Không phải là những cây cầu lớn bắc qua những khúc sông to rộng, với giá trị nhiều chục tỷ đồng; những cây cầu dân sinh nhỏ bắc qua một con kênh, một nhánh sông hẹp, nối liền hai xóm dân cư, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.
Không phải là những cây cầu lớn bắc qua những khúc sông to rộng, với giá trị nhiều chục tỷ đồng; những cây cầu dân sinh nhỏ bắc qua một con kênh, một nhánh sông hẹp, nối liền hai xóm dân cư, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.
|
Cầu, cống dân sinh đã đi vào sử dụng. Ảnh: D.Quỳnh |
Đó là mục tiêu của Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án RLAMP) đang tích cực thực hiện ở Lâm Đồng.
Ông Hồ Đăng Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng kể lại “sự tích cầu Cháy”. Trên địa bàn xã Đạ Quyn có ba cây cầu được đặt tên lần lượt là cầu Cháy 1, 2 và 3. Nguyên do là 3 cây cầu đều làm bằng gỗ, mùa mưa thường bị lũ cuốn trôi. Nếu không bị cuốn, tới mùa nắng bà con chở rơm rạ qua lại, cầu khô nỏ bắt lửa và cháy bùng. Bởi vậy, dân Đạ Quyn rất vất vả, bức xúc nhiều năm vì chuyện đi lại. Mùa mưa mọi đi lại đều đình trệ, đã có người xảy chân đuối nước ngay địa phận cống K.67. Tới tháng 5/2019, Nhân dân Đạ Quyn rất mừng vui đón 4 cây cầu, cống mới gồm cầu Tơ Mrang 1, cầu Cha Rang Hô, cống Ma Kia và cống K.67. Những cây cầu, cống hộp bằng bê tông cốt thép bền vững, an toàn đã thay thế cho những cây cầu tạm bằng gỗ ọp ẹp, sẵn sàng đổ sập trong cơn mưa hoặc bùng cháy giữa mùa nắng. Giờ này, ngay cả khách du lịch, dân đi “phượt” tuyến đường Tà Năng - Phan Dũng, cung đường đẹp nhất Việt Nam cũng được đi lại thoải mái trên cây cầu Cha Rang Hô nối liền thôn Ma Kia và đường núi. Và còn 2 cây cầu, cống đang được xây dựng hoàn thành là Đạ Quyn hoàn toàn nối liền, không còn cảnh hiểm nguy mỗi mùa nước lớn.
Để phát huy hiệu quả của Dự án RLAMP, ngoài các cầu, cống thuộc giai đoạn 1 đang tiếp tục được xây dựng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận bổ sung xây dựng giai đoạn 2 cho Lâm Đồng 28 cầu, cống với kinh phí xấp xỉ 52 tỷ đồng. Dự án đang tiếp tục được triển khai, giúp nông thôn Lâm Đồng được nối liền bằng các cây cầu nhỏ, phù hợp và an toàn. |
Ông Trần Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Quản lý dự án và Kiểm định Giao thông vận tải, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, đơn vị trực tiếp phối hợp với Dự án RLAMP chia sẻ, dự án được thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới WB. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng các cầu dân sinh nhỏ, nối các đường thôn xã, nối các khu dân cư, đặc biệt ưu tiên các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn. Với Lâm Đồng, giai đoạn 1 được phê duyệt có 59 cầu, cống các loại được xây dựng, với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Vị trí xây cầu, cống chủ yếu thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Nguồn vốn xây dựng vay từ WB, địa phương chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn, giao mặt bằng “sạch” để đơn vị thi công triển khai công trình. Ông Hiệp thông tin, 59 cây cầu, cống này đều là nhu cầu đi lại thiết yếu của bà con. Khi chưa có cầu lớn, thường Nhân dân tự đóng góp xây cầu tạm bằng gỗ, tốt hơn chút thì bằng cầu thép đơn giản. Chất lượng của các cây cầu tạm này rất kém, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa, khi chỉ cần một cơn lũ là cuốn trôi cây cầu.
Theo ông Trần Văn Hiệp, cho đến tháng 5/2019, đã có 15 cầu, cống được xây dựng hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Còn lại 44 công trình đang tiếp tục được xây dựng và thường xuyên được nhắc nhở, giám sát để công trình thi công đạt tiến độ cũng như bảo đảm kỹ thuật theo đúng kế hoạch. Việc xây cầu hay cống, cống hộp hay cống tròn phụ thuộc vào lưu lượng dòng chảy, điều kiện tự nhiên để có căn cứ khoa học quyết định việc xây dựng. Theo thiết kế, cầu, cống đều bằng bê tông cốt thép, đảm bảo xe tải nhỏ, xe cá nhân qua lại an toàn và bền vững trong mùa mưa bão. Ông Hiệp cho biết, với số lượng 15 cây cầu, cống đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cho thấy hiệu quả rất tốt, Nhân dân đi lại thuận lợi, dễ dàng, an toàn hơn rất nhiều. Qua khảo sát thực tế, bà con rất mong mỏi có thêm những cây cầu, cống được xây dựng, nối gần hai bờ sông, suối, giúp giao thông vùng sâu đi lại thuận lợi hơn, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng tốt hơn.
DIỆP QUỲNH