Dai dẳng tệ nạn ma túy ở làng Mông (Kỳ cuối)

08:04, 05/04/2019

Khu Tây Sơn thuộc địa phận quản lý của xã Liêng Srônh,  song để vào Tây Sơn đường dễ đi nhất lại chính là qua ngả Ðưng Glê. Tây Sơn xuất hiện trong câu chuyện của người dân Ðưng Glê như một nơi mà "thứ gì cũng có", từ đào vàng, tìm Vonfram, cờ bạc, đánh nhau, trốn nợ, mua bán đất và cả "mặt hàng"  đen,  trắng…

Ám ảnh Tây Sơn
 
[links()] Khu Tây Sơn thuộc địa phận quản lý của xã Liêng Srônh,  song để vào Tây Sơn đường dễ đi nhất lại chính là qua ngả Ðưng Glê. Tây Sơn xuất hiện trong câu chuyện của người dân Ðưng Glê như một nơi mà “thứ gì cũng có”, từ đào vàng, tìm Vonfram, cờ bạc, đánh nhau, trốn nợ, mua bán đất và cả “mặt hàng”  đen,  trắng…
 
Tây Sơn cách biệt với thế giới bên ngoài như một ốc đảo giữa rừng
Tây Sơn cách biệt với thế giới bên ngoài như một ốc đảo giữa rừng
 
Nỗi đau còn mãi
 
Tây Sơn nằm lọt thỏm giữa bốn bề là núi rừng phòng hộ nên giống như một ốc đảo. Bởi thế, đường vào đây cũng lắm dốc cao dựng đứng, nhiều đường đèo quanh co. Mùa nắng đường vào Tây Sơn bụi che khuất người, còn mùa mưa thì việc đi lại là không thể. Chính vì vậy mà Tây Sơn như một khu biệt lập, kể cả sóng điện thoại cũng không thể chạm được đến nơi này.
 
Theo thông tin từ Công an huyện Đam Rông, từ những năm 2004, khu vực Tây Sơn đã là điểm nóng về khai thác vàng trái phép. Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng, trong khoảng thời gian năm 2004 - 2008, ở khu vực này luôn có khoảng hơn 30 máy múc, 3 tàu vàng cùng hàng chục điểm đào đãi, khai thác vàng sa khoáng, vonfram, thiếc… kéo theo đó là hàng trăm dân lao động tự do bao gồm cả những đối tượng hình sự, đối tượng nghiện hút, bán ma túy, đánh bạc… rất phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự an toàn xã hội (TTATXH) tại địa phương.
 
Ông Sùng A Thắng, người dân sống ở vùng Tây Sơn nhiều năm qua vẫn nhớ như in những tháng ngày tuổi trẻ khi mà cuộc sống ngoài Tây Bắc quá khó khăn nên ba anh em trai phải theo người ta vào xứ này làm phu vàng. Ở xứ làm vàng, người nhiễm chì, thủy ngân chết, người sốt rét không kịp đi trạm xá cũng chết và có nhiều người nghiện ma túy đến mức tan gia bại sản rồi chết… Nhưng tất cả những điều đó vẫn không đủ sức ngăn cản dòng người đổ về mong được đổi đời vì sự “truyền tai” nhau rằng Tây Sơn là “rốn vàng” của Tây Nguyên. Thời điểm đó, người nghiện các nơi cũng “đổ bộ” về đây làm nghề đào vàng, không ít kẻ lợi dụng để đưa ma túy vào nơi “rút cạn vàng” này. Dân đào được vàng xem việc sử dụng ma túy như một trong những thú vui. Và ma túy còn được sử dụng để lôi kéo, để thanh toán nhau trong cuộc sống đầy phức tạp ở xứ vàng. Trải qua bao nhiêu năm, những tàn tích của nghiện ngập, của ma túy thời điểm đó cộng với ma túy theo dòng người di cư tự do làm tình hình an ninh trật tự (ANTT) nói chung và tệ nạn ma túy nói riêng ở Tây Sơn càng thêm phức tạp. 
 
Thời gian trôi qua nhưng không đủ sức làm vơi đi nỗi đau từ ma túy, đâu đó vẫn chưa buông tha những nếp nhà ở Tây Sơn. Chiều gần tàn, chúng tôi ghé nhà ông Sùng A Vu (70 tuổi), người đàn ông có mái tóc bạc và đôi mắt đượm buồn đang ngồi ở cửa bếp nhìn về hướng núi. Một ít than hồng trên bếp có lẽ là thứ duy nhất ấm áp trong căn nhà này. Con trai ông Sùng A Vu là Sùng A Châu vừa bị bắt đi tù 20 năm vì tội buôn bán ma túy.
 
