Người cựu chiến binh với vườn sầu riêng cao sản ở Mỹ Ðức

08:04, 16/04/2019

Là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Ðức, một xã vùng sâu của huyện Ðạ Tẻh, ông còn được biết đến là một nông dân cần cù chịu khó, là một trong những người tiên phong trong chuyển đổi cây trồng với gần 2 ha vườn trồng sầu riêng cao sản, thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Ðức, một xã vùng sâu của huyện Ðạ Tẻh, ông còn được biết đến là một nông dân cần cù chịu khó, là một trong những người tiên phong trong chuyển đổi cây trồng với gần 2 ha vườn trồng sầu riêng cao sản, thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
 
Ông Nguyễn Xuân Kim trong vườn sầu riêng cao sản của mình
Ông Nguyễn Xuân Kim trong vườn sầu riêng cao sản của mình
 
Đó là ông Nguyễn Xuân Kim, người Thôn 6, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Năm nay 56 tuổi (sinh năm 1963), ông Kim quê Hà Tây, cùng gia đình mình vào đây lập nghiệp từ năm 1987. 
 
Là một người lính về với đời thường, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, thôn xóm, của xã; hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Đức. Ông còn là một trong những nông dân đi đầu trong phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của xã vùng sâu này khi chuyển đổi vườn cà phê và vườn tạp của mình sang vườn cây ăn trái có giá trị.
 
“Ngày trước, như mọi người vườn quanh nhà tôi trồng đủ thứ cây, chủ yếu là cây ngắn ngày, bắp, đậu các thứ, ai trồng gì mình trồng nấy. Rồi mọi người trồng cà phê, tôi cũng trồng cà phê” - ông Kim vừa đưa chúng tôi thăm vườn nhà vừa kể. 
 
Theo ông Kim, cây cà phê tại xã Mỹ Đức này, có vẻ không hợp lắm, dù người dân nơi đây, trong đó có ông đã cố gắng hết sức. “Nước thì không thiếu, từ hồ Đạ Tẻh nước đưa qua kênh ra đây, dân Mỹ Đức chúng tôi đâu lo chuyện nước, phân bón cũng đầy đủ các loại nhưng không hiểu sao cà phê năng suất rất thấp” - ông Kim cho biết.
 
Thế là trong lúc mọi người xung quanh còn phân vân với chuyện tiếp tục có canh tác cà phê hay không, bỏ thì tiếc công sức đầu tư bấy lâu nhưng thay thế thì biết thay cây gì, thì ông Kim đã âm thầm đi tìm một hướng khác để đầu tư cho khu vườn của mình. 
 
Ông ra vùng Đạ Huoai tìm hiểu cách trồng cây sầu riêng cao sản, xuống Phương Lâm - Đồng Nai để học thêm kinh nghiệm chăm sóc loài cây khó tính này rồi theo sự hướng dẫn của nhiều người, ông xuống Chợ Lách - Tiền Giang tìm đến một đại lý uy tín để mua một số cây giống các loại sầu riêng cao sản về trồng. Đó là những năm 2008 - 2009, cách đây đã chừng chục năm. 
 
Ban đầu, ông Kim không mua nhiều, ông mua chừng 40 cây về trồng trong vườn. Thấy cây phát triển tốt, ông mở rộng diện tích dần dần lên 4 sào. Chăm sóc tốt, sau gần 4 năm vườn sầu riêng cao sản của ông đã bắt đầu cho lứa thu hoạch đầu tiên, năm đó ông thu gần 10 tấn, bán ra được một số tiền lớn.
 
Sau khi trừ chi phí, số tiền còn lại từ thu hoạch vườn được ông giữ lại với một ấp ủ: mua đất xung quanh để mở rộng vườn mình dần hằng năm. Làm theo cách này, trên 10 năm nay, từ khoảng 4 sào ban đầu nay ông đã mở rộng vườn mình ra đến hơn 2 ha, toàn bộ đều được trồng sầu riêng cao sản các loại, xen lẫn bưởi da xanh. 
 
Như trong vụ mùa năm vừa qua, chỉ tính sầu riêng thu trong vườn ông Kim đã bán được gần 600 triệu đồng, năm nay số tiền này sẽ không dừng ở đây vì đơn giản, do ông trồng dần nên ngày càng có nhiều cây hơn trong vườn ra trái, giá cả sầu riêng những năm gần đây lại tương đối ổn định.
 
“Mua bán bây giờ rất khỏe, đâu như ngày trước lo không biết bán ra sao, chứ bây giờ người buôn đến tận nhà đặt hàng mình, nhiều đại lý thu mua có uy tín, có hợp đồng hẳn hoi, đến mùa họ cho người đến hái, có xe mang đi, rất cẩn thận” - ông Kim cho biết.
 
Theo ông Kim, so với trồng cà phê, trồng điều thì thu nhập từ vườn cây ăn trái cao hơn rất nhiều. “Chỉ so với trồng bưởi da xanh thôi thì đã hơn hẳn cà phê và trồng điều rồi, còn với sầu riêng thì không so sánh được” - ông cười. Công chăm sóc vườn cây ăn trái cũng nhẹ nhàng, vấn đề theo ông là phải thường xuyên dạo vườn để thăm nom, khi thấy cây có điều gì khác lạ thì phải chữa trị ngay.
 
Với ông Kim, nông dân cần mẫn một nắng hai sương thôi chưa đủ mà lúc cần cũng nên mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng, chịu khó học hỏi, biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào công việc của mình thì mới hiệu quả được. 
 
Còn nỗi lo của nông dân cũng rất nhiều. Đó là chuyện được mùa mất giá, chuyện thời tiết thất thường, mưa bão làm đổ gãy cây, rụng trái. Nhưng với ông Kim, lo nhất là chuyện mua trúng cây giống “trời ơi” và phân bón giả. “Cây thì tin họ mà mua, trồng đến vài năm sau không nên công chuyện gì thì quả là buồn. Phân bón giả cũng là một nỗi ám ảnh vì lỡ mua trúng bón vào chết cây”. Ông có kinh nghiệm là nên mua cây giống và phân bón tại một đại lý uy tín mà mình và nhiều người tin tưởng.
 
Không chỉ chăm lo vườn mình, ông Kim cho biết còn tích cực vận động cộng đồng dân cư quanh nơi mình sống và người dân trong xã cùng tham gia chuyển đổi cây trồng như mình. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đưa mọi người đến tham quan vườn mình. Điều đáng mừng, đến nay, tại thôn ông và trong xã Mỹ Đức đã xuất hiện không ít những mô hình chuyển đổi từ cây ít có giá trị sang trồng vườn cây ăn trái cao sản. 
 
Riêng với ông Kim, ông đang lên kế hoạch mua thêm 1 ha đất để mở rộng diện tích vườn sầu riêng của mình từ tiền thu hoạch vườn trong vụ mùa năm nay.
 
GIA KHÁNH