Là một trong những già làng, người có uy tín của huyện Di Linh, tuy tuổi đã cao nhưng già K'Bèo ở Thôn 5, xã Liên Ðầm luôn nhiệt tình đi đầu trong những việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng buôn làng ngày càng khởi sắc.
Là một trong những già làng, người có uy tín của huyện Di Linh, tuy tuổi đã cao nhưng già K’Bèo ở Thôn 5, xã Liên Ðầm luôn nhiệt tình đi đầu trong những việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng buôn làng ngày càng khởi sắc.
|
Đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, tặng quà già K’Bèo. Ảnh: L.Phương |
Ở xã Liên Đầm, chắc hẳn ai cũng đều biết đến già K’Bèo, bởi già không những là trí thức tiêu biểu của xã, mà còn là điển hình gương mẫu, năng nổ với các hoạt động xã hội tại địa phương. Ngoài là già làng, người có uy tín, già từng giữ các cương vị công tác khác nhau như: Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Liên Đầm, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải, được bà con tin tưởng và xem là chỗ dựa tinh thần trong việc hòa giải các vấn đề nảy sinh, xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp đất đai tại địa phương…
Với vai trò của mình, những năm qua, già K’Bèo đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số nỗ lực vượt khó khai hoang phục hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cụ thể là thâm canh, chuyển đổi, đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Già K’Bèo bày tỏ: “Cùng với sự nỗ lực vượt khó của người dân, những năm qua, các chương trình dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng triển khai thực hiện kịp thời, khá đồng bộ và đã tạo được động lực trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể như: hỗ trợ phân bón; máy móc nông nghiệp; giống cây trồng, vật nuôi và mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con…; qua đó, đời sống của bà con nghèo đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong số hơn 200 hộ dân ở Thôn 5 hiện nay chỉ còn lại khoảng 30 hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới”.
Là già làng trí thức nhiều năm gắn bó với buôn làng, già hiểu rất rõ các phong tục tập quán, những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống cần được gìn giữ và bảo tồn. Già K’Bèo tập trung tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại ở cộng đồng dân cư, nhất là trong việc tang ma còn nhiều tốn kém, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thách cưới quá cao gây nhiều hệ lụy trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng địa phương…
Không những nhiệt tình với công tác xã hội, già K’Bèo còn tích cực vận động gia đình chịu khó lao động sản xuất, phát triển kinh tế, để từ đó có điều kiện chăm lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Đến nay, gia đình già đã có 4 người con đã tốt nghiệp đại học, trong đó có Thạc sĩ, Bác sĩ K’Bởi (nghiên cứu sinh tại Úc) hiện là cộng tác viên Bộ Y tế trong chương trình phòng chống HIV/ AIDS làm việc tại TP Hồ Chí Minh và chị Ka Hà đang công tác tại Trung tâm Y tế Di Linh, hai người con còn lại chưa có việc làm, đang ở nhà phụ giúp gia đình sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc gia đình, già tích cực vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, cảm hóa giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng... “Điều mà tôi băn khoăn nhất hiện nay là việc giải quyết, tạo công ăn việc làm cho các sinh viên đã tốt nghiệp còn nhiều khó khăn. Tình trạng phân bón kém chất lượng vẫn còn xuất hiện ở một số nơi ảnh hưởng đến sản xuất của người dân và nạn cho vay nặng lãi vẫn còn diễn ra ở khu dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số vì vướng vào tiền vay nặng lãi mà buộc phải bán nhà, bán đất để thanh toán nợ nần”, già K’Bèo trăn trở.
LAM PHƯƠNG