Ông Sùng A Vu theo chân các con trai Sùng A Thắng, Sùng A Châu vào xứ vàng mong đổi đời. Nhưng Sùng A Châu đã không đủ sức thắng được sự cám dỗ của làn khói trắng. Nghiện, Châu bán hết mọi thứ có thể trong nhà để thỏa mãn những cơn vật thuốc. Bán mãi rồi cũng hết, Châu chuyển qua phân phối thuốc cho con nghiện tại các địa bàn khác để kiếm tiền phê thuốc. Hệ quả là đến tháng 11/2018 Châu bị bắt, bị truy cứu hình sự với mức án phạt 20 năm tù về tội buôn bán, tàng trữ chất ma túy. Trước ngày lĩnh án, Châu được đưa về thăm nhà, cha già, vợ và 4 đứa con thơ, kể cả gia đình anh trai… đều níu lấy tay Châu mà khóc. Châu cũng khóc. Bát cơm của Châu trước lúc rời nhà đi thụ án 20 năm chỉ vỏn vẹn cơm trắng, một ít bắp sú luộc và nước luộc bắp sú. Châu đi rồi, giờ vợ Châu suốt ngày quần quật trên rẫy để kiếm tiền nuôi con và có tiền thỉnh thoảng đi thăm Châu. 
 
Rời nhà ông Vu khi nền trời chiều vẫn một màu đỏ au như khóe mắt của người đàn ông ấy chúng tôi đến nhà Giàng Seo Qủy - người cũng vừa bị bắt vì mua bán, tàng trữ chất ma túy. Vàng Thị Say - vợ Qủy nói: “Thằng Qủy bị bắt rồi, nó không có nhà đâu, giờ chỉ còn 4 mẹ con ở nhà. Thằng Qủy bị bắt, mẹ con mình sướng hơn. Qủy đi thì thôi, chứ về mình sợ nó lắm. Nó biết mình trốn ở đâu là cứ lôi về bắt đưa tiền cho nó hút, không đưa nó lấy đi bất cứ thứ gì có thể bán lấy tiền, từ cái xe máy, đến khóm măng, hay quả trứng vịt, trứng gà. Nó bán sạch chẳng còn gì. Nhiều lúc không có tiền nó lại đánh mình”. Người chồng vừa bị bắt vì ma túy, không lưu lại được gì cho vợ con ngoài những trận đòn roi và những ký ức đau buồn.
 
Giàng Seo Qủy là người nghiện ma túy nhưng không có tiền mua nên để có ma túy sử dụng, Qủy nhận lời bán ma túy cho Lý Qúy Ngân. Mỗi lần bán xong thì Qủy được Ngân trả công bằng heroin để sử dụng. Do đó, vai trò của Qủy là người giúp sức trực tiếp cho Lý Qúy Ngân để bán trái phép chất ma túy cho người khác và hiện cơ quan điều tra đang truy nã Lý Qúy Ngân, còn Qủy bị bắt và phạt 7 năm tù. 
 
Chuyện người nghiện đánh vợ là thường ở nơi đây, đánh vợ là chuyện như cơm bữa, có nhiều người nghiện còn đánh đập con nhỏ dã man trong những lần vật thuốc. Tuổi thơ của Mùa Thị Ca đã trở nên đầy tăm tối khi cha nghiện ngập nhiều lần trút “cơn mưa” đòn roi xuống cả mẹ lẫn con. Mấy mẹ con chạy lên rừng trốn, có ngày chỉ uống nước suối cầm hơi. Trên ngực, trên bụng của Mùa Thị Ca đã nhiều lần đau nhói tưởng chừng như nghẹt thở vì bị chính cha ruột dùng chân đạp thẳng vào người. Đòn roi của cha đã đổ lên Ca từ những ngày em vừa học lớp 1 cho đến nay lớp 5 và “em cũng đã quen rồi”. Câu nói thốt ra từ đứa trẻ tưởng còn ngây thơ “em đã quen rồi” nghe sao xót xa đến thế! Nhà cửa, rẫy vườn cũng lần lượt bay theo làn khói thuốc, giờ đây mẹ con Ca chỉ còn sống trong căn lều nhỏ, ọp ẹp lợp bằng phên cheo leo ở lưng chừng đồi. Cả nhà trống huơ trống hoắc chỉ còn độc một chiếc giường. Mẹ Ca suốt ngày đi rẫy, đi rừng, đi làm thuê để mấy chị em ở nhà tự kiếm cái ăn. Bởi thế mấy cây ổi xanh trước nhà và khoảnh sân nhỏ đầy đất bụi vẫn là nơi vui chơi thường ngày của chị em Ca.
 
