Chuyển biến ở làng Mông

07:05, 29/05/2019

Gần 15 năm kể từ ngày thành lập, việc ổn định và phát triển đời sống cho bà con dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Ðam Rông là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Qua15 năm, đã có những chuyển biến rõ rệt trong vùng đồng bào người Mông. Song, so với mặt bằng xã hội chung, khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn. Ðây vẫn luôn là nỗi trăn trở của Ðam Rông khi mà dòng người Mông di cư tự do vào mảnh đất này vẫn chưa dứt. 

Gần 15 năm kể từ ngày thành lập, việc ổn định và phát triển đời sống cho bà con dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào Ðam Rông là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Qua15 năm, đã có những chuyển biến rõ rệt trong vùng đồng bào người Mông. Song, so với mặt bằng xã hội chung, khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn. Ðây vẫn luôn là nỗi trăn trở của Ðam Rông khi mà dòng người Mông di cư tự do vào mảnh đất này vẫn chưa dứt. 
 
Nước sạch trong vùng đồng bào người Mông. Ảnh: H.My
Nước sạch trong vùng đồng bào người Mông. Ảnh: H.My
 
Dân số Đam Rông đến thời điểm hiện tại có trên 12 ngàn hộ với trên 51 ngàn khẩu, trong đó có trên 74% là bà con DTTS. Đồng bào Mông có 827 hộ/trên 4,5 ngàn khẩu, chủ yếu là người Mông đỏ từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào. 
 
Xác định công tác dân tộc nói chung và đối với bà con người Mông nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, thời gian qua, Huyện ủy Đam Rông đã quán triệt nội dung này đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản để có những chỉ đạo sát với tình hình thực tế. Theo đó, Đam Rông đã tập trung thực hiện một số nội dung trọng yếu như: quy hoạch ổn định dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng…
 
 Sau khi có chủ trương của tỉnh, Đam Rông đã xây dựng các khu vực định canh, định cư cho bà con tại 3 điểm tập trung và 1 điểm xen ghép trên địa bàn 3 xã: Phi Liêng, Liêng Srônh và Rô Men. Sắp xếp ổn định cho 538 hộ/2.753 khẩu dân di cư tự do. Đến nay, đường sá vào các khu vực này đã thuận lợi hơn; hệ thống điện lưới, nước sạch, điểm bưu điện văn hóa đã có để phục vụ nhu cầu đời sống bà con; 100% bà con người Mông được cấp thẻ BHYT; 80% phòng, lớp học được kiên cố, 20% còn lại là bán kiên cố, đảm bảo cho trên 1 ngàn con em người Mông ở cả 3 cấp học được đến trường… 
 
Ông Mùa Pừ Sử, một người Mông sống ở thôn Đưng Glê, xã Phi Liêng nói: “Từ khi vào trong này trồng cà phê, trồng lúa, bà con mình không lo đói nữa. Ngoài Mù Cang Chải đất đai canh tác khan hiếm, bà con mình phải làm ruộng bậc thang, trồng bắp nên đói quanh năm”.
 
Liệt kê các tuyến đường đang được bê tông hóa trong khu vực làng Mông Đưng Glê, ông Đinh Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã Phi Liêng nhấn mạnh: “Để có được cơ sở hạ tầng điện, đường, trường như hiện nay ở khu vực làng Mông là có sự đầu tư rất lớn của Nhà nước cũng như việc sử dụng linh hoạt các nguồn vốn của địa phương. Ngoài ra, xã Phi Liêng còn tranh thủ các nguồn hỗ trợ để có thể đào giếng khoan, xây dựng sân thể thao… phục vụ nhu cầu đời sống bà con”.
 
Về phát triển kinh tế, những năm qua, Đam Rông chú trọng việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh đã giúp bà con có điều kiện đầu tư vào nông nghiệp, một số hộ đầu tư kinh doanh nhỏ. Tuy chưa thực sự lớn song đó đã là “điểm tựa” trong hành trình thoát nghèo của người dân. Đến thời điểm hiện tại, đã có 10 hộ người Mông ở Đưng Glê, xã Phi Liêng và 32 hộ ở khu Đạ M’Pô, xã Liêng Srônh được nhận giao khoán và bảo vệ rừng với diện tích 830 ha… Từ đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào người Mông đã được cải thiện rõ rệt, đời sống bà con dần được nâng lên, giảm dần các hủ tục. 
 
Song song với những nhiệm vụ trên, việc xây dựng hệ thống chính trị tại các khu vực có nhiều bà con người Mông cũng được Đam Rông chú trọng. Điều này nhằm xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền cơ sở - cánh tay nối dài của lãnh đạo huyện trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội trong vùng đồng bào người Mông. Từ thực tiễn những năm đầu mới thành lập huyện, tỷ lệ thôn “trắng” đảng viên trong khu vực bà con người Mông rất cao. Nhằm “xóa” thôn “trắng” đảng viên, các địa phương đã đẩy mạnh công tác phát triển đảng. Theo đó, từ năm 2005 đến nay đã kết nạp được 6 đảng viên người Mông. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ theo dõi, trực tiếp phụ trách cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ vậy mà từ 30 thôn không đủ điều kiện thành lập chi bộ, thông qua giải pháp phát triển đảng viên tại chỗ, đến năm 2014, Đam Rông đã xóa được tình trạng “trắng đảng viên”, “trắng chi bộ”. 
 
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, các tổ chức đoàn thể trong huyện cũng đã thường xuyên phát động các phong trào thi đua để tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, phát huy vai trò của người uy tín làm trung tâm đoàn kết, nhịp cầu nối ý Đảng, lòng dân, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
 
Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong vùng đồng bào người Mông. Hiện nay còn hơn 500 hộ với trên 2,7 ngàn khẩu đang sống ở những nơi hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, gần như tách biệt với bên ngoài. Họ chủ yếu phát nương làm rẫy, sống tự cung tự cấp. Phần lớn bà con người Mông hiện nay đang sinh sống trên đất lâm nghiệp thuộc rừng phòng hộ nên không được công nhận nơi cư trú hợp pháp. Mặt khác, việc sinh sống này gây ra rất nhiều khó khăn trong quản lý nhân khẩu, công tác quản lý, bảo vệ rừng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định TTATXH. Đặc biệt, việc dòng người Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào vẫn chưa dừng lại nên việc bố trí, ổn định và phát triển vùng dân cư này gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó đồng nghĩa với việc áp lực đặt lên huyện nghèo vẫn còn nặng nề. 
 
Những nhiệm vụ cụ thể nhằm ổn định và phát triển đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người Mông tại địa phương đã được lãnh đạo huyện Đam Rông xác định cụ thể. Với những nhiệm vụ cụ thể được xác định, cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc quyết liệt để tiếp tục hỗ trợ việc ổn định và phát triển vùng bà con người Mông.
 
HOÀNG MY