Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa khảo sát thực tế tại Lâm Ðồng để đánh giá về tình hình thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông. Và một hội thảo cùng chủ đề này đã được Trung ương Hội tổ chức tại Hội LHPN tỉnh, trong đó có tham luận của Hội LHPN huyện Ðam Rông ghi nhận bước chuyển biến qua 15 năm thực hiện công tác này tại địa phương.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa khảo sát thực tế tại Lâm Ðồng để đánh giá về tình hình thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông. Và một hội thảo cùng chủ đề này đã được Trung ương Hội tổ chức tại Hội LHPN tỉnh, trong đó có tham luận của Hội LHPN huyện Ðam Rông ghi nhận bước chuyển biến qua 15 năm thực hiện công tác này tại địa phương.
|
Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh và huyện Đam Rông trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó trong huyện. |
Huyện Đam Rông được thành lập cuối năm 2004, đến nay dân số toàn huyện là 12.143 hộ với 51.165 khẩu, hầu hết là người đồng bào DTTS với 8.807 hộ, 38.099 khẩu, trong đó đồng bào Mông với 827 hộ, 4.567 khẩu và có 259 hội viên phụ nữ. Dân tộc Mông sinh sống và lao động trên địa bàn huyện chủ yếu từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào địa phương trước khi thành lập huyện, cư trú trên địa bàn các xã Rô Men, Phi Liêng và Liêng Srônh.
Ngay sau khi thành lập huyện, Hội LHPN huyện Đam Rông đã cùng với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người Mông với các nội dung thiết thực như: Luật Phòng chống buôn bán người, Luật Hộ tịch, Luật Giao thông đường bộ... Phổ biến các chủ trương, chính sách như: chính sách dân tộc, đồng bào thiểu số tham gia xây dựng nông thôn mới, thu giữ vật liệu nổ trái phép... Đặc biệt, tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, sự nhẹ dạ của người dân để truyền đạo trái phép, buôn bán ma túy... Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp hội viên phụ nữ người Mông nói riêng và đồng bào dân tộc Mông tại địa phương nói chung nâng cao ý thức cảnh giác, hiểu biết pháp luật, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hội về nghiệp vụ công tác Hội, các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo. Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ Hội cơ sở nắm bắt kịp thời các chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước và tổ chức tuyên truyền tại cơ sở hiệu quả, đến được đông đảo người dân.
Nhằm nâng cao đời sống về kinh tế, văn hóa, xã hội cho bà con người Mông, Hội LHPN huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm giúp cho đồng bào dân tộc Mông ổn định cuộc sống tại địa phương. Những năm qua, huyện luôn quan tâm giải quyết đất ở, đất sản xuất, xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà ở, nhà văn hóa...; qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Mông ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Cùng với việc phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và Nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cho con em đến trường, khi có bệnh phải đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Hiện nay, toàn huyện Đam Rông có tỷ lệ trẻ em người Mông 5 tuổi đi học mầm non đạt 13,44%; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 80%; số học sinh THCS và THPT là 118 em (toàn huyện có 1.066 học sinh người Mông ở cả 3 cấp học). Bên cạnh đó, ngành Giáo dục của huyện tăng cường tổ chức các hoạt động học tập, phối hợp mở 2 lớp xóa mù chữ cho 148 đồng bào Mông tại khu Đạ M’Pô. Trong lĩnh vực văn hóa, Hội Phụ nữ huyện cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu văn nghệ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Mông... để đồng bào giao lưu, học hỏi thắt chặt tình đoàn kết, tạo sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục, phấn đấu xây dựng các bản Mông trở thành các bản làng văn hóa.
Hội LHPN từ huyện đến cơ sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình trong vùng đồng bào dân tộc Mông tại địa phương, đến nay đã xây dựng được các mô hình bảo vệ môi trường và “3 không” (không hút thuốc lá, không uống rượu, không tệ nạn xã hội) tại Thôn 5 - xã Rô Men. Việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân nói chung và đồng bào người Mông nói riêng luôn được quan tâm, mỗi bản đồng bào dân tộc Mông có 1 cán bộ y tế thôn bản phụ trách việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; 100% đồng bào dân tộc Mông được cấp thẻ bảo hiểm y tế; chú trọng triển khai các đợt truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng đến tận thôn bản, nhờ đó, nhận thức của đồng bào Mông về phòng bệnh, phòng dịch, vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.
An ninh trật tự được đảm bảo là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như huyện Đam Rông. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong huyện đã tăng cường nắm bắt địa bàn, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cảnh giác cho người dân; tích cực vận động người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Vận động đồng bào định canh, định cư, ổn định cuộc sống, tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh; thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người có uy tín, coi đây là những ngọn cờ trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cùng với các lực lượng chức năng, lực lượng hội viên phụ nữ nòng cốt tại địa phương đã làm tốt việc nắm bắt tình hình tại cơ sở, nhờ đó, công tác quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc Mông tiếp tục được củng cố và giữ vững.
Việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng dân tộc Mông luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện không có thôn trắng đảng viên, có 6 đảng viên là người dân tộc Mông. Thực hiện chủ trương “Ở đâu có phụ nữ ở đó có hội viên”, hiện nay, Hội LHPN huyện có 2 chi hội phụ nữ có 100% hội viên là người dân tộc Mông, toàn huyện có 259 hội viên là người dân tộc Mông, chủ yếu tập trung ở xã Rô Men, Liêng Srônh và Phi Liêng.
Qua 15 năm thành lập huyện và triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 cùng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Đam Rông; đời sống của dân tộc Mông và chị em phụ nữ người Mông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, bộ mặt khu dân cư có nhiều thay đổi và khởi sắc; tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm; một bộ phận đồng bào dân tộc Mông xóa được nhà tạm, nhà dột nát, có đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt, từng bước cải thiện nơi ở, ổn định sản xuất và đời sống; bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn, phát huy.
AN NHIÊN