Lặn lội từ những triền núi đá nơi địa đầu Tổ quốc, người Mông di cư vào vùng đất Nam Tây Nguyên như tìm đến miền đất hứa. Việc dân di cư tự do từ phía Bắc vào gây nhiều áp lực cho huyện nghèo Đam Rông về đất đai, công tác quản lý, bảo vệ rừng… và cả tệ nạn ma túy. Ma túy tràn qua để lại cho làng Mông sự nghèo nàn, những mái ấm vỡ tan, những đứa trẻ vắng cha và những người già không còn con cái để nương tựa...
[links()]
Lặn lội từ những triền núi đá nơi địa đầu Tổ quốc, người Mông di cư vào vùng đất Nam Tây Nguyên như tìm đến miền đất hứa. Việc dân di cư tự do từ phía Bắc vào gây nhiều áp lực cho huyện nghèo Đam Rông về đất đai, công tác quản lý, bảo vệ rừng… và cả tệ nạn ma túy. Ma túy tràn qua để lại cho làng Mông sự nghèo nàn, những mái ấm vỡ tan, những đứa trẻ vắng cha và những người già không còn con cái để nương tựa...
Ðưng Glê chưa bình yên
Năm 2018, nhiều vụ án ma túy lớn đã được Công an huyện Ðam Rông triệt phá. Việc nhiều đối tượng đã bị lãnh án hàng chục năm tù cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật đối với các đối tượng tàng trữ, buôn bán và vận chuyển ma túy. Tuy vậy, “bão” vẫn chưa thực sự đi qua, Ðưng Glê vẫn chưa bình yên bởi nỗi ám ảnh từ ma túy.
|
Những nếp nhà chưa bình yên ở Đưng Glê |
Tục dùng thuốc phiện
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Mùa Pừ Sử, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Đưng Glê (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông) nhắc nhiều tới những tháng ngày gia đình còn sống ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. “Ngày xưa ông bà, cha mẹ mình ngoài trồng bắp, trồng lúa thì còn trồng cả cây thuốc phiện trên rẫy nhiều lắm. Cây thuốc phiện được trồng vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch khi trời lạnh buốt. Nơi khí hậu lạnh, đất đai cằn cỗi, lúa, bắp trồng chẳng đủ ăn nhưng cây thuốc phiện lại mọc lên rất tốt. Có năm thu được cả mấy tạ nhựa. Người Mông hút thuốc phiện nhiều như người miền xuôi hút thuốc lá. Từ khi Nhà nước cấm, bà con trong bản không dám trồng nữa. Sau đó nhiều người sang Lào làm công lấy ít thuốc về sử dụng” ông Mùa Pừ Sử nhớ lại.
Đưng Glê và Tây Sơn là hai địa điểm vẫn được người dân ở Đam Rông gọi là làng Mông bởi nơi này quần tụ nhiều nhất người dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào từ nhiều năm về trước. Nếu thôn Đưng Glê, xã Phi Liêng được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Dự án đầu tư Khu quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư tự do năm 2007, thì khu Tây Sơn nằm trong các tiểu khu thuộc quản lý của xã Liêng Srônh (Đam Rông) vẫn là khu vực người dân cư trú trái phép. Và suốt từ ngày đặt chân lên mảnh đất Nam Tây Nguyên đến nay, hai ngôi làng này vẫn chưa dứt nỗi ám ảnh chung mang tên: Ma túy.
|
Cũng theo lời ông Sử, ngày trước trong mỗi gia đình người Mông thuốc phiện vẫn được cất trữ gối từ vụ này sang vụ sau. Thuốc phiện không chỉ để những người nghiện hút bằng ống tẩu, bàn đèn mỗi lúc lên cơn, mà nó còn như một thứ “thuốc hiếm” được người Mông cất giữ trong nhà. Khi có người bị ốm đau bệnh tật, việc trước tiên sẽ mang thuốc phiện ra dùng. Ngày còn trẻ ông Sử cũng từng nghiện thuốc phiện. Sau thấy cuộc sống khổ cực quá mới quyết tâm tự cai thuốc phiện. Sau ba năm cai nghiện và rời quê hương vào Nam Tây Nguyên gần 20 năm nay, ông Sử đã quên đi thứ “thuốc độc” ấy.
Câu chuyện của ông Sử là nhớ về nhiều năm về trước. Song đến bây giờ nó vẫn chưa dứt ở hiện tại. Bởi trong dòng chảy của những người di cư tự do như ông Sử, vẫn có những người mang theo thứ thuốc ấy vào Nam Tây Nguyên. Trên miền đất mới, việc tìm thuốc phiện không còn dễ dàng như ở các vùng biên giới giáp Lào ngoài quê cũ, người Mông dần có nhu cầu mua bán. Cũng vì thế mà thuốc càng thêm đắt đỏ và trở thành món hàng hiếm hoi.
Ở Đưng Glê, người ta gọi thuốc phiện là hàng đen. Hiện hàng đen và câu chuyện nghiện ngập đang dần ám ảnh nặng nề trong làng Mông ở Đưng Glê. Đó là câu chuyện của chị M. T. L. (35 tuổi) trong một lần bị đau bụng đã được chồng cho hút mấy hơi thuốc phiện. Thấy bụng khỏi đau, nên sau này hễ bị đau bụng chị lại xin chồng để hút. Thế rồi, chị nghiện thuốc phiện lúc nào không hay. Khi cả hai vợ chồng chị L. đều nghiện, cà phê, đất đai cũng vì thế mà tiêu tan trong làn khói trắng.
