Gần đây, tình trạng người dân ở Ðầm Ròn (Ðam Rông) lên Ðà Lạt ăn xin ngày càng nhiều. Cá biệt có nhiều hộ gia đình cả nhà đi ăn xin, mang theo con nhỏ đang trong tuổi học từ cấp mầm non đến tiểu học. Việc đưa theo con nhỏ nhằm mục đích "dễ xin tiền" hơn song sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học cũng như sức khỏe của các cháu.
Gần đây, tình trạng người dân ở Ðầm Ròn (Ðam Rông) lên Ðà Lạt ăn xin ngày càng nhiều. Cá biệt có nhiều hộ gia đình cả nhà đi ăn xin, mang theo con nhỏ đang trong tuổi học từ cấp mầm non đến tiểu học. Việc đưa theo con nhỏ nhằm mục đích “dễ xin tiền” hơn song sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học cũng như sức khỏe của các cháu.
Khu vực Cây xăng Phạm Ngũ Lão là địa điểm xuống xe hay đón xe về của bà con từ Đầm Ròn lên Đà Lạt ăn xin |
Theo thống kê từ huyện Đam Rông, hiện tại ở khu vực hai xã Đạ Long và Đạ Tông có gần 50 hộ gia đình có người đi ăn xin. Tập trung chủ yếu tại xã Đạ Long, nhiều nhất tại khu vực Thôn 1 và Thôn 4. Ông Lơ Mu Ha Poh - Chủ tịch UBND xã Đạ Long, cho biết: “Riêng tại xã Đạ Long hiện nay có 33 hộ thường xuyên lên Đà Lạt ăn xin. Trong đó chỉ có 15 hộ nghèo, còn lại là những hộ gia đình bình thường, thậm chí có hộ khá. Cá biệt có những hộ cả gia đình cùng đi ăn xin như hộ bà Kon Sơ K’Mai và hai con, bà Liêng Hót K’ Nga và 4 đứa con, hộ bà Kơ Să K’Viên và 4 đứa cháu…”.
Hiện nay, từ khu vực Đầm Ròn lên Đà Lạt có hai nhà xe khách gồm Đức Hạnh và Quỳnh Giao. Đây cũng là phương tiện chính để bà con di chuyển lên Đà Lạt. Theo thông tin từ các nhà xe này, bình thường bà con lên Đà Lạt ăn xin theo nhóm, mỗi nhóm đi khoảng 5 - 6 người. Dịp lễ, tết bà con sẽ đi đông nhất có khi hàng chục người. Tại Đà Lạt, các khu du lịch và quanh Hồ Xuân Hương thường là điểm ăn xin chính của bà con.
Trò chuyện với chúng tôi về lý do lên Đà Lạt ăn xin, một số hộ dân làm nghề này ở Đạ Long nói: “Đi vòng vòng ăn xin có ngày cũng được gần cả triệu bạc. Ngày lễ, tết khách du lịch ở Đà Lạt đông lắm nên có khi còn xin được nhiều hơn. Đi ăn xin được nhiều tiền hơn làm rẫy, làm thuê”. Được biết, trong mấy ngày nghỉ lễ cả gia đình có con nhỏ đi ăn xin được từ 5 - 7 triệu đồng.
Việc phụ nữ lên thành phố ăn xin đã bỏ bê gia đình, nhiều người chồng vì thế mà trông chờ, ỉ lại vào tiền vợ mang về mà lười làm ăn. Người già và trẻ em đi ăn xin ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe… Bởi vậy, công tác tuyên truyền về vấn đề này đã được các đoàn thể huyện và chính quyền địa phương thực hiện từ nhiều năm nay. Từ đầu năm 2018 đến nay, khi lượng bà con đi ăn xin ngày càng nhiều, lãnh đạo huyện Đam Rông đã có nhiều chỉ đạo trực tiếp để xử lý vấn đề này.
Ngay dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đoàn công tác của huyện do ông Liêng Hót Ha Hai Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn, cùng với sự tham gia của Phòng Dân tộc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ huyện và lãnh đạo xã trực tiếp đi kiểm tra và vận động bà con trở về nhà làm ăn ngay tại các điểm du lịch và chợ Ðà Lạt.
Chủ tịch UBND xã Đạ Long, ông Lơ Mu Ha Poh nói: “Xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết và phân công cho các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo xã, thôn tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để một số hộ dân trên địa bàn bỏ thói quen lên Đà Lạt ăn xin. Đồng thời, ổn định tư tưởng, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình ngay tại địa phương”. Theo đó, cả hệ thống chính trị xã, Ban nhân dân các thôn và đặc biệt tranh thủ được sự ủng hộ của các già làng, người có uy tín trong xã, thôn để thực hiện công tác vận động.
Hiện tại, ở Đạ Long, UBND xã đã thành lập 4 tổ công tác phụ trách việc tuyên truyền. Các tổ đều do lãnh đạo xã trực tiếp phụ trách. Nếu như tại Thôn 3 do ông Lơ Mu Ha Poh - Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, thì tại các thôn: 1, 4, 5, tổ trưởng tổ vận động lần lượt là các Phó Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch MTTQVN xã Đạ Long.
Hầu hết bà con lên ăn xin tại Đà Lạt đều là phụ nữ và trẻ em, nên Hội Phụ nữ là đơn vị vào cuộc rất mạnh mẽ trong việc ngăn chặn tình trạng này. Chị Phan Thị Cẩm - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, cho biết: “Trong các cuộc họp của Hội Phụ nữ tỉnh, chúng tôi đã đề nghị Hội Phụ nữ thành phố Đà Lạt tăng cường vận động chị em hội viên nếu muốn giúp đỡ bà con nghèo thì thông qua các đoàn từ thiện và đến tận địa phương để giúp đỡ. Hạn chế việc cho tiền, quần áo với bà con DTTS từ Đầm Ròn lên ăn xin tại Đà Lạt, nhất là những chị em có mang theo con nhỏ. Điều đó sẽ góp phần ngăn dòng người ăn xin từ Đầm Ròn hướng về Đà Lạt. Đồng thời trả lại mỹ quan cho thành phố du lịch và cũng giảm áp lực cho huyện Đam Rông”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Đam Rông còn phối hợp với các đoàn thể huyện và chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hoạt động giúp chị em hội viên chăm lo làm ăn, phát triển bền vững kinh tế hộ gia đình. Theo đó, năm 2018, các cấp Hội đã cùng với cấp ủy, địa phương có nhiều phương án giúp đỡ các hộ gia đình thông qua các hình thức như: Giúp vốn, con giống, cây giống, kỹ thuật, ngày công…
Hiện nay tuyên truyền vẫn đang là nhiệm vụ trọng tâm, hỗ trợ sản xuất là yếu tố mang tính quyết định trong việc ngăn chặn các chị em phụ nữ ở Đầm Ròn mang theo con nhỏ lên Đà Lạt ăn xin. Đặc biệt, trong thực hiện các nhiệm vụ trên, lãnh đạo xã phải thường xuyên bám sát, đôn đốc nhắc nhở để kịp thời giúp đỡ bà con trong phát triển sản xuất. Đây được xem là một trong những giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng phụ nữ Đầm Ròn lên thành phố Đà Lạt ăn xin.
N. NGÀ