Từ nhiều năm trước bà con từ Tây Bắc di cư vào khu vực này, hành trang họ mang theo có văn hóa truyền thống và cả hủ tục lạc hậu về sử dụng hàng đen, hàng trắng
Từ nhiều năm trước bà con từ Tây Bắc di cư vào khu vực này, hành trang họ mang theo có văn hóa truyền thống và cả hủ tục lạc hậu về sử dụng hàng đen, hàng trắng
 
“Cuộc chiến” chưa dừng
 
Đại úy Đinh Sỹ Hiệp, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Đam Rông cho biết, hiện khu vực Tây Sơn có 82 hộ/510 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông. Trong đó, chỉ có 6 hộ/56 nhân khẩu có hộ khẩu thường trú, còn lại là tạm trú, quản lý theo diện di cư tự do. Với địa hình hiểm trở đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý cư trú.
 
Hiện nay, khu vực Tây Sơn có khoảng 20 đối tượng nghiện ma túy và thường sử dụng hầu hết là heroin. 
 
Mỗi ngày các đối tượng nghiện sử dụng hết khoảng 40 tép ma túy. Số ma túy này bước đầu nghi vấn được cung cấp từ ngoài khu vực phía Bắc vào Tây Sơn và được phân phối qua 4-5 đối tượng (nghi vấn các đối tượng này cũng bị nghiện). Theo các nguồn tin cung cấp, số lượng người nghiện đã tăng nhanh trong khoảng thời gian gần đây và ngày càng trẻ hóa, kéo theo tình hình trộm cắp tài sản diễn ra nhiều hơn, khiến tình hình ANTT trong khu vực đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. 
 
Các đối tượng mua bán ma túy ở Tây Sơn thường lấy hàng từ quê (các tỉnh Tây Bắc giáp biên giới) vào nên nơi đây trở thành “nguồn cung” khiến nhiều đối tượng ở xã khác, kể cả ở huyện khác cũng về Tây Sơn để tham gia “chợ” mua bán chất ma túy. Ma túy từ Tây Sơn được các đối tượng đưa ra khu vực Đưng Glê và nhiều địa điểm khác để phân phối. Nếu năm 2004, khi mới thành lập huyện, Tây Sơn phát sinh vài trường hợp thì từ năm 2010 trở lại đây, số lượng này tăng lên nhiều. Và, trong nhiều năm nay, khu vực bãi vàng Tây Sơn luôn là địa bàn để các đối tượng ma túy lợi dụng hoạt động vận chuyển trái phép chất ma túy qua các địa bàn giáp ranh từ Đắk Lắk, Đắk Nông đi các địa phương khác. Người mua bán chủ yếu là người Mông. Các đối tượng thường chỉ bán cho người quen, không bán cho người lạ. Thuốc được giấu ở các khu vực hiểm trở trên rừng. Khi có người tới mua, các đối tượng thường hẹn trên rừng và địa điểm giao thuốc cũng thay đổi thường xuyên trong các khu vực rừng rậm hoang vu, di chuyển khó khăn.
 
Đã nhiều năm trực tiếp theo dõi án ma túy, Đại úy Đinh Sỹ Hiệp nằm lòng những thuộc tính: Nhà của người Mông thường ở sườn núi, ngay cạnh rừng rậm. Khi con nghiện biết bị cơ quan an ninh truy bắt, chúng chạy vào rừng thì rất khó để bắt được. Người Mông có đặc điểm là thông thạo đường rừng núi và địa hình nơi họ sinh sống. Và họ có lợi thế đi bộ thậm chí chạy trong rừng rất nhanh. Hơn nữa, đây còn là khu vực rừng giáp ranh sát với rừng của các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông nên việc truy bắt trong rừng là rất khó. Cùng với đó, việc không có sóng điện thoại ở Tây Sơn nên việc các trinh sát liên lạc, kết nối với nhau trong các cuộc vây bắt thêm phần khó thực hiện.
 
Ngoài việc phối hợp với MTTQ, các đoàn thể và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, tệ nạn ma túy trong các khu vực này, lực lượng Công an huyện Đam Rông còn thường xuyên bám làng, bám rừng nhằm nắm rõ từng người, từng nhà ở làng Mông, cũng như quen những lối đi rừng để thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện các cuộc vây bắt với mục đích không gì hơn là sớm chấm dứt nỗi ám ảnh về ma túy ở làng Mông.
 
H. YÊN - N. NGÀ