Thôn Ðại Ninh, xã Ninh Gia, Ðức Trọng là một vùng đất khô cằn, lắm nơi đá sỏi ken dày, hòa lẫn trong đất. Chính vì vậy canh tác cây cà phê đạt hiệu quả là một điều không phải hộ nông dân nào cũng làm được như nơi này.
Thôn Ðại Ninh, xã Ninh Gia, Ðức Trọng là một vùng đất khô cằn, lắm nơi đá sỏi ken dày, hòa lẫn trong đất. Chính vì vậy canh tác cây cà phê đạt hiệu quả là một điều không phải hộ nông dân nào cũng làm được như nơi này.
Ông Dũng bên vườn cà phê xanh tốt trên nền đất trơ đá sỏi. Ảnh: Đ.Tú |
Với 378 hộ dân, 1.370 nhân khẩu, cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều người dân trong thôn thoát nghèo, con em có đầy đủ điều kiện để ăn học. Vì vậy mà Trưởng thôn Nguyễn Đình Thủy khẳng định một điều chắc chắn rằng, đất ở đây không bằng các vùng đất đỏ bazan khác có đủ “thiên thời địa lợi” để cây cà phê phát triển tốt nhất. Nhưng, thực tế cho thấy rằng, nhiều nông dân đã tự mày mò, tự rút ra kinh nghiệm để chăm sóc sao cho hiệu quả nhất cho cây trồng, vì muốn trồng cây thì phải hiểu cây, muốn làm giàu thì phải cần cù.
Nhiều năm liền là hộ nông dân sản xuất kinh tế giỏi tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Dũng (SN 1968) được người dân ở thôn Đại Ninh ví von là người bắt đá phải nở hoa. Vì một điều, mảnh đất cho dù sỏi đá, khô cằn đến mấy nhưng dưới đôi tay và khối óc của ông cũng cho năng suất cao, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Với 8 ha cà phê mang lại nguồn thu nhập trên 1,2 tỷ đồng mỗi năm đối với các vùng đất khác là chuyện thường, nhưng đối với gia đình ông Dũng ở đất Đại Ninh đó là một điều lớn lao không phải ai cũng làm được.
Ông Dũng tâm sự: “Đất toàn sỏi đá, chất đất lại là đất feralit, cả thôn này như vậy. Trồng được cà phê đã khó nhưng để nó sinh lãi là điều khó khăn hơn. Thất bại cũng nhiều nên cách tốt nhất nông dân nên tìm tòi, sáng tạo và chịu khó làm lụng mảnh đất của mình”.
Ông chỉ vào những gốc cà phê xanh tốt nói: Nông dân phải bám đất, bám cây, đồng thời phải làm sao mảnh đất khô cằn biến thành một nơi có độ ẩm tương đối, thích hợp và có nhiều cách để thực hiện điều này như trồng cây lấy bóng mát, tưới nước mùa khô hạn, tạo thảm thực vật trên đất,... khi ấy đá sỏi trộn lẫn trong đất cũng trở thành một lợi thế vì tăng độ hở cho đất để rễ cây cà phê hô hấp. Mùa nắng nóng, cỏ dại được ông Dũng tận dụng như một tấm thảm cho mảnh vườn, chỉ khi bắt đầu mùa mưa, cỏ dại mới được dọn sạch để tận dụng làm chất tạo mùn cho đất.
Ông Dũng cho biết thêm: “Kiến thức về nông nghiệp, nhất là kỹ thuật canh tác cây cà phê thì cơ bản ai cũng được học tập nhưng áp dụng ở thực tế địa phương là một điều cần được bàn. Phải nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu một cách sát sao nhất, khi đó mới mang lại hiệu quả. Điều này rất khó khi tiếp cận ở mức độ trường lớp, phải qua quá trình thực nghiệm ngay trên mảnh đất của mình mới thu lại được điều mong muốn”.
Đã nhiều năm nay, ngôi nhà khang trang của người đàn ông làm kinh tế giỏi ở Đại Ninh là điểm trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong việc canh tác cà phê của người dân địa phương. Đến với ông Dũng, nông dân trong xã không chỉ được truyền bá kiến thức về canh tác cà phê trên “đất khó” mà còn là một tấm gương cần cù lao động.
ÐỨC TÚ