Nghị lực vượt khó của một người khuyết tật

07:04, 22/04/2019

Vẫn biết rằng số phận không mỉm cười với những người khuyết tật, nhưng với ý chí không chấp nhận số phận họ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, nuôi sống bản thân và gia đình, trở thành người sống có ích cho xã hội. Một trong những tấm gương như vậy là anh Ngô Văn Tâm (SN 1974), ở đường Ðống Ða, Phường 3, TP Ðà Lạt.

Vẫn biết rằng số phận không mỉm cười với những người khuyết tật, nhưng với ý chí không chấp nhận số phận họ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế, nuôi sống bản thân và gia đình, trở thành người sống có ích cho xã hội. Một trong những tấm gương như vậy là anh Ngô Văn Tâm (SN 1974), ở đường Ðống Ða, Phường 3, TP Ðà Lạt.
 
Anh Tâm trong vườn sen đá của gia đình
Anh Tâm trong vườn sen đá của gia đình
 
Được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em, lúc mới sinh anh Tâm vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng khi gần 1 tuổi, anh bị sốt bại liệt, teo liệt hai chân nên không thể đi đứng vững như người bình thường. Người nhà của anh đã đưa anh đi nhiều bệnh viện trong, ngoài tỉnh khám chữa trị, nhưng không khỏi, mọi sinh hoạt phải nhờ người thân giúp đỡ. Năm 1990, anh vào Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ bại liệt ở TP Hồ Chí Minh mổ, làm nẹp đi bằng nạng, nhưng việc đi lại vẫn rất khó khăn nên anh chỉ học hết lớp 8 rồi nghỉ học, ở nhà phụ giúp việc với cha mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống. 
 
Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng anh không đầu hàng với số phận, vẫn nỗ lực vươn lên, tìm tòi, học nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Anh bắt đầu từ những công việc khác nhau, như: chăn nuôi, trồng trọt, làm vườn, sửa xe máy… Không những thế, anh còn luyện tập thể thao để tham gia Hội thao người khuyết tật tỉnh và tham gia Đội văn nghệ của Hội Người khuyết tật Lâm Đồng gây quỹ giúp đỡ nhiều người khuyết tật mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
 
Có khoảng 2.000 m2 đất nông nghiệp ở gần đường Đống Đa, Phường 3, gia đình anh đã tổ chức trồng cây sen đá và nhiều loại cây cảnh khác. Cây sen đá nhập giống từ Trung Quốc, Đài Loan, gồm nhiều chủng loại khác nhau như: sen ruby, sen phật bà, sen viền đỏ, sen viền hồng, sen sô cô la, sen đế vương, sen thơm, sen tứ phương, sen xà lách… với nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau. Do thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt nên cây sen đá phát triển rất tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Anh Tâm cho biết, để trồng cây sen đá có hiệu quả cao, gia đình anh đã đầu tư làm nhà lưới, nhà kính và sử dụng các nguyên liệu sạch như sơ dừa, tro trấu trộn vào đất xốp cùng phân vi sinh cho vào các chậu nuôi dưỡng sen đá.
 
“Cây sen đá có hình dạng thân mọng, lá nhỏ, thích nghi trong môi trường ít nước. Sen đá được trồng trong nhà kính giâm đọt hoặc gieo trồng bằng lá, hái lá ở phần gốc của cây lớn, già đem phơi khoảng vài ba ngày cho khô các vết cắt rồi gieo lá xuống đất ở những nơi có bóng râm. Hằng ngày, phải tưới nước bằng cách phun sương chỉ giữ ẩm chứ không làm cho lá ướt, để tránh bị úng. Khoảng vài ngày sau thì lá nảy mầm và nứt lên nhiều cây con. Khi cây con lên cao khoảng 2 - 3 cm thì chiết ra cho vào chậu có lỗ thoát nước đã chuẩn bị sẵn và tưới nước bằng béc. Khoảng 5 tháng trở lên, cây sen đá trưởng thành ra hoa, rồi mới cho thu hoạch. Cây sen đá càng lớn thì giá thành càng cao”, anh Tâm không ngần ngại chia sẻ về cách nhân giống cây sen đá.
 
Về giá thành cây sen đá được bán ra thị trường hiện nay, một chậu sen đá giá từ 20 - 80 ngàn đồng, tùy vào chậu lớn nhỏ. Một sào trồng được 50 ngàn chậu, làm quanh năm trong nhà kính. Những ngày lễ, tết, cây sen đá nhà vườn anh Tâm không đủ cung cấp ra thị trường. Bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất ra hàng trăm ngàn chậu sen đá, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các loài cây cảnh khác (Trùng búp, Đỗ quyên, Quỳnh anh, Nhất chi mai…) cũng giúp cho gia đình anh Tâm thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sen đá và các loại cây cảnh khác của gia đình anh Tâm chủ yếu ở Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Tháp.
 
Công việc hàng ngày của anh Tâm chủ yếu là làm cỏ, bón phân, tưới nước, cắt lá uốn cành cây cảnh, đóng chở hàng ra chợ Đà Lạt cho người nhà bán… Tuy vất vả và bận bịu nhiều, nhưng với sự động viên của gia đình, người thân, bạn bè và nỗ lực lớn của bản thân, nên mọi công đoạn trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch sen đá cũng như các loại cây cảnh khác luôn được anh Tâm hoàn thành một cách trọn vẹn. Điều đáng qúy ở anh Tâm là ngoài việc làm kinh tế giỏi cho gia đình, anh còn nhiệt tình hướng dẫn mọi người kỹ thuật trồng sen đá và cây cảnh. Đặc biệt, anh còn sẵn sàng giúp những người khó khăn thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Không những thế, gia đình anh Tâm còn tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức lương ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
 
Ông Trần Mạnh Thu - Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng có khoảng 84.000 người khuyết tật. Đa phần trong số họ gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng nếu biết noi gương anh Ngô Văn Tâm nỗ lực vượt lên chính mình thì rất đáng quý.
 
HUỲNH NGỌC MINH