Người viết sử ở K'Minh

08:04, 25/04/2019

Buôn K'Minh (thị trấn Di Linh - huyện Di Linh), nay đổi thành tổ dân phố, nhưng người K'Ho Srê nơi đây vẫn thích gọi đất ông cha thuở nào bằng cái tên buôn bình dị để những ký ức không trở thành xa lạ. Từ những ngày con chữ chưa tìm về với nhiều buôn làng khác, trẻ con K'Minh đã rủ nhau chân đất tới trường và cũng từ rất lâu rồi, lớp cháu con lớn lên lấy bằng cử nhân cũng nhiều như cà phê chín đỏ trong mùa được trái...

Buôn K’Minh (thị trấn Di Linh - huyện Di Linh), nay đổi thành tổ dân phố, nhưng người K’Ho Srê nơi đây vẫn thích gọi đất ông cha thuở nào bằng cái tên buôn bình dị để những ký ức không trở thành xa lạ. Từ những ngày con chữ chưa tìm về với nhiều buôn làng khác, trẻ con K’Minh đã rủ nhau chân đất tới trường và cũng từ rất lâu rồi, lớp cháu con lớn lên lấy bằng cử nhân cũng nhiều như cà phê chín đỏ trong mùa được trái...

 

Già K’Broh.
Già K’Broh.
K’Minh là đất học của người K’Ho phía Nam Tây Nguyên, không quá hay hồ đồ để buông lời nhận định. Nhưng mấy ai biết rằng (kể cả lũ trẻ cái bụng chứa đầy chữ ở đây), đất ấy vốn lại là nơi đàn trâu tìm về trong mùa lánh dịch.
 
“Lời người già trong buôn kể lại: Năm ấy trâu chết nhiều lắm, già K’Minh mới lùa đàn trâu hàng trăm con của mình về đây tránh dịch. Ông quây lán, làm chuồng, dựng lều trú tạm, đợi hết mùa dịch lại tìm về buôn cũ. Ở mãi thấy đất tốt, uống nước thấy lành cái bụng, ông quyết định dừng chân gieo hạt bắp hạt lúa, mọi người cũng vác gùi, bế bồng con cháu theo ông về đất dựng buôn. K’Minh thành tên từ đó”.
 
Trong căn nhà cũ, bằng những câu chuyện không dễ để sắp xếp theo chương hồi và cả những sự được mất của nhớ quên, già K’Broh bắt đầu với chúng tôi bằng những câu chuyện kể về K’Minh, về ngọn núi Brayang, về vùng đất Djiring (tên gọi cũ của Di Linh) màu mỡ đầy huyền thoại. Còn chúng tôi lại muốn bắt đầu câu chuyện về ông, bằng lăng kính từng trải để quá khứ không bị bụi thời gian phủ mờ và thực tại tươi sáng với nhiều hy vọng về tương lai của một vùng đất thấm đẫm tình người.
 
Từ thầy giáo gõ đầu trẻ đến ông chủ tịch xã 
 
Hỏi ông, còn nhớ hết tên những học trò của mình khi mới về K’Minh đứng lớp không? Ông cười hiền, đứa nhớ, đứa không!
 
Học hết trung học ở Đà Lạt, năm 1964, K’Broh được tuyển thẳng vào khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Sư phạm Lâm Đồng, một khóa đào tạo ngắn hạn với mục đích tăng cường dạy chữ cho các ấp tân sinh. Từ lúc ấy, số phận đã gắn K’Broh với mảnh đất nơi mình sinh ra như một định mệnh. 
 
Ông thầy K’Broh, như cái cách người K’Minh vẫn gọi ông bằng sự gần gũi nhưng đầy tôn trọng và yêu quý không kể nhiều về mình, nhưng chúng tôi biết hoài niệm về một thời trai trẻ trong ông là ngập tràn những ký ức đẹp đẽ.
 
Chẳng cần lấy mốc thời gian để ấn định hay cân đo sự thăng tiến của một con người, bởi ông không cần sự rạch ròi thiếu cảm xúc đến vậy. “Sau giải phóng, thấy tôi còn trẻ, lại năng nổ, được nhiều người quý mến, nên xã kéo về làm công tác văn hóa thông tin. Là người bản địa, tôi hiểu tiếng nói của bà con, biết tập tục của bà con, nên suốt quãng thời gian ấy công việc chính của tôi là vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu, tập trung vận động bà con sản xuất, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ...”. Đơn giản về quãng thời gian ấy với ông, nếu có gặng hỏi chắc cũng không quá vài dòng ghi chép.
 
Chắc biết vì nguyên cớ gì, trong câu chuyện về vấn đề nhất thể hóa các chức danh bí thư - chủ tịch ở các xã, ông mới cười đùa: Mình là người làm bí thư kiêm chủ tịch đầu tiên của xã Gung Ré (huyện Di Linh) đấy. Và rồi cũng trong lan man câu chuyện, chúng tôi cũng biết thêm một phần, khi ông về huyện đảm nhiệm các chức vụ ở Mặt trận Tổ quốc và Ban Dân vận thì cả Huyện ủy Di Linh chưa có cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Về hưu sớm vài năm vì sức khỏe yếu, nhưng lịch trình hoạt động của ông lại dày hơn, bởi sự trăn trở với mảnh đất mình sinh ra và chức phận “làm thầy” chưa bao giờ ngủ quên trong ông.
 
