Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Ðồng, hiện nay diện tích cây trồng toàn tỉnh được tưới trên 160.000 ha, đạt 62% so với tổng diện tích gieo trồng cần tưới. Trong đó, diện tích được tưới từ 430 công trình thủy lợi với khoảng 58.000 ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Ðồng, hiện nay diện tích cây trồng toàn tỉnh được tưới trên 160.000 ha, đạt 62% so với tổng diện tích gieo trồng cần tưới. Trong đó, diện tích được tưới từ 430 công trình thủy lợi với khoảng 58.000 ha. Lâm Ðồng cũng là tỉnh có diện tích nông nghiệp, cây công nghiệp dài ngày lớn tại Tây Nguyên, tuy nhiên, thực trạng một số công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp dẫn đến nguy cơ thiếu nước trên diện rộng.
|
Các hồ nước của người dân huyện Di Linh đã cạn kiệt |
Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, “khát” nước trên diện rộng
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 430 công trình thủy lợi bao gồm: 220 hồ chứa nước, 87 đập dâng, 92 đập tạm, 19 trạm bơm tưới.
Qua kiểm tra và báo cáo từ các địa phương, hiện có trên 40 công trình có nguy cơ mất an toàn, trong đó có 9 công trình bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn cao; 15 công trình bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; 13 hồ chứa xuống cấp, bồi lắng ảnh hưởng đến sản xuất và 7 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng tới nhiệm vụ công trình.
Tổng diện tích các loại cây trồng được tưới đạt trên 160.000 ha, đạt 62% diện tích gieo trồng cần tưới; trong đó có khoảng 58.000 ha gieo trồng được tưới từ công trình thủy lợi. Diện tích tưới tiết kiệm 28.000 ha, đạt 10% diện tích canh tác (mục tiêu đến năm 2020 là đạt 45.000 ha). Trong đó có các công trình hồ chứa nước Đạ Sị: Hiện đang tích cực triển khai các hạng mục công việc để chuẩn bị đầu tư xây dựng; hồ chứa nước Đạ Lây: đã thực hiện phần đền bù, giải phóng mặt bằng khu đầu mối, bãi vật liệu, lòng hồ từ cao trình 149,6 m trở xuống và đường thi công.
Ngoài ra, Đề án hỗ trợ và phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ năm 2018 được bố trí kinh phí thực hiện 10 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2018 các địa phương thực hiện giải ngân trên 90% kinh phí được giao.
Ðầu tư hạ tầng thủy lợi
Theo ông Nguyễn Văn Huề - Chi cục phó Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Do biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, môt số hồ chứa bị bồi lắng, can kiệt nguồn nước, mực nước trong hồ có nguy cơ xuống dưới mực nước chết cần phải bơm nước chống hạn, nhiều kênh mương bị bồi lắng, hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp dẫn đến nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi trong mùa khô năm 2019 và những năm tiếp theo.
“Cho đến giữa tháng 3/2019, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh như hồ Đạ Tẻh, hồ Ka La (huyện Di Linh), hồ Đắk Nông Thượng (huyện Bảo Lâm) đã đáp ứng nhu cầu tưới của các vùng lân cận. Ngoài ra, tại một số huyện như Lạc Dương, Di Linh, Bảo Lâm đã có mưa. Giải pháp chống hạn lâu dài, đơn vị và tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chương trình chống hạn như: hỗ trợ kinh phí đào ao hồ nhỏ, nâng cấp hồ, đập công trình thủy lợi, hỗ trợ tiền dầu cho nông dân…” - ông Nguyễn Văn Huề cho biết thêm.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán vụ Đông xuân năm 2018 - 2019 và cả năm 2019. Theo đó, ngành đã đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, cân đối khả năng cung cấp nước tại các sông, ao, hồ, các công trình thủy lợi trên địa bàn để dự báo, đánh giá về khu vực, diện tích, số hộ có khả năng xảy ra thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch chống hạn, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nguồn nước hiện có; chuẩn bị nhân lực, phương tiện vật tư, máy móc phục vụ công tác chống hạn.
Trong năm qua, tình hình hạn hán diễn ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Để ứng phó với tình hình hạn hán, theo đó, năm 2018, tổng số lượng ao, hồ nhỏ đã đào được là 584 ao, hồ với khối lượng đất đào khoảng 1,5 triệu mét khối, diện tích phục vụ tăng thêm gần 2.800 ha. Hiện tại, các địa phương, đơn vị đang triển khai thực hiện các hạng mục công trình chống hạn; phát huy hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị UBND tỉnh xem xét trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hỗ trợ kinh phí chống hạn cho tỉnh Lâm Đồng, cụ thể như sau: Kinh phí phòng, chống hạn năm 2019 là 53 tỷ đồng, trong đó, kinh phí nạo vét chống hạn là 42 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ đào ao, hồ nhỏ là 10 tỷ đồng.
ÐẶNG TUẤN