Trong 7 năm qua, Ðơn Dương là huyện tiên phong trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng thực hiện hình thức chi trả tiền chính sách tận nhà cho đối tượng người có công với cách mạng. Hình thức này không chỉ mang lại sự thuận tiện cho người dân, mà còn tạo sự gần gũi và gắn kết giữa người nhận và cơ quan quản lý.
Trong 7 năm qua, Ðơn Dương là huyện tiên phong trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng thực hiện hình thức chi trả tiền chính sách tận nhà cho đối tượng người có công với cách mạng. Hình thức này không chỉ mang lại sự thuận tiện cho người dân, mà còn tạo sự gần gũi và gắn kết giữa người nhận và cơ quan quản lý.
Đều đặn hằng tháng, cán bộ của Phòng LĐTBXH vẫn đến tận nhà để phát lương |
Đều đặn mỗi tháng, cứ đến ngày 5 là ông Trần Minh Quang (71 tuổi, xã Quảng Lập) lại canh giờ ở nhà để cán bộ Phòng Lao Động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện đến chi trả tiền chính sách. Trước đây, ông phải đến UBND xã để đợi nhận tiền. Già yếu và không biết đi xe nên mỗi tháng một lần, ông đều phải nhờ con, cháu chở đi, đợi có khi cả buổi mới đến lượt nhận tiền. Giờ thì ông chỉ việc ở nhà, ký tên và nhận tiền, vừa thuận tiện, vừa có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với các cán bộ Phòng LĐTBXH huyện.
Cũng như ông Quang, người dân trên địa bàn huyện Đơn Dương đã không còn xa lạ với hình ảnh các cán bộ Phòng LĐTBXH đến tận nhà để phát lương cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Hình thức chi trả tận nhà tiền chính sách hàng tháng đã được huyện Đơn Dương triển khai từ năm 2012, thay cho việc chi trả ở xã như trước đây. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Đơn Dương: “Các đối tượng được hưởng chính sách phần lớn là người già, yếu hoặc bệnh tật, việc chi trả tại UBND có thể gây khó khăn cho người dân. Chính vì vậy, việc thực hiện phương pháp chi trả tận nhà sẽ đảm bảo được tính khách quan trong việc soát xét, không bỏ sót, nhầm lẫn đối tượng, cách thức chi trả cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng kịp thời”.
Hiện, Phòng LĐTBXH huyện Đơn Dương có 4 cán bộ và mỗi người sẽ chịu trách nhiệm chi trả tiền chính sách cho 2 đến 3 xã.
Ðều đặn hằng tháng, các cán bộ Phòng lại cần mẫn đến tận từng nhà để phát lương cho các đối tượng được thụ hưởng.
Chị Nguyễn Thị Ta Sa - chuyên viên Phòng LĐTBXH huyện Đơn Dương tâm sự: “Thời gian đầu, chúng tôi khá lo ngại vì mỗi người phải phụ trách 2 xã nên địa bàn khá rộng, mình phải tranh thủ giờ người dân nghỉ mới có thể gặp được. Có những nhà phải đến tận lần thứ 4 hoặc phải đi buổi tối mới có thể gặp được”.
Gặp gỡ, tâm sự hàng tháng, bây giờ chị Sa đã quen với cả những thành viên khác trong gia đình của các đối tượng được hưởng chính sách. Chị nắm rõ hoàn cảnh của từng nhà, người này bị bệnh gì, người kia còn những khó khăn ra sao. Thế nên, chị chia sẻ rằng: “Tuy mất nhiều thời gian, nhưng sau một thời gian dài, việc làm này vừa trở thành tình cảm, vừa là trách nhiệm của mỗi cán bộ”.
Đến nay, công tác chi trả tận nhà cho người có công với cách mạng đã được thực hiện tại 10/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương. Tổng số tiền chi trả hàng tháng là trên 569 triệu đồng với số người được hưởng là 332 người.
Trong ngôi nhà nhỏ tại Tổ dân phố Nghĩa Lập 2, thị trấn Thạnh Mỹ, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi) phấn khởi đón các vị khách quen - là những cán bộ Phòng LĐTBXH. Bà vừa cười vừa nói: “Trước kia, khi tiền trợ cấp còn do xã cấp phát thì tôi vất vả lắm. Già rồi, chân tay cũng không nhanh nhẹn như lúc còn trẻ, đôi khi đầu óc cứ lúc nhớ lúc quên nên lên xã nhận tiền có khi quên giấy này, khi quên giấy nọ. Từ khi các anh chị đến tận nhà để phát lương, tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều mà cũng yên tâm hơn trước, lại có thể tâm sự, chia sẻ với các anh chị nhiều điều”.
Ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh thêm: “Nghiêm túc - Đúng - Đủ - Kịp thời là những tiêu chí được Phòng đặt lên hàng đầu trong công tác chi trả tận nhà cho đối tượng chính sách. Chính sự hài lòng và những phản hồi tích cực từ người dân trong thời gian qua là sự khẳng định rõ nhất những hiệu quả mà hình thức này mang lại. Đối với công sức mà các cán bộ trong Phòng bỏ ra thì tình cảm và sự yêu quý từ gia đình của các đối tượng cũng chính là sự đáp lại có ý nghĩa nhất”.
Bên cạnh việc chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, các hoạt động chăm sóc đời sống người có công cũng được Phòng LĐTBXH huyện Đơn Dương duy trì thường xuyên. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đều đã được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm. Nhờ vậy mà mức sống của các gia đình người có công trên địa bàn huyện Đơn Dương đều được duy trì ổn định.
T.T.HIỀN - V.QUỲNH