Bảo vệ môi trường, trong đó từ ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp là mối quan tâm của toàn cầu. Giảm mở rộng diện tích trồng cà phê, tăng giá trị trên một diện tích gieo trồng cũng là định hướng của nền nông nghiệp bền vững mà các nhà khoa học đặc biệt nghiên cứu...
Bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó từ ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp là mối quan tâm của toàn cầu. Giảm mở rộng diện tích trồng cà phê, tăng giá trị trên một diện tích gieo trồng cũng là định hướng của nền nông nghiệp bền vững mà các nhà khoa học đặc biệt nghiên cứu. Vì vậy, mô hình sử dụng vỏ quả cà phê để ủ thành phân hữu cơ là lựa chọn giải quyết được các yêu cầu trên.
|
Triển khai trình diễn mô hình ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê ở xã Tà Nung. Ảnh: M.Ðạo |
Xuất phát từ mục đích hạn chế tác động lên tài nguyên rừng thông qua cải thiện sinh kế cho người dân, Tổ chức JICA của Nhật Bản đã hỗ trợ một dự án tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang (Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM), hợp phần 3). Theo đó, từ tháng 12/2017, nhóm công tác đã hợp tác với Hội Nông dân 2 xã Đa Chais, Đa Nhim và thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), Chi cục BVMT của Sở TN&MT, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lạc Dương và doanh nghiệp tập huấn ủ phân hữu cơ bằng vỏ cà phê cho lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng (BVR), tổ sản xuất cà phê bền vững.
Dự án hướng đến là quản lý đất canh tác, BVMT, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho nông dân nòng cốt, lực lượng BVR trong các thôn mục tiêu của Dự án.
Để thực hiện, các bên liên quan chịu trách nhiệm một số nhiệm vụ như: xây dựng tiêu chí chọn hộ, kế hoạch phối hợp thực hiện giữa các bên tham gia; phối hợp với các bên tổ chức các chuyến tham quan học tập, các hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, kinh phí mua vật tư để ủ phân; giám sát, đánh giá mô hình để nhân rộng;... Sau một thời gian triển khai, ThS Tôn Thất Minh, tư vấn SNRM cho tôi biết, Dự án đã tổ chức tập huấn cho 115 hộ dân với 127 người tham gia, 5 cán bộ Trung tâm Nông nghiệp, 4 cán bộ kiểm lâm... Mỗi hộ tập huấn được mang về 300 kg compost để bón cho cà phê và hoa màu khác. Ông Minh đánh giá hiệu quả: Về kỹ thuật, người dân dễ áp dụng do kỹ thuật đơn giản; phân compost có đủ chất dinh dưỡng và các nguyên tố đa lượng - vi lượng giúp cây trồng sinh trưởng tốt; cải tạo đất trồng trọt. Về kinh tế, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại phân vô cơ và hữu cơ. So với NPK Bình Điền rẻ hơn 7-9 triệu đồng/tấn; phân hữu cơ Sông Gianh 4 triệu đồng/tấn; phân bò là 1,6 triệu đồng/tấn và phân compost từ phân bò và vỏ cà phê là 675 ngàn đồng/tấn. Cùng đó, mô hình ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê còn đem lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Càng ý nghĩa hơn là nhận thức và ý thức về BVMT của người dân được nâng lên rất rõ.
Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương cho biết thêm: Qua thực tế bón phân hữu cơ cho cây cà phê tại thôn Đarahoa, xã Đa Nhim, phần trăm về độ Brix của hạt cà phê tăng cao hơn nhiều (từ hơn 14% lên khoảng 16,2%) so với bón phân hóa học. Phân hữu cơ từ vỏ cà phê (nếu kết hợp với phân chuồng theo phương pháp của Dự án) còn hiệu quả kinh tế hơn so với phân bò. Các nhà khoa học cũng nhận định giá trị dinh dưỡng của phân ủ từ vỏ cà phê cao hơn nhiều so với phân gia súc.
Đại diện Chi cục BVMT, chuyên viên Nguyễn Khánh Ngân tham gia trực tiếp từ đầu việc triển khai mô hình ủ phân từ vỏ cà phê của Dự án. Qua những hiệu quả nêu trên, bà Ngân tiếp tục triển khai tập huấn mở rộng đến nhiều đối tượng để mong nhân rộng. Chương trình có sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan, đơn vị: UBND, Phòng TN&MT và Hội Nông dân thành phố Đà Lạt, huyện Lâm Hà; UBND xã Tà Nung (Đà Lạt), xã Mê Linh (Lâm Hà); Cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn xã Tà Nung, xã Mê Linh và ở huyện Di Linh.
Sơ bộ về quy trình xử lý vỏ cà phê làm phân bón như sau: Để có 1 tấn phân hữu cơ cần nguyên liệu của 400-500 kg (20 bao) vỏ cà phê; trấu 4 bao; phân chuồng 400-500 kg (20 bao); cám gạo 10-20 kg; men rượu 100g. Quá trình tạo nguyên liệu như sau: Để vỏ cà phê ráo nước sau 2-3 ngày rồi trộn với 1-2 bao trấu, có thể phun thêm nước gỉ đường (nếu có), đây là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình ủ phân. Sau đó vun thành luống cao 0,5-0,7 m; để lên men 2 tuần. Tiếp tục là chuẩn bị than trấu: dùng 2 bao trấu đốt lửa chậm rồi sau đó dập tắt lửa bằng nước. Lúc này là khâu khử mùi, kích thích vi sinh vật có lợi phát triển. Đối với cách làm cám gạo lên men như sau: 100 g men rượu (nghiền mịn), 10-20 kg cám gạo, 1 lít nước. Nguyên liệu gồm phân chuồng, cám gạo lên men, vỏ cà phê và than trấu trộn đều, độ ẩm 50%. Trộn đều, vun đống cao 1 m và ủ bạt, không để quá ẩm, ủ bao để khô thoáng trong 10 ngày (3-5 ngày đảo trộn 1 lần để không bón cục). Sau 10 ngày đảo trộn, thêm nước nếu quá khô; sau 35-50 ngày các thành phần hoai mục, nghĩa là đã thành phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng được.
Bà Nguyễn Khánh Ngân nhận xét với chúng tôi: Mô hình ủ phân hữu cơ bằng vỏ cà phê được tiếp nhận từ chuyên gia người Nhật. Qua thực tế cho thấy, ở vùng Cầu Đất, người dân làm khá thành công. Mô hình này so với sử dụng phân hóa học đã khẳng định có nhiều ưu điểm như ít tốn kém, phát triển bền vững, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do thói quen, bà con nông dân còn chưa nhiệt tình vận dụng phương pháp ủ phân bằng vỏ cà phê. Vì vậy, một mặt cần có những chế tài xử lý nghiêm khi cá nhân, đơn vị vi phạm quy định về pháp luật BVMT do nguồn thải vỏ cà phê; mặt khác, khuyến khích, biểu dương những cá nhân, đơn vị đã vận dụng phương pháp ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê để BVMT. Để tiến hành, cần có sự đồng thuận và đồng bộ trong tuyên truyền, phổ biến đến kiểm tra, thanh tra của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
ÐẠO PHAN