Xuất phát từ đời sống thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số, đa số các hộ không có sân làm bằng xi măng nên Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tham mưu, đề xuất Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng mô hình hỗ trợ làm sân xi măng cho người dân nhằm mục tiêu cải thiện môi trường sống, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, đồng thời giúp các hộ có sân phơi nông sản hợp vệ sinh cho người dân.
Xuất phát từ đời sống thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số, đa số các hộ không có sân làm bằng xi măng nên Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tham mưu, đề xuất Ban Dân vận Tỉnh ủy xây dựng mô hình hỗ trợ làm sân xi măng cho người dân nhằm mục tiêu cải thiện môi trường sống, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, đồng thời giúp các hộ có sân phơi nông sản hợp vệ sinh cho người dân.
Sân phơi xi măng do Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ bà con Đam Rông. |
Anh Kon Sơ Ha Tang, nhà ở Thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông, là một trong những hộ gia đình nghèo của xã đã được chính quyền địa phương và Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ làm sân xi măng sạch đẹp phía trước nhà. Anh cho biết: “Việc xây dựng sân phơi xi măng đã giúp trẻ con nhà tôi có chỗ nô đùa, nông sản thu hoạch về có chỗ phơi sạch sẽ, do đó cũng bán được giá cao hơn”.
Anh Ha Tang cũng cho biết, không chỉ riêng gia đình anh mà một số gia đình khác trong xóm cũng được hỗ trợ làm sân xi măng. Có sân sạch sẽ nên sau giờ lên rẫy về nhà, làng xóm thường qua sân tụ tập giao lưu với nhau nên đời sống cũng vui vẻ, đầm ấm hơn. Một số gia đình khác trong thôn thấy sạch đẹp và hiệu quả nên cũng làm theo. “Nhiều gia đình có điều kiện còn kéo điện ra ngõ, ra sân để buổi tối có chỗ ngồi hóng mát, tụ tập trò chuyện, tạo cảnh quan gia đình nông thôn có nhiều khởi sắc”.
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ: “Hưởng ứng phong trào thi đua Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới do Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động, từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để xây dựng sân xi măng cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, khó khăn của tỉnh. Năm 2016 đã hỗ trợ được cho 64 hộ gia đình nghèo là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh xây sân xi măng với tổng số tiền hỗ trợ 128 triệu đồng. Năm 2017, Hội vận động các nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên xây dựng được 22 sân xi măng trị giá 41,4 triệu đồng. Năm 2018, vận động xây dựng được 36 công trình sân xi măng trị giá 90 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi lại tiếp tục vận động với mong muốn lớn nhất của các cấp Hội và nhà tài trợ là bà con được nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và tập quán không còn phù hợp, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tính toán làm ăn để tạo ra nhiều của cải nhằm vươn lên thoát nghèo”.
Số tiền hỗ trợ làm mỗi một sân phơi không lớn, nhưng mô hình này qua nhiều năm phát động, đã gây được sự chú ý của nhiều tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh, được cấp ủy, chính quyền các địa phương ủng hộ bởi mang lại ý nghĩa hết sức thiết thực với đời sống và góp phần làm thay đổi nhận thức của Nhân dân rõ rệt. Nhiều tổ chức chính trị - xã hội cũng đã và đang học tập triển khai thực hiện mô hình này, nhiều hộ gia đình thấy rõ tiện ích và hiệu quả cũng đã tự bỏ vốn để làm mà không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể xã hội hay chính quyền địa phương. Đó là ý nghĩa lớn hơn hết mà Hội Chữ thập đỏ đã đạt được.
“Mô hình sân xi măng do Hội Chữ thập đỏ khởi xướng đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao. Trong quá trình thực hiện đã có nhiều hình thức vận động, tuyên truyền được tiến hành hiệu quả, đã từng bước giúp người dân nhận thức đúng đắn về chương trình xây dựng nông thôn mới. Mô hình sân xi măng đang tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói, việc hỗ trợ làm sân xi măng cho người dân đã đem lại nhiều kết quả nổi bật, thiết thực, hiệu quả và mang tính nhân văn, nhân đạo, phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa của Đảng, Nhà nước, đồng thời góp phần xây dựng và gìn giữ môi trường sống cho các gia đình vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi nhận thấy, đây cũng là một giải pháp thiết thực để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp, phát triển các mô hình nhân đạo, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân, là cách thực hiện chương trình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” thiết thực, phù hợp với tình hình hiện nay” - lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá.
N.THI - H.THẢO