Ở vùng rau Xuân Thọ, Ðà Lạt hiện giảm hẳn tình trạng những xác rau, gốc hoa, gốc cà chua, đọt cúc bị vứt ra ngoài đường hay tấp vào một góc vườn. Ðây là thành quả của một dự án do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tài trợ để thực hiện việc phân loại và tái chế rác thải nông nghiệp, xây dựng một vùng rau hoa bền vững.
Ở vùng rau Xuân Thọ, Ðà Lạt hiện giảm hẳn tình trạng những xác rau, gốc hoa, gốc cà chua, đọt cúc bị vứt ra ngoài đường hay tấp vào một góc vườn. Ðây là thành quả của một dự án do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tài trợ để thực hiện việc phân loại và tái chế rác thải nông nghiệp, xây dựng một vùng rau hoa bền vững.
|
Bể chứa rác thải nông nghiệp làm phân. Ảnh: D.Q |
Hộ ông Nguyễn Hữu, thôn Đa Quý kể lại, gia đình chuyên nghề trồng cà chua, dưa leo theo hợp đồng với các công ty rau an toàn. Trước đây, mỗi lần làm chồi, làm lá cà chua, lá dưa leo, không có chỗ vứt nên ông thường để ngay lề đường cạnh vườn, chờ khô đốt bỏ. Mùa nắng không nói, mùa mưa dịch lá mủn gây hôi hám, bị các công ty rau phê bình, bà con quanh xóm phản đối, kỳ họp thôn còn bị nhắc nhở về vệ sinh môi trường. Hiện giờ, ông dùng lá, quả cà chua, xác dưa leo bỏ vào bể ủ, vừa sạch sẽ vừa đẹp vườn, đẹp đường làng ngõ xóm, lại có phân hữu cơ để dùng.
Tương tự như ông Nguyễn Hữu, gia đình ông Phạm Cư có gần 2 ha đất trồng lơ baby, trồng bông cúc, bông cẩm chướng. Trước đây, ông thường tấp rác thải vào một góc vườn, chờ mục rồi cày ải vào đất. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới hàng xóm nhưng rau thối gây mùi, chảy xuống vườn, xuống ao và ngấm ít nhiều vào nguồn đất, nguồn nước. Tham gia dự án phân loại và xử lý rác thải, nhóm nông dân ông được dự án xây một bể ủ phân hữu cơ với dung tích đầy là 18m3. Ông cho biết: “Bể để đây rất tiện, nhặt lơ, chồi cúc bỏ ngay vào bể, thêm ít phân chuồng như phân dê, phân heo, thêm vôi ủ với men là có phân hữu cơ hoai mục. Sạch vườn mà lợi công làm, lại có phân bón lót. Các hộ trong nhóm nhà tôi như ông Đặng Ánh, bà Luyến, hàng xóm như anh Tùng và nhiều hộ xung quanh đều bỏ phế phẩm rau củ vào đây để làm phân hữu cơ, khu sản xuất sạch sẽ hẳn”.
Hai ông Nguyễn Hữu, Đặng Ánh là thành viên nằm trong dự án phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện tại xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ cho biết, dự án bao gồm 12 nhóm hộ nông dân với 48 nông hộ. Cứ 1 nhóm được dự án xây một bể bê tông 18 m
2 chuyên dùng để ủ phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp như xác rau hoa. Dự án tập huấn cho bà con kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng và men Trichoderma. Ông Bình cho biết, từ hỗ trợ của Hội, nông dân đã thay đổi hẳn ý thức, xác rau hoa không vứt lung tung mà ủ vào làm phân bón hữu cơ. Ông đánh giá, một mẻ ủ chừng 2-3 tháng tùy thời tiết là ra được một lượng phân vi sinh chất lượng, giá thành từ 1-1,5 ngàn đồng/kg. Trong khi phân hữu cơ vi sinh trên thị trường giá trung bình 4-4,5 ngàn đồng/kg. Vừa sạch vườn, đỡ công lại giảm chi phí phân nên bà con rất ủng hộ dự án. Không chỉ thành viên nông dân trong dự án mà cả những hộ bên ngoài cũng học hỏi, làm theo, gom rác nông nghiệp để làm phân chứ ít còn cảnh tấp bừa bãi như trước kia.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, Hội hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững. Một nền nông nghiệp không chỉ trồng ra nông sản, hoa quả đạt chuẩn mà còn là nền nông nghiệp sạch, nông dân thành thạo việc tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp để quay lại làm giàu cho đất mà không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn xã Xuân Thọ, Đà Lạt, một vùng rau hoa truyền thống để thực hiện dự án. Vì từ năm 2010, bà con nông dân Xuân Thọ đã quen với việc thu gom cẩn thận chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để bỏ tại nguồn riêng, không xả thải độc hại ra môi trường. Và từ cuối năm 2018 tới nay, bà con nông dân đã cho thấy xây dựng được thói quen vệ sinh ruộng vườn hợp vệ sinh, rác thải nông nghiệp được ủ thành phân hữu cơ. Thói quen tốt, có lợi được bà con truyền nhau rất nhanh, nông dân ý thức được lợi ích của việc thu gom, ủ phân hữu cơ bằng phụ phẩm nông nghiệp. Bà Vi chia sẻ, duy trì được thói quen tốt này đồng thời mở rộng thêm tại những vùng sản xuất rau hoa khác, Đà Lạt sẽ dần thay đổi, xác rau sẽ thành phân quay lại tăng độ phì cho đất, vệ sinh môi trường đạt chuẩn tiến tới xây dựng được một nền nông nghiệp bền vững, an toàn.
DIỆP QUỲNH