“Ðừng hại K’Broh vì nó là đứa được bà con thương”
 
Đấy là chỉ đạo của K’Đêm - Trung tá Chỉ huy trưởng của lực lượng phản động Fulro tại Di Linh (Lâm Đồng) khi rất nhiều toán Fulro có hành động tập kích cán bộ của ta.
 
Ông kể, mình có làm hại gì dân mình đâu mà phải sợ. “Tôi, một mình tới chỗ trú ẩn của K’Đêm, uống rượu cùng K’Đêm và anh em lạc bước theo Fulro. Nói thiệt hơn bằng cái tâm của mình nên K’Đêm và lính tráng ẩn náu trong rừng ra hàng thế thôi”. Cũng theo ông thì rất nhiều cấp tá, cấp úy của lực lượng này đã ra hàng bằng sự thuyết phục của ông.
 
Có lẽ chẳng cần phải dẫn chứng nhiều, bởi cứ đến lễ tết hàng năm, theo thông lệ, anh em Công an Di Linh, rất nhiều thế hệ, đã đến thăm ông như một lời tri ân bởi sự chung vai, sát cánh của ông trong những ngày khó khăn ấy.
 
Chúng tôi cứ cân nhắc mãi, không biết có phải quá không khi gọi ông là bậc hiền nhân của đất K’Minh. Hẳn là quá rồi, nếu cứ hiểu theo nghĩa ấy phải dành cho các bậc tài trí hơn người, lưu danh sử sách. Nhưng nhỏ lại, không cần phải xét nét “đao to búa lớn”, chỉ ở phạm vi K’Minh - ở làng cử nhân kia thì chắc không đến nỗi bị quá nhiều người phản bác. Đặc biệt là với người dân ở đây!
 
Thời gian gần đây, cuốn sách ông làm bạn nhiều nhất, chính là cuốn từ điển tiếng K’Ho do linh mục Jean Cassign biên soạn. Bàn làm việc nhỏ kiêm bàn uống ước, tiếp khách của ông la liệt những mảnh giấy trắng ghi chép rất nhiều câu giáo lý bằng chữ viết rất đẹp của ông. “Mình đang cùng linh mục Nguyễn Viết Đoàn và linh mục Phạm Văn Sơn dịch giáo lý sang tiếng K’Ho. Đã cơ bản xong và vẫn đang tiếp tục hoàn thiện”.
 
Câu chuyện dịch giáo lý sang tiếng K’Ho để cho bà con dễ học thuộc và dễ tiếp thu những giá trị đạo đức để sống, để “tốt đời đẹp đạo” lại nhắc nhớ chúng tôi trở về quãng thời gian hơn 10 năm về trước. 
 
Là một tỉnh miền núi, với rất nhiều vùng đất có sự sinh sống của người dân bản địa, nên Tỉnh ủy có chủ trương mở ra những lớp học tiếng K’Ho để cán bộ các ngành, ban, địa phương, cơ sở có cơ hội tiếp xúc, từ đó dễ dàng chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Ông chính là một trong 3 người (cùng với thầy K’Brit và thầy K’Sói) đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp biên soạn giáo trình chuẩn tiếng K’Ho cho cán bộ trong tỉnh theo học.
 
Điềm đạm và thông tuệ, ông đã gần như dành trọn vẹn tất cả trí lực của mình trong chức phận làm thầy. Ông nói, nghề nào cũng có vui buồn, cũng có ước mong, nhưng giá trị làm người luôn phải được xây dựng từ những điều tốt đẹp. 
 
Có một chút thoáng buồn, bởi ông chia sẻ quỹ thời gian của mình không còn nhiều, mà ông thì muốn làm nhiều điều lắm. Mong muốn gần nhất có lẽ là cuốn sách ông đang trong quá trình viết sớm được hoàn thành và xuất bản. Một cuốn sách về những tập tục văn hóa, về những nghi lễ thờ cúng, về những truyền thuyết, tín ngưỡng của người K’Ho Srê (K’Ho làm ruộng) do ông sưu tầm được viết bằng hai thứ tiếng, Việt và K’Ho.
 
Chẳng biết vô tình hay sắp đặt, nhưng trong những người con của ông, có một người là phóng viên của một tờ báo tại địa phương, người bây giờ cũng được ông gửi gắm và đang học hỏi đồng thời giúp ông rất nhiều trong công việc dịch thuật. Người còn lại theo ngành Y, đang giữ cương vị là Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông. Một người chữa bệnh cứu người, một người tiếp bước đam mê của ông, như những gì ông mong ước từ thuở còn niên thiếu.
 
K’Minh của bây giờ cử nhân nhiều lắm, nhưng chẳng biết có ai trong số ấy còn nhớ về cội nguồn của mảnh đất nơi đàn trâu tìm về, của vùng đất người K’Ho làm ruộng… Và sau này, có còn ai cần mẫn gần như dành cả cuộc đời để ghi chép, để thương nhớ K’Minh đến vậy không.
Chờ một tiếng reo từ điện thoại, bởi ông chắc chắn sẽ gọi cho chúng tôi, sớm thôi khi cuốn sử nhỏ về thôn K’Minh được hoàn thiện.
 
Ký chân dung: TUẤN LINH - CHÍNH THÀNH