Bằng uy tín, các già làng bản địa Tây Nguyên huyện Bảo Lâm ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng; thực sự là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và là hạt nhân quan trọng trong các phong trào tại địa phương.
Bằng uy tín, các già làng bản địa Tây Nguyên huyện Bảo Lâm ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng; thực sự là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và là hạt nhân quan trọng trong các phong trào tại địa phương.
Thôn B’Kọ, xã Lộc An, nơi già làng K’Đẹo sinh sống, có 3 hộ người Kinh và 157 hộ người K’Ho. Với kinh nghiệm 27 năm làm Thôn trưởng và 10 năm giữ chức Trưởng Ban công tác Mặt trận, già làng K’Đẹo thường xuyên vận động người dân trong thôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng lao động sản xuất, tích cực phòng chống tội phạm. Qua khuyên bảo, động viên của già làng K’Đẹo, khối đại đoàn kết dân tộc thôn B’Kọ ngày càng được giữ vững, đời sống người dân ngày một nâng cao. “Thời gian qua, B’Kọ luôn là đơn vị đi đầu của xã Lộc An trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong thôn không xảy ra tình trạng trộm cắp, không có người nghiện ma túy, không có sự mất đoàn kết giữa người K’Ho và người Kinh”, già làng K’Đẹo chia sẻ.
Theo già làng K’Đẹo, cùng với việc giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, người dân thôn B’Kọ còn tích cực chăm lo phát triển kinh tế bằng cách ghép, cải tạo rẫy cà phê, kết hợp với trồng xen các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ... Sau khi ghép, cải tạo, năng suất cà phê tăng đáng kể, đạt gần 4 tấn/ha. Hiện tại, thôn B’Kọ chỉ còn 6 hộ nghèo, trong tổng số 160 hộ.
“Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc nêu gương rất quan trọng. Do vậy, tôi luôn nêu cao tinh thần gương mẫu của già làng trong cuộc sống, lẫn trong lao động sản xuất. Có như thế thì khi làm công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bà con mới nghe, mới tin”, già làng K’Ber, ở bon Sê Sàng, thị trấn Lộc Thắng, nói về kinh nghiệm làm cầu nối giữa người dân với chính quyền cơ sở trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, nhằm xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
10 năm qua (từ 2009 đến nay), già làng K’Ber đã tham gia 37 đợt tuyên truyền cho người dân thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Bắc, Lộc Bảo và xã Lộc Lâm về công tác dân tộc - tôn giáo, về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, về âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch... Ngoài ra, già làng K’Ber còn tham gia vận động người dân trong bon Sê Sàng chấp hành tốt Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ. Trong 10 năm qua, bon Sê Sàng đã có 31 thanh niên nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. “Gia đình tôi hiện có 3 ha cà phê và hơn 1 ha chè. Năng suất cà phê đạt trên 4 tấn/ha và năng suất chè đạt trên 15 tấn/ha. Từ nguồn thu khá này, giúp tôi có điều kiện để nuôi con cái ăn học. Tôi có 5 đứa con thì 3 đứa đã tốt nghiệp đại học và 2 đứa tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng”, già làng K’Ber phấn khởi.
Có nhiều năm tham gia công tác xã hội, từng giữ cương vị Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Bảo Lộc (cũ), sau khi nghỉ hưu, già làng K’Khỏe, ở bon Bru, xã Lộc Phú, vẫn thường xuyên gắn bó với cấp ủy, chính quyền xã Lộc Phú làm tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong Nhân dân, nhất là hoạt động hòa giải ở cơ sở và giữ gìn an ninh trật tự. Già làng K’Khỏe tâm niệm: “Vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm khi bản thân tôi là một già làng của bon Bru. Vì thế tôi luôn cố gắng truyền đạt những kiến thức mà mình tích lũy được đến với bà con. Tôi luôn khuyên nhủ người trẻ dân tộc thiểu số cần vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội”.
Một tấm gương khác để người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số noi theo, đó là già làng K’Tâm, ở Thôn 3, xã Lộc Bảo, người tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương này. Cùng với việc cải tạo rẫy cà phê, già làng K’Tâm đầu tư 200 triệu đồng để làm hệ thống nước tưới tự động cho 3 ha cà phê. “Mỗi năm, từ 3 ha cà phê và 7 sào chè, gia đình tôi thu về khoảng 250 triệu đồng”, già làng K’Tâm cho biết. Nêu gương già K’Tâm, nhiều hộ dân xã Lộc Bảo cũng đã mạnh dạn tái canh cà phê để một mặt tăng thu nhập cho gia đình và mặt khác góp phần xây dựng bon làng giàu mạnh.
“Chính sự gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy của các già làng: K’Đẹo, K’Ber, K’Khỏe, K’Tâm và nhiều già làng khác nữa đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”, ông Phan Trung Thành, Phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Bảo Lâm, nhận xét.
TRỊNH CHU