Bây giờ, cộng đồng đã hiểu hơn về người khuyết tật nhưng để người khuyết tật thật sự hòa nhập với xã hội, rất cần sự hỗ trợ tích cực, chia sẻ nhiều hơn nữa từ phía cộng đồng. Bà Vũ Thị Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Bảo Lộc, đã nói như vậy tại Lễ kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam vừa được Hội Người khuyết tật thành phố Bảo Lộc tổ chức.
Bây giờ, cộng đồng đã hiểu hơn về người khuyết tật nhưng để người khuyết tật thật sự hòa nhập với xã hội, rất cần sự hỗ trợ tích cực, chia sẻ nhiều hơn nữa từ phía cộng đồng. Bà Vũ Thị Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Bảo Lộc, đã nói như vậy tại Lễ kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam vừa được Hội Người khuyết tật thành phố Bảo Lộc tổ chức.
|
Người khuyết tật rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng |
Tuy vẫn được pháp luật bảo vệ quyền được sinh hoạt, học tập và vui chơi giải trí như bao người khác, nhưng trên thực tế người khuyết tật gặp không ít rào cản. Bà Bùi Xuân Thy Phụng, Hội Người khuyết tật thành phố Bảo Lộc, nêu rõ: “Ví dụ, nhiều phương tiện công cộng như xe buýt chẳng hạn vẫn chưa có hệ thống bến đỗ, bàn trượt dành cho người khuyết tật. Một số công viên và trụ sở cơ quan Nhà nước, ngân hàng... thiết kế lối đi bằng bậc tam cấp quá cao, lại không có tay vịn nên người khuyết tật rất khó tiếp cận”.
Chia sẻ với những khó khăn mà người khuyết tật đang gặp phải, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng, kể rằng: “Ở Hội Người khuyết tật huyện Đức Trọng, có một hội viên bán vé máy bay. Nghề này, phải thường xuyên giao dịch với ngân hàng. Nhưng khi hội viên này chạy xe lăn đến ngân hàng thì cũng chỉ ngồi đợi ở ngoài sân, rồi nhờ nhân viên ngân hàng mang tiền vào nộp, sau đó mang giấy tờ quay trở lại cho hội viên này ký, vì bậc cấp của lối vào ngân hàng quá cao không thể vào bên trong được. Thế rồi, chúng tôi nảy ra sáng kiến, cứ mỗi lần hội viên này đến ngân hàng để tiến hành các giao dịch, chúng tôi gọi điện nhờ các anh, chị phóng viên báo, đài đến quay phim, chụp hình, với mục đích làm cho mọi người hiểu được sự vất vả của người khuyết tật khi tiếp cận các công trình công cộng để người khuyết tật được đối xử công bằng hơn”, bà Hạnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển, thì đó là một cách làm hay để mọi người hiểu và ủng hộ người khuyết tật nhiều hơn, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách, giúp người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống. Đó cũng là quan điểm của ông Đinh Công Huyện, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội thành phố Bảo Lộc. Theo ông Huyện, đối với các công trình công cộng, cộng đồng người khuyết tật có quyền giám sát, nếu thấy trong thiết kế và thi công có sự bất cập, gây khó khăn cho người khuyết tật tiếp cận công trình công cộng này thì nên kiến nghị để được các cấp lãnh đạo chú ý, quan tâm hơn và điều chỉnh cho phù hợp.
Rõ ràng, để rút ngắn khoảng cách giữa người khuyết tật và cộng đồng, tự thân nỗ lực của người khuyết tật là chưa đủ, mà còn rất cần cộng đồng tạo cơ hội bằng sự quan tâm, chia sẻ.
TRỊNH CHU