Chúng tôi ghé thăm chị L. vào buổi chiều muộn trong căn nhà gỗ ọp ẹp, gió núi rít từng cơn qua vách. Chị L. tuổi còn trẻ nhưng nom mặt chẳng khác nào cụ bà đã trải qua cuộc đời nhọc nhằn, dâu bể: Thân hình gầy rộc, khuôn mặt hóp lại chỉ thấy rõ đôi mắt sâu hoắm, môi thâm sì, miệng móm, răng xỉn màu…
Cũng như chị L., S. A. P, một người dân ở Đưng Glê tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng chẳng khác nào ông già trên 50 tuổi. Bằng giọng Kinh lơ lớ, anh P. kể: “Ngày nhỏ mình đi làm rẫy lỡ cuốc vào chân chảy máu nhiều lắm. Về nhà băng bó sơ sài nên chân mình bị sưng và nhiễm trùng. Lúc ấy không biết chữa bằng cách nào, sẵn trong nhà có thuốc phiện mình lấy hút để giảm đau. Sau này lập gia đình vợ mình cũng hút, rồi cả hai vợ chồng mình đều nghiện từ lúc nào không biết. Vào đây không có tiền mua thuốc hút, vợ mình đi bán ma túy, bị công an bắt đang chờ tòa xử án”.
Không kể già, trẻ, gái, trai, hiện ở Đưng Glê không khó để gặp một người nghiện. Chị S. T. S. mới 26 tuổi đầu nhưng cũng đã có vài năm chìm đắm trong ma túy khi mà chồng của chị cũng đi cai nghiện chưa được về. Và bi đát hơn như gia đình ông G. A. T. (75 tuổi) có tới 5 người nghiện. Chỉ vào cái đầu bút bi, ông G. A. T nói: “Một “chỉ” hàng đen bằng 1 đốt tay đã có giá ba trăm nghìn đồng. Mình đi mua thuốc 20 nghìn được một tí bằng cái đầu bút bi thôi. Mỗi ngày mình đi lấy hai gang củi trên rừng bán cũng chỉ đủ mua hút 2 lần, chẳng đã thèm. Mấy đứa con cũng nghiện, chúng thì khỏe mạnh nên làm có tiền để hút nhiều hơn. Mình già rồi nên vậy thôi”.
|
Những nụ cười trẻ thơ ở Đưng Glê liệu có mãi hồn nhiên khi người lớn nơi này dùng thuốc phiện để chữa cả những căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ? |
Nghiện “to” rồi
Không chỉ dừng lại ở việc nghiện hàng đen, ở làng nhỏ của người Mông này nhiều người nghiện đã chuyển sang dùng heroin hay ma túy tổng hợp. Thực trạng này đã và đang tồn tại tại thôn nhỏ Đưng Glê để rồi không ít người phải trả giá.
Chiều muộn trên con đường chạy dọc thôn Đưng Glê, chúng tôi gặp G. A. P., lờ đờ bước từ ngôi nhà trên lưng đồi xuống. Câu chuyện ngắn không đầu không cuối và cũng lờ mờ như chính G. A. P lúc này:
“Nghiện to chưa? - Ồ, nghiện to lắm, không cai được nữa rồi.
- Ngày hút mấy lần? - Ngày ba lần.
- Lấy đâu mà hút? - Ố, người nghiện thì không có thuốc cũng phải đi kiếm để hút chứ.
Nghiện to và nghiện nhỏ là hai khái niệm mà chỉ khi đến thôn Đưng Glê chúng tôi mới được biết. Chỉ có người Mông hay những người trong thôn như Trưởng thôn Lý Ngài Sếnh hỏi nhau mới có câu trả lời. Còn người lạ như chúng tôi muốn biết câu trả lời luôn là Chư Pâu (tiếng người Mông nghĩa là không biết). Và điều đáng nói là với câu hỏi ấy đã nhiều người trả lời rằng “Nghiện to lắm rồi!”. Khi Trưởng thôn Lý Ngài Sếnh đề cập đến chuyện mua ít hàng đen để chữa bệnh, G. A. P. bảo rằng “không dùng hàng đen nữa, giờ dùng hàng trắng mà”.
Ông Trần Đình Sơn, Trưởng Công an xã Phi Liêng cho biết: “Hiện ở Đưng Glê có khoảng 23 người nghiện. Những người nghiện ở đây đa phần là người Mông; trong đó có 8 đối tượng vừa nghiện vừa mua bán, còn lại chủ yếu đối tượng mua bán từ khu vực khác vào. Theo Phó Chủ tịch xã Phi Liêng Đinh Văn Dũng, năm 2018, một số vụ án ma túy lớn được phá, nhiều người buôn bán ma túy đã bị bắt đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong nạn mua bán, sử dụng ma túy ở Đưng Glê. Tuy vậy, tệ nạn ma túy nơi này vẫn chưa thực sự dứt hẳn. Và Đưng Glê vẫn là điểm trung chuyển trong việc mua bán ma túy ở khu vực này, song thủ đoạn của các đối tượng đã dần tinh vi hơn. Các cuộc mua bán dần lùi sâu hơn vào rừng và thường không có vị trí cố định.
Sự vào cuộc ráo riết của cơ quan an ninh đã làm Đưng Glê “giảm nóng” nhưng việc trao đổi, mua bán ma túy lại càng đẩy vào sâu hơn ở khu vực Tây Sơn. Bởi thế, Tây Sơn đang là khu vực đầy ám ảnh về ma túy với các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là những gia đình có người nghiện.
(CÒN NỮA)
H. YÊN - N. NGÀ