Còn sợi là còn dệt

08:05, 09/05/2019

Ðó là câu nói của bà Cơ Liêng Ka Pơng (70 tuổi, Tà Nung, TP Ðà Lạt) mỗi khi nhắc đến sự gắn bó từ rất lâu với nghề dệt thổ cẩm. Trong suốt 55 năm, bằng niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt, bà Ka Pơng không chỉ dệt, thêu nên những sản phẩm mang đậm nét văn hóa dân tộc mình mà còn "đi đầu" trong việc lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người K'Ho tại địa phương.

Ðó là câu nói của bà Cơ Liêng Ka Pơng (70 tuổi, Tà Nung, TP Ðà Lạt) mỗi khi nhắc đến sự gắn bó từ rất lâu với nghề dệt thổ cẩm. Trong suốt 55 năm, bằng niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt, bà Ka Pơng không chỉ dệt, thêu nên những sản phẩm mang đậm nét văn hóa dân tộc mình mà còn “đi đầu” trong việc lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho tại địa phương.
 
Đứa con tinh thần vẫn được bà Cơ Liêng Ka Pơng nâng niu, gìn giữ từng ngày. Ảnh: T.T.H
Đứa con tinh thần vẫn được bà Cơ Liêng Ka Pơng nâng niu, gìn giữ từng ngày. Ảnh: T.T.H
 
Cuộc sống gắn liền với thổ cẩm
 
Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp trở lại Tà Nung gặp gỡ và trò chuyện cùng bà Cơ Liêng Ka Pơng - là một trong số những già làng gắn bó với nghề dệt thổ cẩm từ thời thơ ấu. Sinh ra, lớn lên trong gia đình truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho tại Thôn 6, xã Tà Nung, từ nhỏ bà đã quen nghe tiếng kẽo kẹt thoi đưa từ khung cửi, bà kể rằng: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã tò mò, thích thú với hình ảnh các bà, các mẹ trong thôn ngày ngày ngồi bên khung dệt, miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những tấm vải thổ cẩm. Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu tập dệt, sau một thời gian, khi quen dần tôi cùng mẹ thường dệt nên những hình ảnh quen thuộc của người dân bản địa vì đối với chúng tôi đó là đời sống văn hóa tâm linh của người K’Ho”.
 
Vải thổ cẩm của người K’Ho có nét riêng so với các vùng khác. Những tấm vải thổ cẩm K’Ho không quá nhiều màu sắc và không quá cầu kỳ, họa tiết đơn sơ, mộc mạc, thể hiện đúng bản chất con người K’Ho chân chất, gần gũi với núi rừng đại ngàn. Những tấm thổ cẩm trở nên tiện lợi hơn khi có thể sử dụng vừa làm khăn, vừa làm áo và làm váy. 
 
Bà Ka Pơng chia sẻ: “Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm là biểu tượng và nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Người con gái K’Ho từ thuở lên bảy, lên mười đã được bà, mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi về nhà chồng phải tự may cho mình một bộ váy thật đẹp để dùng trong các dịp lễ. Đó cũng là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người con gái K’Ho”.
 
Dành riêng một góc nhỏ trong nhà, bà Ka Pơng vẫn còn nâng niu và gìn giữ chiếc khung cửi của mẹ để lại ngày nào. Ở cái tuổi 70, đôi chân trần mỏi mệt không còn sức để lên nương làm rẫy, nhưng bàn tay ấy vẫn còn khéo léo và cẩn thận khi dệt nên những họa tiết hoa văn truyền thống của người dân K’Ho. Sản phẩm bà dệt ra, chủ yếu là để phục vụ cho gia đình và những người thân: “Trong các dịp lễ và đặc biệt là cưới, hỏi thì tấm thổ cẩm là một điều gì đó rất thiêng liêng mà cô dâu, chú rể đều phải trân trọng và khoác lên mình trong suốt buổi lễ”, bà Ka Pơng tâm sự.
 
Lưu giữ về sau
 
Ngồi bên khung cửi, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao của bà Ka Pơng khi được tiếp xúc và dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống. Ngoài dệt để phục vụ cho người thân trong gia đình, bà Ka Pơng còn nhận dệt theo yêu cầu của các lái buôn hay những người có nhu cầu thưởng thức, bà nói: “Giờ lớn tuổi rồi, mắt mũi cũng kém đi nhiều rồi, nhưng cứ hễ thấy tấm thổ cẩm để bên góc nhà là đôi bàn tay cứ không chịu được, không có tiền để mua sợi thôi chứ có thì tôi còn dệt”.
 
Là gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm từ thời bà, mẹ nên bà Ka Pơng hiểu rõ được nỗi lòng của những người đi trước là mong muốn thế hệ trẻ về sau sẽ gìn giữ và phát huy tốt nghề dệt thổ cẩm. Gia đình bà có 9 anh chị em, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại chỉ một mình bà Ka Pơng tiếp nối nghề truyền thống của mẹ để lại. Đau đáu trong lòng, bà bộc bạch: “Bọn trẻ giờ bận bịu, cũng chẳng mặn mà nhiều với nghề như thời tôi còn trẻ. Cũng không biết là về sau con cháu nó có còn tìm kiếm và cố gắng học để dệt được những tấm thổ cẩm như thế này nữa hay không”.
 
Ánh mắt đượm buồn hiện rõ trên khuôn mặt, bà Ka Pơng lo sợ một mai mình già yếu thì tiếng kẽo kẹt không còn được phát ra từ khung cửi góc nhà, và những tấm thổ cẩm truyền thống liệu con cháu có còn nâng niu, gìn giữ. 
 
Ông Lê Quang Húy - Chủ tịch UBND xã Tà Nung cho biết: “Trong đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thì dệt thổ cẩm và cồng chiêng được chú trọng và đầu tư. Theo đó, UBND xã cũng đang phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin của TP Đà Lạt để xây dựng một ngôi nhà sàn phục vụ cho đội cồng chiêng và trưng bày các sản phẩm dệt thổ cẩm nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan. Đây cũng là một trong những hướng để phát triển kinh tế cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. 
 
Trước cơ chế thị trường, nhiều bạn trẻ không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, song trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, đâu đó vẫn còn những nghệ nhân đang ngày đêm “giữ lửa” như bà Ka Pơng. Và có lẽ, những già làng ấy đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân K’Ho.
 
THÂN THU HIỀN