Là một trong những xã có dòng suối Dà Riàm chảy qua với chiều dài khoảng 10 km, ngoài một số cây cầu bê tông cốt thép, cầu sắt được Nhà nước đầu tư xây dựng, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Di Linh còn phát huy nội lực đóng góp kinh phí, ngày công làm, sửa chữa, nâng cấp cầu tạm nhằm phục vụ cho việc sinh hoạt đi lại và phát triển sản xuất...
Là một trong những xã có dòng suối Dà Riàm chảy qua với chiều dài khoảng 10 km, ngoài một số cây cầu bê tông cốt thép, cầu sắt được Nhà nước đầu tư xây dựng, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Di Linh còn phát huy nội lực đóng góp kinh phí, ngày công làm, sửa chữa, nâng cấp cầu tạm nhằm phục vụ cho việc sinh hoạt đi lại và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, những cây cầu này vẫn chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân.
|
Cắt băng khánh thành cầu Nhân Tâm 4, xã Hòa Ninh. Ảnh: L. Phương |
Người dân ở một số thôn của 2 xã Liên Đầm và Hòa Ninh, huyện Di Linh có thêm niềm vui mới khi cây cầu dân sinh đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Từ nay bà con không còn cảnh lo lắng như suốt nhiều năm qua mỗi khi lưu thông trên những cây cầu gỗ, cầu sắt không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa lũ.
Với mong muốn giúp bà con đi lại được thuận tiện, cuối năm 2018, bà con Thôn 5, xã Liên Đầm được bà Nguyễn Hồng Hải thuộc Nhóm “Nhân Tâm” Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ, với kinh phí khoảng 154 triệu đồng để xây dựng cây cầu “Hồng Hải” kết cấu bê tông, cốt thép, có chiều dài trên 20 m, bề rộng 2,1 m và có trọng tải 1,5 tấn. Sau 5 tháng thi công, đến nay công trình đã được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân lưu thông vận chuyển các mặt hàng vật tư nông sản thuận lợi hơn.
Già làng K’Bèo ở Thôn 5, xã Liên Đầm bày tỏ: “Cây cầu đã mang lại niềm vui, phấn khởi cho bà con, bởi từ nay người dân mỗi khi lưu thông trên cầu sẽ yên tâm hơn và không còn cảnh nơm nớp, lo lắng vì thiếu an toàn như trước kia. Tuy nhiên, do qui mô, trọng tải cây cầu nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại là chính, nên các phương tiện công nông, máy cày, máy kéo muốn vào khu vực sản xuất vẫn phải đi đường vòng”.
Theo thống kê, xã Liên Đầm có 4.400 ha đất sản xuất cà phê, trong đó ở phía bên kia suối Dà Riàm có gần 2.000 ha. Vì vậy, vào mùa mưa lũ, việc đi lại phục vụ sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn, bởi một số cây cầu bị cuốn trôi, nghiêng, lệch, xuống cấp, nên không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, bà con Thôn 1 mỗi khi vận chuyển phân bón, hàng nông sản, các phương tiện máy cày, công nông đều tập kết ở nơi đầu cầu, nên cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kiều Ngân - Chủ tịch UBND xã Liên Đầm chia sẻ: “Trên dòng suối Dà Riàm chảy ngang qua địa bàn xã có tổng số 6 cây cầu dân sinh, trong đó đã có 2 cầu tại Thôn 9 và Thôn 5 được xây dựng, còn lại là những cây cầu tạm. Trong số cầu còn lại, có 2 cây cầu ở Thôn 1, còn ở Thôn 2 đã có dự án LRAMP đầu tư, hiện địa phương đã giải phóng mặt bằng và hoàn tất hồ sơ”.
Cùng với cầu Thôn 5, xã Liên Đầm, bà con Thôn 6 đi các Thôn 7, Thôn 9 và Thôn 10, xã Hòa Ninh được ông Trịnh Xuân Đạo và Nhóm “Nhân Tâm” (Thành phố Hồ Chí Minh) tài trợ với tổng kinh phí 240 triệu đồng, để xây dựng cầu Nhân Tâm 4 với chiều dài 50 m. “Trước đây, khi chưa có cây cầu Nhân Tâm 4, đời sống sinh hoạt của người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Cây cầu mới này sẽ góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt, người dân chúng tôi rất yên tâm mỗi khi các cháu học sinh lưu thông trên cầu”, ông Hoàng Văn Thức - Thôn 6, xã Hòa Ninh phấn khởi.
Cầu Hồng Hải và Nhân Tâm 4 có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt đi lại cho người trên địa bàn. Đây không chỉ là món quà tinh thần, quý giá của Nhóm “Nhân Tâm” gửi gắm, chia sẻ đến với người dân xã Liên Đầm và Hòa Ninh, mà còn giúp địa phương xóa dần những cây cầu tạm đã bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông, góp phần hoàn thành và nâng cao tiêu chí về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
LAM PHƯƠNG