, từ sau 1975 được gọi là K’Rèn. Nay không còn cây châm nào, chỉ là những ruộng hoa lay ơn, ruộng rau thương phẩm thay cho đồng lúa, khoai, bắp. Nhà cửa san sát, nếp sống văn minh, đời sống của đồng bào không ngừng no ấm. 
 
Cả thôn có 210 hộ, gần 1.200 nhân khẩu, mặc cho “cơn sóng” đô thị hóa, đất mỗi lúc càng chật, người mỗi ngày thêm đông, nhưng buôn làng K’Rèn vẫn giữ được nét đẹp quần tụ, cố kết của cộng đồng người K’Ho xưa. 
 
Theo ông K’Đô - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Mặt trận thôn K’Rèn, ngay sau khi phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (vào tháng 9/2001), thôn đã thành lập ban vận động với các thành viên đại diện tổ chức đoàn thể: mặt trận, đoàn thanh niên, chi hội nông dân, chi hội người cao tuổi, chi hội chữ thập đỏ, chi hội khuyến học, già làng, người có uy tín vận động đồng bào cùng thực hiện. Từ đó các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới được đồng bào tích cực tham gia, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa nước 1 vụ sang trồng rau thương phẩm. Người Kinh trồng loại rau gì, làm ăn như thế nào, đồng bào cũng học hỏi làm theo, trồng bông lay ơn, trồng cà chua, đậu Hà lan và các rau an toàn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Số gia đình có thu nhập khá từ 200 - 300 triệu đồng/năm ngày càng nhiều, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt tiện nghi. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 33 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, hiện nay cả thôn còn 7 hộ nghèo (chiếm 3,3%) do thiếu đất sản xuất, đông con, có người mắc bệnh hiểm nghèo. 
 
Ông K’Đô cho biết, ở vùng đất đai màu mỡ thế này, nông nghiệp công nghệ cao được áp dụng, nếu chăm chỉ lao động, chăm sóc, thu hoạch nông sản thuê cho các nhà vườn cũng được 200 ngàn đồng/ngày thì không thể nghèo mãi. Bên cạnh những ngôi biệt thự khang trang ngày càng nhiều thì vẫn còn sót lại những ngôi nhà gỗ thẫm màu qua thời gian. Không hộ nào còn phải chịu cảnh nhà cửa dột nát, 95% hộ dân có nhà cửa kiên cố, có công trình phụ hợp vệ sinh, 100% đồng bào sử dụng điện lưới và nước sạch sinh hoạt. 
 
Đồng bào K’Ho ở K’Rèn theo chế độ mẫu hệ, con gái bắt chồng, những năm gần đây, tục thách cưới đã được đẩy lùi, không còn hôn nhân cận huyết. Các hoạt động cưới hỏi, tang ma đều thực hiện tiết kiệm, văn minh. Sinh hoạt hợp vệ sinh, mọi hủ tục bị bãi bỏ, tình trạng tảo hôn không còn xảy ra, không còn tình trạng sinh nhiều con, lớp trẻ hầu hết đã ý thức được kế hoạch hóa gia đình, sinh ít con để nuôi dạy tốt. 
 
Cùng với sự phát triển, đồng bào luôn có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở mở được một lớp truyền dạy cồng chiêng, thôn đã xây dựng được đội cồng chiêng với hơn 20 thành viên có người già truyền dạy, người trẻ tiếp nối do nghệ nhân K’Phương (74 tuổi) làm đội trưởng. Đội cồng chiêng duy trì luyện tập, biểu diễn vào các dịp hội làng, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc 18/11 hàng năm, làm cho đồng bào thêm yêu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Hàng năm, có 87% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, từ năm 2003 đến nay, 15 năm liền K’Rèn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, trong đó nhiều gia đình tiêu biểu có đời sống ấm no, làm ăn kinh tế giỏi, nuôi con trưởng thành như gia đình ông: K’Hoan, K’Rú, K’Sáu, K’Thương, K’Đô, Ka Phương...
 
Ông K’Đô (60 tuổi) là Bí thư chi bộ, kiêm công tác mặt trận đã có hơn 40 năm làm việc làng việc nước. Từ sau ngày đất nước thống nhất, ở tuổi 19 ông đã làm kế toán hợp tác xã nông nghiệp, sau đó làm dân quân tự vệ, an ninh viên, 14 năm làm trưởng thôn (1999 - 2013), rồi làm bí thư chi bộ đã qua gần 2 nhiệm kỳ. Tận tụy, trách nhiệm, gắn bó với đồng bào, hiểu hoàn cảnh từng nhà, từng người, ông được đồng bào tin tưởng, quý trọng. Niềm vui được thấy đời sống của đồng bào mình đổi thay không ngừng, đường ngang ngõ dọc trong thôn đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông, khang trang sạch đẹp, cuộc sống ấm no đã đến với mọi nhà, song ông K’Đô vẫn luôn trăn trở. Con đường chính chạy dọc thôn dài 3 km vào khu sản xuất sâu đến phía núi vẫn là đường cấp phối, ông mong muốn nó mau được bê tông hóa để đồng bào đi lại thuận tiện hơn. Cánh đồng bằng phẳng xưa kia đồng bào vẫn trồng cấy từ bao đời, vài năm trở lại đây thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa, do những dòng suối quanh buôn lâu ngày bị bồi lấp, nước từ thượng nguồn đổ về không kịp thoát. 75 ha đất canh tác của thôn chỉ trồng được 1 vụ vào mùa khô, ông mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ nạo vét suối, chống ngập lụt để đồng bào yên tâm sản xuất, thâm canh tăng vụ phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng bình yên, hạnh phúc.
 
Q.UYỂN